Theo ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão, năm 2018 khép lại, huyện An Lão đạt tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản 647,9 tỷ đồng, vượt 2,1% KH và tăng 12,9% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất nông nghiệp đạt 356,5 tỷ đồng, tăng 7,6%; lâm nghiệp đạt 289,7 tỷ đồng, tăng 20,2%; thủy sản đạt 1,7 tỷ đồng, ngang bằng so với năm 2017. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân. Người dân địa phương đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, trong đó trồng mới 36 ha cây bưởi da xanh (lũy kế từ trước đến nay là 75,5 ha); 1,73 ha cây bơ (lũy kế từ trước đến nay là 6,73 ha), 11,5 ha cây sầu riêng, 0,5 ha cây hồ tiêu (lũy kế từ trước đến nay là 9,5 ha).
|
Nông dân An Lão phát triển đàn bò lai. |
Tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có: 35.345 con (trâu: 3.190 con, bò: 8.497 con, lợn: 23.658 con), đạt 84,96% KH năm; tổng đàn gia cầm hiện có là: 73.700 con, đạt 103,1% KH; các trang trại, gia trại từng bước được cải thiện, đặc biệt là một số mô hình heo đen, gà thả đồi được nhân rộng lên các xã miền Núi.
Trong năm 2018, thực hiện Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 35 của UBND tỉnh, huyện đã hỗ trợ 20 con bò đực giống cho người dân, tỷ lệ máu lai đạt 75% trở lên.
Diện tích trồng rừng tập trung: 911 ha/1.000 ha KH, đạt 91,1 % KH năm, tỷ lệ che phủ rừng: 80,4%, đồng thời đã giao khoán cho người dân chăm sóc, bảo vệ 22.737,7 ha, đạt 99,2% KH năm.
Ngoài ra, huyện An Lão còn mở 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn về Trồng dâu nuôi tằm, kỹ thuật nuôi và phòng, điều trị bệnh gia súc, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây bưởi xa xanh, cho 140 nông dân (xã An Hòa, An Toàn, An Quang). Đã tổ chức 30 lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 955 lượt người.
Ông Đỗ Đình Biểu cho biết thêm: “Trong điều kiện của huyện An Lão, tuy vẫn còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nhưng mỗi vùng có một thế mạnh nhất định trên từng lĩnh vực. Ở các xã, thị trấn vùng thấp thì phát triển mạnh về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; ở các xã vùng cao, vùng ĐBDTTS thì phát triển về lâm nghiệp, trồng trọt (cây ăn quả). Cụ thể: Ở các xã, thị trấn vùng thấp như: xã An Hòa, An Tân, thị trấn An Lão, hàng năm diện tích sản xuất lúa là: 1.071 ha, chiếm 50% diện tích lúa toàn huyện; các loại cây trồng cạn sản xuất hàng năm đạt trên 500 ha các loại cây như: Ngô, lạc, dâu tằm, cây ăn quả,… Chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng năm đạt số lượng trên 60.000 con, chiếm trên 50% tổng đàn của huyện; Ở các xã vùng cao, vùng ĐBDTTS như: Xã An Trung, An Dũng, An Vinh, An Quang, An Nghĩa, An Toàn, hầu hết người dân phát triển trồng cây keo lai; chăm sóc diện tích được giao khoán quản lý hàng năm là 22.737,7 ha; khoanh nuôi xúc tiến tài sinh mây tự nhiên. Riêng đối với xã An Toàn, có thể phát triển trồng các loại cây ăn quả, như bưởi da xanh: hiện nay trên địa bàn xã đã trồng 30 ha, cây cam, bơ: đã trồng trên 5 ha và một số cây bản địa như: cây Sim, cây mỳ địa phương,…”.
Hiện nay, huyện miền núi An Lão đã hình thành hàng trăm trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm. Điển hình như trang trại tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Vân, thôn 2, thị trấn An Lão. Với diện tích đất hơn 3 ha, trồng keo lai giống, các loại rau củ, kết hợp chăn nuôi heo rừng, gà... .Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, canh tác; thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, trang trại của gia đình bà Vân phát triển ổn định, thu nhập hàng năm hơn 200 triệu đồng, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm 2019, huyện An Lão khuyến khích các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhằm tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân áp dụng các tiến bộ KHKT sản xuất một cách có hiệu quả, giảm thiểu các chi phí trong sản xuất, tạo ra hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân; thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng cạn trên diện tích đất lúa thiếu nước, thường xuyên bị hạn. Phấn đấu gieo sạ hết diện tích sản xuất lúa cả năm 2.188,7 ha (Lúa lai cơ cấu đạt 76,3% diện tích); đưa năng suất lúa bình quân đạt 62,3 tạ/ha.
Thực hiện kế hoạch của Huyện ủy An Lão về thực hiện chương trình hành động của tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016-2020, huyện An lão tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các giống mới, giống cao sản có năng suất cao, chất lượng tốt. Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất các loại cây trồng cạn, trong đó trồng mới 20 ha cây bưởi da xanh, 5 ha cây bơ, 30 ha cây cam, 10 ha cây sầu riêng và 40ha cây dâu tằm; Phát triển đàn gia súc ổn định với tổng đàn 36.610 con, 76.400 con gia cầm; thả nuôi 63 ha cá nước ngọt.
Ưu tiên hỗ trợ các khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại nhằm đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; năm 2019 toàn huyện phấn đấu trồng mới 1.000 ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 100ha mây tự nhiên; đào tạo nghề cho 350 nông dân cho các xã, thị trấn.