|
Lễ hội Đống Đa được tổ chức tại huyện Tây Sơn.
|
Tuy vậy, từ ngày hai mươi ba tháng Chạp, sau lễ đưa tiễn ông Táo về trời thì việc chuẩn bị tết bắt đầu náo nức. Dù lúc này, công việc đồng áng, mùa màng của nhà nông cực kỳ bận rộn với những toan tính cho một vụ mùa sắp tới, nhưng việc sắm sửa Tết với rất nhiều thứ như từ việc lau dọn bàn thờ tổ tiên, sửa sang, trang trí nhà cửa, chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét đến mua hoa, quả chưng diện trong nhà... đã mang không khí tết đến với mọi người, mọi nhà.
Theo Văn hóa Đông Á – nền văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thừa") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
Những ngày giáp tết, công việc càng bận rộn hơn với những người nông dân, mặc dù trời lạnh tê tái cùng những cơn gió mùa đông bắc xe lạnh tràn về như cắt da cắt thịt, mọi người vẫn dậy rất sớm để quây quần bên nhau, để cùng nhau gói những chiếc bánh chưng, bánh tét cho còn kịp đưa lên bếp nổi lửa, đun bánh, vớt bánh hòa vào tiếng lách tách của than lửa trông thật êm tai.
Thích nhất vẫn là ngày hai mươi chín và ba mươi tết được đi chợ quê. Người ta đổ về chợ rất nhiều. Người mua hòa lẫn vào người bán tạo không khí hối hả. Chiều ba mươi tết là thời khắc quan trọng để mọi người thắp nén hương trên những ngôi mộ tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết. Từ lúc đó, hương và nến được thắp liên tục trong suốt mấy ngày đêm liền như một chiếc cầu nối tâm linh giữa con cháu với những người đã khuất.
Đêm ba mươi tết, trong không khí tất niên, mọi người ai về nhà nấy để chuẩn bị đón thời khắc giao thừa linh thiêng trong ngôi nhà nhỏ với những người thân của mình. Từ lúc ấy, người ta thường ngại bước chân sang đất nhà khác nếu như mình không phải là người may mắn hoặc tuổi của mình không hợp với tuổi của gia chủ kia, vì như thế sẽ mang lại điều xui xẻo cho họ. Sau lễ cúng giao thừa, mọi người kéo nhau lên chùa hái lộc, làm lễ cầu may…
Người Việt chúng ta quan niệm: mồng Một tết Cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết Thầy. Vì vậy, ngay từ sáng sớm ngày mồng Một, người ta kéo nhau về nhà cha mẹ hai bên của mình để chúc tết và thắp hương cho tổ tiên. Sau đó mới đi thăm hỏi, chúc tết những người cao niên, những bậc bề trên trong dòng họ. Đây là dịp mọi người được trò chuyện, tâm sự cùng nhau về việc làm ăn, chuyện gia đình... trong suốt một năm qua. Những bật cha ông thường tặng cho con cháu những chiếc phong bao màu hồng kèm theo ít tiền và đây được xem là tiền mừng tuổi lấy may với ý nghĩa phát vốn, phát lộc, phát tài cho con cháu kèm theo những lời chúc có nội dung và ý nghĩa rất cụ thể, thiết thực.
Sáng mồng Ba tết, người ta đến thăm các thầy, các cô. Người mà mọi người thường nghĩ đến đầu tiên là thầy dạy nghề, dạy việc hoặc những người có đạo đức sáng ngời, những người có ảnh hưởng lớn đến tình cảm và cuộc đời của mình để đến thăm viếng và kính chúc sức khoẻ, tỏ lòng tôn kính, biết ơn. Đó là những người mà họ không chỉ nhớ suốt đời vì công lao dạy dỗ mà còn mang ơn vì đã đem đến cho họ một cuộc đời hạnh phúc.
Ngay từ mồng 1 Tết Nguyên đán, các cuộc vui bắt đầu tưng bừng diễn ra khắp nơi và kéo dài đến hết mùa xuân. ở tỉnh Bình Định, đầu xuân, du khách có thể thưởng ngọn nhiều lễ hội. Như Lễ hội Chợ Gò ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước với những hoạt động mua bán không mang tính chất kinh doanh mà chỉ có ý nghĩa cầu lộc, tài may mắn đầu năm, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Hát bài chòi, biểu diễn võ thuật, thi múa lân và các trò chơi khác. Du khách về dự chợ Gò có dịp mua nhiều món quà mang ý nghĩa hái lộc đầu xuân.
Xong hội Chợ Gò, ngay ngày hôm sau Mồng 2 tết du khách có thể đến với hội đua thuyền ở Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu. Gò Bồi có sông Gò Bồi, có cửa thông ra Đầm Thị Nại. Trai gái đội đua thuyền của các thôn trong xã và cả các xã bạn cùng đến thi tài trên sóng nước bằng những chiếc thuyền thúng, thuyền thoi nhỏ nhẹ lao vun vút giữa tiếng reo hò, cổ vũ của hàng ngàn công chúng đôi bờ… góp phần cho ngày Tết cổ truyền thêm vui ở miền quê vùng sông nước.
Mùng bốn Tết, du khách được mãn nhãn với Lễ hội Đống Đa. Đây là lễ hội lớn nhất trong nước để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789) đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lễ hội được tổ chức trọng thể, hoành tráng vào ngày mùng 5 tháng giêng Âm lịch hàng năm, ngoài nghi lễ truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, đánh cờ người, các trò chơi dân gian, hát tuồng.... thu hút hàng vạn người khắp mọi miền đất nước tham dự.
Hay Lễ hội Đèo Nhông được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng giêng Âm lịch hàng năm tại Đèo Nhông (nằm trên trục đường quốc lộ 1 thuộc xã Mỹ Phong và Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) để kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu (năm 1965) vang dội của lực lượng vũ trang Quân khu V và bộ đội địa phương Bình Định, đã góp phần cùng với toàn miền Nam đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch, ghi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước một trang sử vàng chói lọi.
Một lễ hội không thể bỏ qua, rất đổi gần gũi với ngư dân miền Biển, đó là Lễ hội Cầu Ngư. Là một hình thứ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phổ biến của cư dân ven biển, hải đảo Bình Định, được tổ chức thường xuyên vào mùa xuân và mùa thu hàng năm. Vào các ngày hội có đầy đủ kiệu rước, đội trống chiêng, ban nhạc, đội chèo bả trạo, hát tuồng, diễn xướng theo nghi lễ, thu hút hàng nghìn người tham dự…
Một mùa Tết Nguyên đán nữa lại về!