Bức họa ngày mùa
Ngay từ 5 giờ sáng, trên cánh Đồng Hóc Ổi, thôn Hưng Nhơn (TT An Lão) đã rộn ràng tiếng cười nói khiến khung cảnh nơi đây thật đông vui, nhộn nhịp. Mặc dù khá vất vả khi phải gặt bằng tay nhưng mọi người đều hồ hởi, phấn khởi khi nhìn những bó lúa nặng trĩu bông được chất cao trên các bờ vùng, bờ thửa chờ máy đến tuốt...
|
Gặt lúa bằng máy cơ giới ở An Lão. |
Chị Lương Thị Mến chia sẻ: “Cũng vất vả lắm, nhưng nhìn những cây lúa nặng trĩu, những hạt thóc vàng ươm là bao nhiêu vất vả của người nông dân đều tan biến”. Được biết, khu đồng này của thôn Hưng Nhơn chưa được dồn điền đổi thửa nên máy gặt liên hợp không vào được, buộc bà con phải gặt bằng tay; nếu thuê người gặt với giá 300 nghìn đồng/sào, cộng thêm chi phí tuốt lúa và công chăm bón thì người nông dân không có lãi. Bởi vậy, gia đình chị Mến cùng hai gia đình hàng xóm thường gặt “đổi công” để việc thu hoạch bớt vất vả hơn.
Bên cạnh những thửa ruộng nặng trĩu bông, vẫn còn một “nốt trầm” do bệnh đạo ôn, khiến một số diện tích lúa xuân bị giảm năng suất. Ông Phan Hồng Sơn rầu rĩ nói: “Nhà tôi có 4 sào ruộng, gần một nửa diện tích bị bệnh đạo ôn, biết là thu hoạch cũng chẳng được bao nhiêu, thế nhưng cố gắng vớt vát chút nào hay chút ấy”.
Những tia nắng sớm bắt đầu le lói rọi vào khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của những người nông dân đang hăng say thu hoạch dưới cánh đồng. Đằng xa, nhóm thợ gặt lúa thuê đang tụ tập dưới một gốc cây to để chờ chủ ruộng. Anh Nguyễn Văn Dư, một người gặt lúa thuê chia sẻ: “Tranh thủ ngày mùa, chúng tôi mới có công việc để kiếm thêm thu nhập, nếu may mắn thì mỗi ngày có thể kiếm được 500 đến 700 nghìn đồng”. Hôm nào không có người mướn gặt, những thợ gặt như Anh Dư phải ra con mương, con rạch bắt lấy ít tôm, tép mang về làm thức ăn cho bữa trưa.
Câu chuyện với Anh Dư vừa dứt cũng là lúc chiếc máy tuốt lúa của anh Ánh lao “vù vù” trên đường kèm theo câu hỏi thăm: “Năm nay được mùa chứ bà con!”. Câu nói quen thuộc, vui tai, khiến ai nấy đều ngước lên nhìn và đáp lại bằng những tràng cười hả hê. Dừng lại ở gốc cây nơi tôi đứng, vừa châm điếu thuốc, anh vừa nói: “Giờ đa phần người dân đều thuê máy gặt đập liên hợp hết rồi, chỉ còn số ít những khu đồng phải chịu cảnh gặt bằng tay như thế này..”. Miệng nói, tay chỉ, anh Ánh hướng dẫn tôi lên khu Đồng Trước cũng thuộc thôn Hưng Nhơn, nơi máy móc làm thay hết việc của con người.
Máy móc thay sức người
Tại khu Đồng Trước, trái ngược với sự hối hả ở khu đồng bên, bà con nơi đây vẫn “bình chân như vại”. Mọi người ngồi xúm lại say sưa bên những câu chuyện phiếm, tiện tay xếp sẵn vài bao tải, chỉ chờ đến giờ đựng thóc đem về. Hai chiếc máy gặt đập liên hợp đang được chủ nhân của chúng bảo dưỡng trong lúc chờ lúa khô sương để lao xuống gặt. Tranh thủ lúc này, một số bà con xuống ruộng vạch lúa cho nhanh khô và tiện thể cắt cỏ ria bờ cho sạch để chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Anh Trần Văn Linh cầm cành lúa nặng trĩu bông hồ hởi nói: “Nhà tôi có 6 sào ruộng, vụ này xạ giống TH3-5 và tuân thủ theo đúng lịch trình chăm bón nên không bị sâu bệnh”. Thế nên, ai nấy đi qua đều khen “nức nở” ruộng nhà Anh Linh đẹp nhất cánh đồng, vụ này chắc phải được 3 tạ/sào...
Tiếng động cơ của máy gặt rú lên, xé tan không gian rì rầm bởi những câu chuyện chưa dứt của bà con cũng như báo hiệu đã đến giờ gặt. Mỗi lần máy ghé sát bờ là những tải thóc nặng trịch được chuyển đến tay bà con, khuôn mặt ai nấy đều không giấu được niềm vui khi đón nhận thành quả sau nhiều ngày, tháng dày công chăm bẵm.
Công cuộc cơ giới hóa đồng ruộng đã giúp người nông dân đỡ vất vả hơn và cũng tạo điều kiện cho nhiều loại hình dịch vụ ăn theo ngày mùa.
Anh Nguyễn Duy Nhân, một người lái xe tải nhỏ chở thóc thuê chia sẻ: “Mùa gặt là mùa kiếm ăn của những tay lái xe như chúng tôi. Hằng ngày, tôi ngồi từ 9h sáng đến đêm muộn ở ngoài đồng, hễ ai thuê là đi liền, mỗi ngày trung bình kiếm được khoảng 500 đến 700 nghìn đồng”.
Anh Ngô Ngọc Hải, công nhân hứng thóc tâm sự: “Công việc của tôi phải ngồi cả ngày dưới cái nắng cháy đầu, cũng vất vả, thế nhưng bù lại thì việc lao động khá đơn giản, cứ chăm chỉ theo máy, mỗi mùa gặt tôi cũng có được một khoản tiền lớn để trang trải cuộc sống”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, thợ lái máy gặt cho biết: “Giờ máy móc làm thay mọi công việc, bà con đỡ vất vả hơn nhiều. Mỗi chiếc máy gặt tạo công ăn việc làm liên tục cho 3 người, trung bình mỗi ngày máy có thể gặt được 40 sào ruộng, giá gặt mỗi sào từ 130 đến 170 nghìn đồng. Sau mỗi vụ, trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu về được gần 100 triệu đồng”.
Mặt trời đã khuất sau hàng tre, một ngày thu hoạch sắp khép lại. Nhìn từ phía xa, ánh đèn của máy gặt và những chiếc xe máy, xe ba bánh, xe tải nhỏ chất đầy những tải thóc nặng trịch nối đuôi nhau chạy trên cánh đồng khiến lòng ai cũng lâng lâng vì những ngày vất vả một nắng hai sương đã được đền công xứng đáng.