Anh Văn tâm sự, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về địa phương năm 2007, anh theo học nghề lái xe rồi vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề lái xe taxi để nuôi người em đang học đại học. Hoàn thành trách nhiệm cao cả với người em trai, Văn lập gia đình với chị Phan Thị Vinh quê ở Phù Cát – Bình Định, cùng làm việc với anh tại TP HCM. Với thu nhập ổn định của hai vợ chồng, đủ ổn định để sinh sống tại thành phố như nhiều người vẫn chọn, nhưng anh Văn quyết tâm về quê xây dựng kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Năm 2013 vợ chồng anh về quê, những buổi đầu về làm nông, chăn nuôi, trồng trọt, vì giá cả thị trường không ổn định nên đã thua lỗ. Sau nhiều đêm trăn trở, anh Văn định lại cho mình một hướng đi cụ thể.
Trong “cái khó ló cái khôn”, nghĩ lại những lần chạy taxi đưa đón khách từ TPHCM về Bến tre trước kia, anh có tìm hiểu về cách trồng cây dừa xiêm cho thu nhập khá ở các nhà vườn. Thế là, anh lên đường vào tỉnh bạn ở Bến Tre học hỏi kỹ hơn về kỹ thuật trồng cây dừa xiêm và đặt mua cây giống về trồng. Xuống giống thử nghiệm 200 cây dừa xiêm xanh (giống dừa cho nhiều trái, nước ngọt), sau hơn ba năm trồng và chăm sóc đến nay số dừa sim này đã cho thu hoạch năm thứ 2. Anh Văn cho biết cây dừa xiêm xanh rất hợp với chất đất ở địa phương, cây lớn nhanh, kỹ thuật chăm bón đơn giản, chỉ cần banh bồn tưới nước, bón phân, phun và đặt thuốc trừ bọ dừa theo định kỳ. Một cây dừa xiêm xanh khi trưởng thành sẽ cho 10-14 buồng trái/năm, trung bình một buồng dừa có thể cho từ 15- 20 trái. Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật một buồng dừa có thế cho hơn 30 trái. Với giá dừa như hiện nay, 10-15 ngàn đồng/ trái, một cây dừa xiêm sẽ cho thu nhập từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/ năm.
Hiện nay, anh Văn tiếp tục khai thác quỹ đất hơn 1,5ha của gia đình, và xuống thêm hơn 300 gốc dừa mới, nâng tổng số dừa hiện có lên hơn 500 gốc với những giống dừa mới cho năng suất cao như giống dừa Mã Lai, dừa xiêm lùn, dừa xiêm lục… anh Văn cho biết hiện tại anh gặp một số khó khăn như: lựa chọn nguồn cây giống, vốn sản xuất, đặc biệt là nguồn cung cấp giống, vì không có cơ sở pháp lý nên khó ràng buộc trách nhiệm với nhà cung cấp cây giống về mọi mặt, anh cho hay: “Cơ bản là con giống, con giống nhà nước phải can thiệp vô, hợp đồng với một đơn vị nào đó, phải có văn bản, biên bản rõ ràng. Anh nhập về tôi số lượng bao nhiêu nếu dân tôi trồng lên không đúng, anh phải bồi thường cho chúng tôi bao nhiêu thì họ mới có hợp đồng thỏa thuận nếu trật thì họ phải bồi thường, bù lại cho người dân tổn thất 5-7 năm bỏ công sức ra thì họ mới là lấy chuẩn được. Còn bây giờ dân mình tự đi mua thì đâu có một hợp đồng nào, một văn bản nào mà ông A hay ông B hay bên B phải chịu trach nhiệm cho bên A nguồn tổn thất 5-7 năm đó. Nếu nhà nước chen vô, khuyến nông chen vô thì khác chứ, rất khác. Có thể là ảnh chọn giống kỹ nè, ảnh giao hàng đúng ngày, đúng giờ nè, giống đúng chất lượng. Nguồn vốn cũng căn lắm, cây dừa thấy vậy chứ cũng căng lắm chứ không đơn giản đâu, tại vì hàng tháng phải sử dụng thuốc định kỳ trừ bọ cánh cứng, kiến gươngchứ chưa nói gì về phân lạc to tác hết, thì nó cũng đã tốn bạc triệu rồi. Tiền nước tiền thuốc để mà phòng trừ bọ cánh cứng kiến gương”.
Trong kỹ thuật trồng cây dừa xiêm, anh Văn cũng có cách làm sáng tạo, để giảm chi phí trong sản xuất và cải tạo nguồn dinh dưỡng cho đất, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Tận dụng nguồn chất thải trong quá trình chăn nuôi heo của những hộ dân lân cận xung quanh. Anh Văn đầu tư hệ thống bơm dẫn nguồn phân này về xử lý rồi tưới cho toàn bộ diện tích vườn dừa. Bên cạnh đó, để có nguồn vốn luân phiên, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đồng thời nhằm phát huy năng suất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, toàn bộ diện tích đất mới xuống giống dừa con, anh thực hiện trồng xen canh 7 sào cây mướp hương và 16 sào bầu – bí. Tất cả đang cho thu hoạch, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông Hồ Hoàn Kiếm - khuyến nông xã Bình thuận có nhận xét về mô hình trồng cây dừa xiêm của Anh Văn. Ông nói: “Cây dừa trồng trên đất Bình Thuận thì đã có từ lâu, nhất là cây dừa sim, một loại cây trồng lâu năm cho thu nhập kinh tế cao. Cây dừa rất hợp với thổ nhưỡng tại địa phương. Nhưng đầu tư trồng đại trà và chuyên canh về loại cây trồng này ở địa phương thì anh Văn là người đầu tiên. Anh đầu tư trồng hàng trăm cây, trong đó đã có khoảng 200 cây cho trái tạo thu nhập ổn định và anh đang tiếp tục tìm kiếm những giống mới có ưu điểm cao hơn nữa để mở rộng diện tích trồng mới thêm. Bên khuyến nông chúng tôi rất ủng hộ những mô hình như thế này, khuyến khích bà con, nhất là những hộ gia đình có quỹ đất chưa khai thác hết nên nhân rộng mô hình này”.