Những năm trước đây lượng rơm, rạ sau thu hoạch vụ Đông Xuân thải ra khá lớn. Nhiều hộ nông dân sử dụng rơm rạ làm thức ăn cho trâu bò, dùng rơm, rạ làm nấm, trồng cây trồng cạn như: hành, hoa huệ, rau, củ… Ngoài ra còn sử dụng rơm để lót dưa vận chuyển đi tiêu thụ và lót chở các vật liệu dễ rơi vỡ… nên họ thu mua dự trữ khá nhiều. Bên cạnh, thương lái khắp nơi cũng điều động xe máy cày, xe tải tranh thu mua nên giá rơm thường tăng khá sau mỗi vụ thu hoạch.
Tuy nhiên, năm nay mặc dù thời vụ thu hoạch vụ Đông Xuân sắp kết thúc nhưng lượng rơm tồn đọng nhiều trên đồng ruộng, vì ít người mua, cộng vào đó giá rơm thu mua quá thấp nên phần lớn người nông dân cũng không muốn bán đốt bỏ. Chị Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Lộc Thuận, xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn), cho biết: Thường thì 3 sào ruộng của tui năm trước chưa tới vụ thu hoạch đã có người tới đặt cọc tiền mua trước, năm ngoái bán thu được 120 ngàn đồng/ sào. Còn vụ này vừa thu hoạch xong mình cứ ngóng chờ họ mua, nhưng không thấy nên đành đốt bỏ.
|
Đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Ảnh chụp tại xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước).
|
May mắn hơn anh Lê Văn Lành, ở thôn Thanh Quang, xã Phước Thắng (Tuy Phước) ruộng nhà gần đường giao thông nên có người trong xóm mua cho bò ăn giá 50 ngàn đồng/ sào, bán 2,5 sào rơm anh thu được 130 ngàn đồng, anh cho hay: Sở dĩ rơm năm nay ít người mua là do thương lái trên An Nhơn không còn xuống mua nữa, tui điện thoại họ nói trước đây đi xe máy cày kéo rơ móc xuống mua rơm chở về giờ phương tiện này bị cấm nên chịu, còn thuê xe tải chi phí cao trữ bán không lời.
Đối với các Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) như Phước Sơn 1, Phước Hưng, Phước Thắng (huyện Tuy Phước)… vụ Đông Xuân năm trước tranh nhau ra mua rơm giá cao điều máy để cuốn và chở bán cho trang trại bò sữa, còn lại dự trữ sau mùa mưa bán cho những ai có nhu cầu, nhất là các hộ làm nấm thì nay thu mua cầm chừng với giá 30 – 50 ngàn đồng/ sào. Ông Hồ Ngọc Dũng, Giám đốc HTX NN Phước Sơn 1, cho biết: Vụ Đông Xuân năm ngoái, trang trại bò sữa Bình Định tại thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) họ đặt mua tới 60 tấn, còn vụ Đông Xuân năm nay chỉ đặt mua 40 tấn rơm, nhưng mới nhập được 27 tấn thì đơn vị thu mua họ báo đình nên HTX chỉ mua và cuốn rơm bằng máy trên diện tích 6 ha ruộng giống do HTX đảm trách không dám thu mua thêm bên ngoài vì không biết bán cho ai.
Còn ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTX NN Phước Hưng, chia sẻ: Giá rơm nông dân bán năm nay cực thấp, nhưng HTX cũng chỉ mua đủ lượng đã ký hợp đồng 40 tấn với trang trại bò sữa Bình Định, không dám mua dự trữ và hiện 2 máy cuốn rơm của HTX hoạt động cũng chỉ cuốn rơm thuê cho ai có nhu cầu.
Việc rơm ế và không bán được phải đốt bỏ đã làm nguồn thu nhập của người nông dân giảm đáng kể, mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Và ai cũng nghĩ rằng đốt ngay rơm, rạ tại cánh đồng sau khi thu hoạch xong, phần tro còn lại sẽ được bón vào đồng ruộng cho mùa tiếp theo, việc làm này mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại…
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây hại lớn hơn gấp nhiều lần so với lợi ích mà nó mang lại. Trước hết, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, nên tro của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi đó, việc đốt rơm rạ sẽ làm một lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng bị khô kiệt, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa. Nếu đốt nhiều lần sẽ làm cho đất bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn.
Một tác hại khác của việc đốt rơm rạ trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, khi đốt rơm rạ trên đồng, không chỉ có khí CO2 hòa vào không khí, mà các khí độc khác như CH4 (mê-tan), CO và một ít khí SO2, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong khi đó, để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch có nhiều cách khác hữu ích hơn rất nhiều so với việc đốt bỏ tràn lan như hiện nay.