Xã Cát Thắng hiện có 2.041 hộ- 7.240 nhân khẩu, sinh sống trên 5 địa bàn dân cư. Cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây lúa chiếm tỷ trọng lớn với diện tích trên 600 ha. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân để tích cực phát huy vai trò của cộng đồng. Đồng chí Nguyễn VănTài- Chủ tịch UBND xã Cát Thắng, cho biết: Bước vào xây dựng NTM, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, một trong những giải pháp được Đảng ủy, UBND xã tập trung; đó là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Giúp người dân hiểu được vai trò chủ thể của mình, qua đó phát huy được nguồn lực, đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, bởi mục đích chính là thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Vui mừng quê hương đổi mới từng ngày, ông Trảo An Tự, Trưởng thôn Phú giáo, xã Cát Thắng, bày tỏ: “Bà con chúng tôi rất mừng, đường đi lối lại được làm bằng bê tông, trường học được xây dựng 2 tầng khang trang sạch đẹp, điện sáng từ trong nhà ra ngoài đường, công tác y tế hoạt động tốt chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nói chung cuộc sống của người dân chúng tôi hôm nay khá hơn trước rất nhiều”.
Theo kế hoạch, xã Cát Thắng phải hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều tiêu chí xây dựng NTM ở Cát Thắng việc triển khai thực hiện chậm do thiếu nguồn kinh phí đầu tư. Là xã thuần nông, độc canh cây lúa, nội lực có hạn nên việc triển khai xây dựng NTM ở Cát Thắng không diễn ra nóng vội, mà theo cách tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm tới đâu chắc tới đó, không đầu tư dàn trải, tránh lãng phí và không để nợ đọng.
Triển khai xây dựng NTM, Cát Thắng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm cho người dân hiểu được lợi ích của xây dựng NTM, trong xây dựng NTM người dân giữ vai trò chủ thể, nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo. Mọi chủ trương, chính sách, kế hoạch lộ trình xây dựng NTM đều được xã đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và nhân dân được tham gia giám sát, thực hiện dựa trên điều kiện thực tế của từng thôn, xóm. Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Cát Thắng huy động được hơn 46 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn cấp trên (Trung ương, tỉnh, huyện) hỗ trợ gần 16,5 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 18,2 tỷ đồng, Doanh nghiệp 5,1 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp hơn 4,8 tỷ đồng, số còn lại là lồng ghép từ các dự án khác, để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi xã hội.
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã Cát Thắng xác định phát triển kinh tế là đòn bẩy để xây dựng thành công NTM. Địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, theo hướng bán công nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, gia trại.Thực tế, nhiều mô hình trồng rau sạch, bí đao, chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng đã được hình thành ở nhiều thôn, xóm. Xã đã định hướng, hỗ trợ nhân dân phát triển nhiều ngành nghề dịch vụ quy mô nhỏ như: Xay xát gạo, mộc dân dụng, xây dựng, dịch vụ vận tải, sửa chữa cơ khí, gia công ghế nhựa v.v… góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27,4 triệu đồng (năm 2018).
Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Cát Thắng cho biết thêm: “Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, việc xây dựng NTM ở Cát Thắng đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, do thiếu nguồn vốn. Đến thời điểm này, xây dựng NTM ở Cát Thắng đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại là: Giao thông, Thủy lợi, Tổ chức sản xuất, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, thu nhập, hộ nghèo, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Trong đó, tiêu chí số 2 ( giao thông), tiêu chí số 3 ( thủy lợi) và tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), đều đòi hỏi phải có thêm nguồn vốn lớn đầu tư, mới thực hiện đúng tiến độ. Trong khi đó, việc huy động nguồn vốn, xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, tiềm lực kinh tế của địa phương có hạn, nên việc triển khai đầu tư xây dựng NTM diễn ra rất chậm so với các xã khác trong huyện”.
Với quyết tâm đảm bảo xây dựng NTM hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, địa phương đang tiến hành rà soát, làm rõ những nguyên nhân, vướng mắc tìm cách tháo gỡ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, triển khai có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất và huy động tối đa các nguồn lực trong nhân dân, các doanh nghiệp, để có kinh phí đầu tư xây dựng NTM. Tập trung phát triển các mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả: Sản xuất rau, quả, chăn nuôi trang trại, gia trạị góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Ngoài những tiêu chí cần vốn lớn thì các tiêu chí đòi hỏi phải tuyên truyền nâng cao ý thức người dân như: môi trường và an toàn thực phẩm, nước sạch, tổ chức sản xuất, cũng cần sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể thay đổi “một sớm, một chiều”.
Để thực hiện các tiêu chí còn lại, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Trong đó, tập trung nguồn lực vào các tiêu chí có liên quan đến phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn vốn trong dân để nhân dân chủ động tham gia, ủng hộ. Đồng thời, khai thác những thế mạnh về vị trí địa lý của xã, cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai chương trình liên kết 4 nhà để giúp người dân phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao, tạo đầu ra cho sản phẩm... từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiềm lực vững chắc để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào năm 2020./.