|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn phát biểu chỉ đạo Hội nghị do HND tỉnh tổ chức. |
Đạt được kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng của nông dân và thu hút đông đảo hội viên. Vai trò nòng cốt của tổ chức Hội Nông dân trong thực hiện nghị quyết của Đảng, các chương trình hành động của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm quốc phòng an ninh ngày càng thể hiện rõ nét hơn... Các phong trào do Hội Nông dân phát động có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực: Bình quân mỗi năm có trên 120.000 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi và có trên 60.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 60,25% so với số hộ nông dân toàn tỉnh. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 40,1% tổng số xã trong tỉnh) góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Qua các phong trào tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, hoạt động Hội và phong trào nông dân còn có những hạn chế nhất định, đó là: Việc nắm bắt tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của hội viên nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; vai trò đại diện của Hội Nông dân các cấp trong tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế; chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới ngang tầm với yêu cầu đặt ra cho tổ chức Hội.
Dự báo trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh ta vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Để vận động, tập hợp nông dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tuyên tuyền, triển khai quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân và hội nông dân trong thời kỳ mới; qua đó, vận động các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân phát huy vai trò nòng cốt, là chủ thể tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.
2. Các cấp Hội trong tỉnh cần bám sát chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ Hội, hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các chương trình, đề án của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để xây dựng các chương trình hoạt động của Hội. Đồng thời, có kế hoạch vận động hội viên, nông dân hưởng ứng thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
3. Mỗi tổ chức Hội cần tiếp tục đổi mới cách làm, cách tổ chức các phong trào nông dân thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua cần bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện thực tiễn của địa phương, phù hợp với nhu cầu của hội viên, nông dân; đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Hàng năm, cần tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Thông qua các phong trào hoạt động, các cuộc vận động của Hội, huy động các nguồn lực xã hội tham gia cùng với nguồn vốn của Nhà nước đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Trong tổ chức thực hiện, vừa chú ý tổ chức các phong trào theo bề rộng, vừa chú trọng triển khai các hoạt động cụ thể phù hợp với từng đối tượng hội viên, nông dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các phong trào thi đua yêu nước của Hội.
4. Hội Nông dân các cấp cần tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và phong trào nông dân; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội các cấp. Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Với truyền thống cần cù, chịu khó của nông dân tỉnh nhà, cùng sự quan tâm hỗ trợ đầy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng và sự nỗ lực của Hội Nông dân các cấp, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, hoạt động Hội và phong trào nông dân tỉnh ta sẽ tiếp tục đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương.