|
Một góc Phước Hưng hôm nay. |
Theo ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã, quê hương Phước Hưng đổi thay nhanh chóng là nhờ người dân đồng thuận chung tay kiến thiết quê hương, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) từ năm 2012 và về đích vào năm 2015. Không tự mãn với kết quả đạt được địa phương xác định cần phải xây dựng thành xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 – 2020 với các tiêu chí phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% lao động qua đào tạo nghề, lao động có việc làm đạt trên 95%; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm dưới 2%, tỉ lệ người dân tham gia BHYT trên 95%...
Ông Dương Minh Tân, chia sẻ: “Xã Phước Hưng được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015 về đích năm 2015. Hiện nay xã đang xây dựng đạt bộ tiêu chí NTM nâng cao, đến nay bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân Phước Hưng đã có sự thay đổi và phát triển đáng kể đều đó được thể hiện cụ thể là: Trong sản xuất nông nghiệp người dân sử dụng một cách triệt để các tiến bộ KHKT vào sản xuất, hưởng ứng tham gia sản xuất cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị canh tác, hàng năm liên kết với Công ty giống cây trồng Thái Bình sản xuất trên 300 ha và bán gần 2.000 tấn lúa giống. Hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang hơn, đặc biệt hạ tầng giao thông địa phương đã mở rộng trục đường chính của xã, các tuyến liên thôn, bê tông kênh mương nội đồng, thắp sáng điện đường nông thôn và trồng hoa tạo cảnh quang sáng – xanh – sạch đẹp. Tranh thủ lợi thế là vùng giáp ranh với TX An Nhơn, trong những năm qua địa phương đã đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, thành lập nhiều Công ty may mặc, giải quyết đáng kể lực lượng lao động địa phương. Nhờ vậy đã góp phần làm tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nhân dân. Tổng kết năm 2018, bình quân thu nhập đầu người xã Phước Hưng được 41,6 triệu đồng/ năm, tăng 6,6 triệu đồng so năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3.1%”.
Có thể thấy với trí tuệ, mồ hôi và công sức từ một vùng đất nghèo, từng nhận sự trợ cấp lượng thực của nhà nước, thì hôm nay đã thành một vùng sản xuất lương thực hàng hóa lớn của huyện, với hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, đập dâng xây dựng ngày càng hoàn chỉnh nên xã đã chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa sản xuất 3 vụ sang 2 vụ ăn chắc, hàng năm liên kết sản xuất lúa giống theo chuỗi hơn 500 ha, thu lợi trên 3 tỉ đồng/ năm, mở rộng các làng hoa cúc, hoa mai, cây cảnh mang lại thu nhập không dưới 6 tỉ đồng/ năm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đưa giá trị ngành nông nghiệp tăng trưởng 5 - 6%/ năm (hiện chiếm 30,14% trong cơ cấu kinh tế); chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng tỉ trọng tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng hiện chiếm gần 69,86% trong tổng cơ cấu kinh tế và tăng trưởng 14 – 16%/ năm.
Với lợi thế nằm dọc theo tỉnh lộ 636B và kề bên vùng kinh tế phát triển An Nhơn địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển các nghề may công nghiệp, đang nhựa giả mây, sản xuất gạch không nung... hiện giải quyết trên 98,7% lao động có việc làm thường xuyên. Sự năng động và nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh đã giúp kinh tế tăng trưởng khá bình quân tăng 12%/ năm, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 41,6 triệu đồng, tăng 31,5 triệu đồng so năm 2010.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền xã Phước Hưng đã chú trọng nâng cao đời sống cho người dân, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo dưới nhiều hình thức: hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, nên xã cơ bản xóa xong nhà ở đơn sơ. Nhờ đó, đến hôm nay số nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng chiếm 99%, 100% hộ dân sử dụng điện và có điện thoại di động, 100% hộ có xe máy và 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn, có 85,1% người dân tham gia BHYT…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, phong trào toàn dân chung tay xây dựng NTM được phát triển sâu rộng. Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, chỉnh trang khá đồng bộ, đường làng, ngõ xóm trước kia chật hẹp “nắng bụi, mưa lầy” thì nay được mở rộng bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp ô tô đến tận nhà. Từ tiền thưởng của UBND tỉnh thưởng xã về đích NTM 2015 và tiền đấu giá quyền sử dụng đất, xã đã đầu tư 15,2 tỉ đồng bê tông xi măng và bê tông nhựa toàn bộ 6,3 km đường từ trung tâm xã đến tỉnh lộ 636B và đến giáp di tích đô thị Nước Mặn (Chùa Bà) xã Phước Quang; 100% đường giao thông thôn liên xã, liên thôn, xóm, ngõ xóm đều bê tông và cứng hóa 48 km, đường nội đồng cứng hóa 13,3 km đạt 87,3% bảo đảm cơ giới đi lại phục vụ sản xuất.
Ông Hồ Ngọc Thái, thương binh hạng 1/4 ngụ thôn Nho Lâm, vui mừng bộc bạch: Tôi nhận thấy cách đây chừng 10 năm thôi đời sống của người dân còn khó khăn lắm, cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông phần lớn là đường đất chật, hẹp, đường nội đồng nhỏ hẹp cơ giới không đến được, kênh mương làm bằng đất. Từ khi xã có chủ trương xây dựng NTM năm 2012 cho đến nay mới đã có sự thay đổi rõ rệt, đường giao thông được bê tông đến tận ngõ xóm, có nhà văn hóa sinh hoạt nhân dân, khu thể thao, trường học được tầng hóa, di tích lịch sử vụ thảm sát Nho Lâm được xây dựng bài bản. Đặc biệt xã phối hợp vơi ngành chức năng mở các lớp đào tạo nghề, chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con chúng tôi phát triển kinh tế hiệu quả. Bên cạnh tham gia cánh đồng lớn, mẫu lớn đạt kết quả cao, lúa giống làm ra được doanh nghiệp tiêu thụ với giá phải chăng, từ đó nông dân chúng tôi đời sống được nâng cao. Như gia đình tôi vừa chăn nuôi heo, gà, làm ruộng cũng thu nhập 150 triệu đồng/ năm. Qua đó bà con có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang mang dáng dấp đô thị trù phú.
Còn chị Lê Thị Hương, ở thôn An Cửu, có nhận xét: Đường xá giao thông mở rộng hơn hồi xưa nhiều, nói chung nông thôn đổi mới, gia đình ai cũng phát triển, chính quyền xây dựng đường giao thông, mương mán nên giờ làm ruộng cũng khỏe, máy cắt tới nơi không khổ sở như hồi trước.
Đi đôi với phát triển kinh tế, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, cả 4 trường tiểu học, THCS và mầm non đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS. Tình hình ANTT địa phương được đảm bảo. Hiện 7/7 thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện và có nhà văn hóa, khu thể thao phục vụ cộng đồng dân cư…
Xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3, mỗi thôn có ít nhất 1 đội hoặc 1 CLB văn hóa - văn nghệ hoạt động thường xuyên. Có trên 80% hộ dân sử dụng nước máy, 90% hộ chăn nuôi có công trình khí sinh học, trên 70% hộ dân tham gia đề án thu gom rác thải sinh hoạt. Đảng bộ tiếp tục đạt trong sạch vững mạnh, chính quyền đạt loại xuất sắc, xã đạt chuẩn về ANTT loại xuất sắc, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Cũng theo ông Dương Minh Tân, từ khi tỉnh, huyện chọn Phước Hưng về đích NTM năm 2015, chúng tôi tiếp tục huy động sức dân hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp hơn 7,5 tỉ đồng góp công sức làm đường bê tông nên đến giờ bộ mặt nông thôn của xã dần được chỉnh trang, đời sống kinh tế và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể và qua rà soát địa phương đã đạt 18/19 tiêu chí NTM nâng cao. Bên cạnh năm 2018 với phương châm “nhân dân làm nhà nước hỗ trợ” nhân dân trong xã đã đóng góp 210 triệu đồng kéo 8 km điện đường nông thôn, nâng tổng số đường dây điện đường lên đến 18,5 km, lắp đặt 366 bóng đèn tiết kiệm điện phủ sóng đèn đường các thôn trong xã.
Đặc biệt, mới đây khi về thăm xã Phước Hưng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Hưng trong việc huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM. Trong đó, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần; văn hóa, giáo dục, môi trường có nhiều chuyển biến; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh trật tự xã hội và quốc phòng được giữ vững. Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền của xã Phước Hưng cần tập trung tuyên truyền, vận động sức dân tham gia XDNTM; giữ vững và hoàn thành tiêu chí còn lại; quan tâm vận động trong mỗi người dân ý thức về xây dựng nông thôn mới, làm sao cho cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên bởi mục đích cuối cùng của việc xây dựng nông thôn mới là đảm bảo cuộc sống của người dân được tốt hơn.
Giờ đây về Phước Hưng có thể thấy một gam màu tươi sáng, ban ngày hoa khoe sắc thắm, ban đêm điện sáng lung linh tạo vùng quê trù phú nhiều màu sắc.