Để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và giảm thời gian đi lại của khách hàng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã xây dựng hệ thống 10 điểm giao dịch tại 10 xã, thị trấn với 133 tổ tiết kiệm và vay vốn được đặt tại các thôn, tổ khu dân cư trong toàn huyện.
Tại các điểm giao dịch đều công khai chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn thủ tục, hòm thư góp ý, qua đó kịp thời nắm bắt các thông tin phản ánh từ người dân. Cách làm này đã tạo thuận lợi rất lớn trong việc kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các gia đình thiếu vốn sản xuất.
Theo báo cáo, năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Lão có tổng nguồn vốn đạt trên 208,6 tỷ đồng, tăng gần 14,2 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Thông qua các chương trình cho vay khác nhau: hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS nghèo và miền núi theo Quyết định 2085; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn cho các xã, thị trấn... đã được chỉ đạo cho vay kịp thời; không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, ngân hàng đã góp phần giúp các hộ vay vươn lên thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định.
Trong năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã đạt tổng doanh số cho vay trên 53 tỷ 270 triệu đồng; doanh số thu nợ trên 39.000 triệu đồng, tổng dư nợ đạt 208.675 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Tôm ở thôn Hưng Nhơn, thị trấn An Lão, cho biết: “ Năm 2009, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách- xã hội huyện đầu tư mua 2 con bê cái và trồng 2 ha keo lai. Nhờ biết cách chăm sóc nên sau 3 năm bê lớn và sinh thêm 2 bê con; keo lai sau 5 năm đã thu hoạch bán lứa đầu tiên. Nhờ đó gia đình tiếp tục đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi, đồng thời tiếp tục vay thêm 70 triệu đồng tiền học sinh-sinh viên cho 2 con học Đại học, với tổng số tiền gia đình được vay từ Ngân hàng CS-XH tính đến năm 2016 là 126 triệu đồng. Từ số tiền này gia đình đầu tư phát triển đàn bò và đầu tư trồng 4 ha keo đạt hiệu quả.”
Chị Nguyễn Thị Tôm cho biết thêm: nhờ đồng vốn vay này, con cái của chị được học thành tài và đã đi làm việc tại thành phố HCM, gia đình chị đã trả nợ vốn vay , cuộc sống gia đình khấm khá , ổn định và thoát khỏi hộ nghèo.
Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện triển khai hiệu quả hoạt động cho vay ủy thác. Các tổ chức chính trị- xã hội nhận uỷ thác tiếp tục triển khai thực hiện tốt hợp đồng ủy thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Ban đại diện HĐQT các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng tín dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao trình độ quản lý vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ ủy thác 4 tổ chức hội trong năm 2018 là 205.206 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 98,34% tổng dư nợ; với 133 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Không chỉ đơn thuần là giải ngân cho vay, thu nợ, để đồng hành cùng người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn xây dựng chương trình phát huy vốn vay bằng cách phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, tham gia tư vấn, phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng. Các gia đình sau khi được vay vốn sẽ sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập. Thông qua các hoạt động ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã góp phần giúp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn và các đối tượng chính sách trên địa bàn có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Trần Đước - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện An Lão, cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019, Ngân hàng CSXH huyện An Lão tiếp tục bám sát chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt và các hướng dẫn, quy định của Ban đại diện các cấp và của ngành. Thực hiện tốt đề án “Huy động lực lượng xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách” do Ngân hàng CSXH tỉnh ban hành. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch vốn cũng như tổng hợp nhu cầu từ cơ sở để tham mưu cho Trưởng Ban đại diện ký thông báo vốn kịp thời.
Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương và nhiệm vụ của ngành, để tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị triển khai thực hiện tốt kế hoạch nhiệm vụ được giao.
Thường xuyên quan tâm phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác cấp huyện đến cấp xã, tổ chức tuyên truyền, kiểm tra giám sát nhằm đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng. Duy trì sự ổn định việc huy động gửi tiền tiết kiệm của các thành viên tổ vay vốn, phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền việc huy động tiền gửi của người nghèo, nhằm tạo thói quen tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.Tăng cường tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi đến mọi người dân và đối tượng thụ hưởng.