|
Người dân xã An Hòa thu gom bao bì thuốc BVTV đúng nới quy định. |
Đi trên các cánh đồng ở các xã An Hòa, An Tân,.. vào những ngày đầu mùa hè 2019, chúng ta sẽ bắt gặp một màu xanh mướt của lúa, của bắp đang vào độ làm đòng… khác hẳn với cảnh rác thải, vỏ chai, lọ, bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi, lung tung như trước đây thì bây giờ khắp cánh đồng đã được trang bị nhiều hố rác bằng xi măng trông ngăn nắp và sạch sẽ. Những hố rác này được nông dân ở đây dùng làm nơi để tập kết bao bì thuốc BVTV vào đây hàng tuần, đến cuối tháng sẽ được các chi hội trưởng Hội Nông dân của thôn đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý rác của xã để đốt và phân hủy.
Ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân chia sẻ: Từ khi thực hiện phong trào nông dân với công tác bảo vệ môi trường do Hội Nông dân huyện phát động, cán bộ trong Ban Chấp hành HND xã và các chi, tổ Hội đã tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch trong sinh hoạt và trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy mà nông dân ở các thôn trong xã không còn vứt rác bừa bải như trước đây. Hội đã huy động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng 38 bể thu gom rác thải nông nghiệp bằng bê tông, xây theo kiểu hình trụ có đường kính 1 mét và cao 1,2 mét đặt dọc theo các tuyến đường nội đồng làm nơi để người dân thu gom rác, vỏ chai, lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng. Nhờ đó mà các kênh mương trên các cánh đồng không còn dơ bẩn như trước đây mà thay vào đó là dòng nước trong xanh mát để tưới cho cánh đồng màu mỡ đang vào độ làm đòng…
Có được những cánh đồng tươi xanh, hứa hẹn nhiều vụ mùa bội thu như ở An Tân, An Hòa, Thị trấn,.. là nhờ sự nổ lực của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch cũng như bảo vệ chính mạng sống của mỗi con người. Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã vận động hơn 12.000 lượt người tham gia các hoạt động BVMT ở nông thôn, tổ chức 171 buổi sinh hoạt với gần 4.500 lượt người tham dự các lớp truyền thông về Luật bảo vệ môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đai, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên một cách có hiệu quả.
Hằng năm, hưởng ứng tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày Môi trường thế giới 5/6, Hội Nông dân các cấp trong huyện tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút hàng nghìn cán bộ, hội viên nông dân trong huyện tham gia, với nhiều hình thức hoạt động phong phú đa dạng như: trồng cây xanh, thu gom rác thải, tổ chức cho nông dân ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, nơi công cộng khơi thông dòng chảy cống rãnh, xử lý triệt để rác thải tồn đọng đảm bảo môi trương xanh - sạch - đẹp... tạo ý thức cho cán bộ, hội viên nông dân về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường ở nông thôn. Các cơ sở Hội duy trì, phát triển các câu lạc bộ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, tổ thu gop xử lý rác thải. Hằng tháng người dân trong khu dân cư luôn tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, phát dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải để xử lý, trồng cây xanh trên các trục đường… Các hộ gia đình đều hướng đến xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tốt (thôn Tân Lập, xã An Tân) chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi phun thuốc trừ sâu về, vỏ chai lọ, bao bì tiện đâu tôi bỏ đấy. Từ khi được Hội Nông dân các cấp tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường và có bể thu gom, tôi đều mang vỏ chai bỏ vào bể rác cho sạch sẽ”. Còn ông Nguyễn Chín (Xuân Phong Nam, An Hòa) cho biết: “Khi đã có bể rác và được phổ biến về tác hại của những loại rác thải độc hại sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tôi cũng như mọi người dân trong thôn đều tự ý thức và có trách nhiệm thu gom vỏ chai lọ, vỏ bao thuốc trừ sâu để bỏ vào đúng nơi quy định”.
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn có những bước tiến đáng mừng là vậy. Song thực tế hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở huyện ta đang là vấn đề đáng lo ngại, nhiều nơi đông dân cư, tình trạng rác thải trong sinh hoạt vẫn chưa được xửa lý một cách triệt để. Nhiều người dân vẫn còn ngang nhiên xả thải nước sinh hoạt ra môi trường, một số hộ chăn nuôi chưa khoanh vùng tập trung, khu chuồng trại chăn nuôi vẫn gần với khu dân cư,… gây mùi hôi thối và xả tràn nước thải ra môi trường xung quanh,…
Để định hướng công tác bảo vệ môi trường trong những năm tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng và phát triển các mô hình BVMT nông thôn, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cần có những giải pháp cụ thể trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, như: tăng cường công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và phủ xanh đất trống; không đốt rẫy, đốt rừng để làm nương; cần khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Có như vậy mới hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, ổn định và bền vững ở huyện ta./.