|
Một góc Phước Hòa hôm nay. |
Theo ông Nguyễn Văn Nhâm, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hòa, phát huy xã Anh hùng trong kháng chiến, với lợi thế là trung tâm cụm kinh tế kỹ thuật phía Bắc huyện Tuy Phước, thuận lợi về giao thông do có 2 tuyến tỉnh lộ 640 và 636B đi qua và tiếp giáp đầm Thị Nại nên những năm qua địa phương đã tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH xây dựng hạ tầng nông thôn; tổ chức các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp nuôi trồng thủy sản với phát triển nhanh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại - dịch vụ (TM-DV); gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, làm cho quê hương ngày càng khởi sắc, môi trường sinh thái được bảo vệ, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Trong phát triển kinh tế Phước Hòa đi theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất theo chuỗi, đưa giá trị nông- ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 5,2% đến 6%; TTCN, TM –DV tăng 11,5%/ năm. Cơ cấu kinh tế nông – ngư nghiệp hiện chiếm 39%; TTCN – TM – DV chiếm 61 % trong cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh, do nằm ở vùng “rốn rũ” nên xã chú trọng đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Hiện 100% chiều dài đường xã đến huyện đã được nhựa hóa và bê tông xi măng; 100% chiều dài đường từ trung tâm xã đến các thôn và gần 90% đường xóm, ngõ xóm được bê tông hóa; 75,5% đường nội đồng được bê tông và cứng hóa; 77,6% chiều dài kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho trên 500 ha lúa sản xuất 2 vụ/ năm.
Trung tâm xã có nhà văn hóa xã, 10/10 thôn đều có nhà văn hóa và sân thể thao; các trường học đều đã khang trang, 5/5 trường học đạt chuẩn quốc gia; trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Hiện khu vực trung tâm xã và dọc theo 2 tuyến tỉnh lộ 640, 636B gồm các thôn Kim Tây, Tân Giản, Tùng Giản đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, trên 83,5% nhà xây kiên cố, không còn nhà ở đơn sơ.
Ngoài ra, từ năm 2016 đến năm 2018, Dự án Nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu hệ sinh thái vùng đầm Thị Nại đã đầu tư nâng cấp hoàn thiện đưa vào sử dụng tuyến đê đông chạy qua địa bàn 2 thôn Kim Đông và Tân Giản, góp phần tiêu úng, thoát lũ, ngăn mặn, và giữ ngọt cho 150 ha diện tích đất nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ cứu nạn trong mùa mưa lũ, bảo vệ an toàn cho hơn 3.000 nhân khẩu của địa phương đang sống ven đê đông.
Đặc biệt, xã Phước Hòa được UBND huyện Tuy Phước đầu tư trên 25 tỉ đồng xây dựng công trình Cơ sở hạ tầng Khu dân cư và Chợ Gò Bồi mới, riêng công trình chợ Gò Bồi mới được xây dựng trên diện tích hơn 7.755 m2. Quy mô đầu tư gồm: Xây dựng nhà lồng 3 khối (1 nhà trung tâm và 2 khối hai bên diện tích 1.540 m2, với 218 điểm kinh doanh; xây dựng ki-ốt dịch vụ cho thuê diện tích 956 m2; xây dựng nhà vệ sinh, hệ thống cấp - thoát nước, bể nước ngầm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện, trạm xử lý nước thải, nhà thu gom rác thải… đến nay công trình đã hoàn thành giai đoạn 1.
Trên lĩnh vực xã hội, việc thực hiện các chính sách cho người có công và đối tượng xã hội đều được xã quan tâm. Nhờ vậy, những năm qua hộ nghèo của xã giảm mạnh, tính đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,94%, giảm 2,4% so năm 2016 và mức thu nhập đầu người bình quân đến nay đạt 40,5 triệu đồng/người/năm.
Có thể nói xã Phước Hòa đang dồn mọi nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế nhằm đáp ứng mục tiêu đạt chuần đô thị loại V vào năm 2025 theo Quyết định số 1929 của UBND tỉnh. Ông Huỳnh Thanh Vương Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Địa phương đã hoàn thành quy hoạch chung và đang triển khai xây dựng trung tâm xã Phước Hòa theo hướng đạt chuẩn đô thị loại V thuộc 3 thôn Tùng Giản, Tân Giản, Kim Tây, với tổng diện tích đất đô thị trên 117ha, quy mô dân số khu vực trung tâm khoảng 7.664 người. Khu vực nội đô hiện hữu dọc theo các hai bên bờ sông Gò Bồi, trục đường ĐT640, 636B. Khu vực dự kiến phát triển mới, gồm khu trung tâm hành chính tập trung, văn hóa, thể dục thể thao ở cửa ngõ phía Nam của đô thị; khu thương mại dịch vụ trên cơ sở chợ Gò Bồi hiện trạng chuyển thành khu phố chợ, chợ Gò Bồi mới đang xây dựng tại vị trí cửa ngõ phía Bắc của trung tâm xã. Ngoài ra, phát triển quỹ đất phía Nam ven sông Gò Bồi làm TM-DV tạo bộ mặt ven sông cho đô thị. Phát triển TTCN, làng nghề truyền thống về phía Tây - Bắc của trung tâm xã, như nghề trồng hoa, dệt chiếu, đan lưới, làm bánh tráng, nước mắm, may mặc...
Hiện nay, Phước Hòa đang tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng TM-DV; phát triển nông nghiệp toàn diện, trong đó chú trọng phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đầu tư phát triển ngành nghề truyền thống làng hoa Bình Lâm và làng bánh tráng Kim Tây gắn với du lịch trải nghiệm; đa dạng hóa sản phẩm, các loại hình dịch vụ, tạo việc làm để tăng thu nhập từng bước cải thiện cuộc sống của người dân, tiếp tục nâng chất 19 tiêu chí nông thôn mới.