Về Cát Sơn trong mùa xuân mới hôm nay, hẳn không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay diện mạo của một xã miền Núi. Cát Sơn của năm đầu giải phóng cho đến bây giờ là khoảng thời gian cần và đủ, để Cát Sơn vươn mình đi lên làm bao điều mới lạ; một vùng quê vốn có truyền thống cách mạng (căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy Bình Định), ý chí nghị lực trong chiến tranh được vun đắp bao nhiêu, thì ngày nay truyền thống ấy lại được nhân lên gấp bội. Những khó khăn trong đời sống kinh tế, sản xuất nông nghiệp mùa màng, chăn nuôi luôn được đặt ra; để rồi Cát Sơn hôm nay đạt sản lượng cao về cây lúa, cây màu trên 3.100 tấn lương thực, tăng 19% so với năm 2010. Những giống lúa mới có năng suất cao được đưa vào sử dụng, cây ăn quả, cây công nghiệp phát triển nhanh. Hệ thống thủy lợi- kênh mương được đầu tư xây dựng kiên cố, mạng lưới giao thông nông thôn được bê tông xi măng, đi lại thuận tiện không còn vất vả như trước. Bởi trong những năm qua, xã miền núi Cát Sơn biết chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới; khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương; tận dụng đất trống đồi trọc ven chân núi phát triển trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Keo lai, Bạch đàn, Điều, đậu phụng…
Đến nay, diện tích rừng WB3 lên đến 350ha, Cây Điều 380 ha, cây đậu phụng 280 ha và hàng trăm héc ta hoa màu khác, được trồng luân canh, xen canh đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất/1ha canh tác đạt 100 triệu đồng, tăng 3 triệu /ha so với năm 2017. Đã xuất hiện nhiều hộ gia đình có thu nhập khá từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng/năm như: Ông Nguyễn Văn A, Đặng Ngọc Hồng- thôn Thạch Bàn Đông, Nguyễn Bút- Thôn Hội Sơn….
Toàn xã có khoảng 26% hộ có cuộc sống khấm khá; nếu so với các nơi khác thì con số đó chưa là bao, nhưng ở xã miền Núi này là điều đáng khích lệ. Nếu như năm 2010, bình quân thu nhập đầu người gần 20 triệu đồng và tổng sản phẩm địa phương toàn xã là 109 tỷ đồng, thì đến nay đã đạt tới con số tương ứng thu nhập đầu người là 35,7 triệu đồng và tổng sản phẩm đạt 195,5 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp chiếm 65,6%, TTCN- GTVT- TM- DV chiếm 34,4%. Cả xã có 100 hộ sử dụng điện, 98% nhà ngói và có phương tiện nghe nhìn, 80% có xe máy.
Hai lĩnh vực y tế và giáo dục có bước phát triển mới; Cát Sơn đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã, công tác khám chữa bệnh được đảm bảo. Việc dạy và học được quan tâm, các trang thiết bị trường học được đâu tư đúng mức, với 2 Trường TH và THCS khang trang, đẹp đẽ ở giữa trung tâm xã. Với những bước đi ấy, đã dần tạo cho xã miền núi Cát Sơn có nhiều khởi sắc.
Ông Đinh Thơm, dân tộc Ba Na- già làng Sơn Lãnh, ở thôn Thạch Bàn Tây, rất mừng khi tết này bà con được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ vật chất và tinh thần; bà con trong làng rất phấn khởi đón xuân vui tết. Ông nói: “Tết này, bà con rất vui vẻ múa hát tại nhà rông, nhà cũng có đầy đủ gạo nấu, thực phẩm, chuối bánh các loại. Mọi người ăn mặc quần áo mới. Nói chung, là từ vật chất và tinh thần đều đầy đủ cho bà con vui tết”.
Thật vậy, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, Đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm đến đời sống nhân dân; nên người dân xã miền núi Cát Sơn càng thêm phấn khởi. Từ đó, nhân dân càng thấy có trách nhiệm cùng cộng đồng xã hội, phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2020 và xây dựng địa phương giàu đẹp; mà thể hiện rõ nhất là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Một trong những thành quả đạt được là toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống còn 5,23%, giảm 3,66% so với năm 2017.
Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong huyện, thì Cát Sơn theo chưa kịp, bởi vẫn còn là một xã nghèo nhất huyện; khi mà cơ cấu nông nghiệp chiếm đến 65,6%, tỉ lệ hộ cận nghèo còn cao 12,71%. Do đó, Cát Sơn đã và đang phấn đấu thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM, đến nay Cát Sơn đã đạt 14/19 tiêu chí NTM. Xã Cát Sơn xác định tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau. Trước mắt, phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi gia súc- gia cầm theo mô hình trang trại- gia trại; chú trọng chuyển đổi cây trồng, áp dụng KHKT vào sản xuất- chăn nuôi, nâng cao chất lượng nông sản phẩm.
Để cái nôi căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy phát triển đi lên thì bên cạnh sự tự lực tự cường của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cát Sơn cần có sự hỗ trợ về nhiều mặt; nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời hướng đến phát triển du lịch sinh thái, khai thác tiềm năng sẵn có như các hạng động ghi dấu ấn lịch sử Hòn Chè, Hồ Hội sơn…
Tết Kỷ hợi năm nay mọi hoạt động đón xuân- vui tết đều diễn ra bình thường, nhà nào cũng đón xuân- vui tết vui vẻ trong 3 ngày tết cổ truyền của dân tộc. Về vấn đề này, Ông Nguyễn Hữu Nam- Bí thư Đảng ủy- Chủ Tịch UBND xã miền núi Cát Sơn cho biết như sau: “Để cho nhân dân tết ấm xuân vui, ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, xã Cát Sơn đã tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, có một cái tết vui vẻ, đầm ấm, đảm bảo gia đinh nào cũng đỏ lửa 3 ngày tết. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể thao, tạo không khí nhộn nhịp và vui tươi ngày tết gắn với việc giữ gìn an ninh trật tự trước- trong và sau tết”.
Những gì có được hôm nay của Đảng bộ và nhân dân Cát Sơn, chính là nhờ biết phát huy nội lực; cùng với sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, mà còn có sự đoàn kết thống nhất cùng chung một ý chí, năng động, sáng tạo của cán bộ và nhân dân Cát Sơn, đã tạo cho quê hương một sức bật mới trong mùa xuân Kỷ Hợi năm 2019.