Trong những năm qua, việc thực hiện Đề án 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp ở huyện Vĩnh Thạnh có sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, Hội Nông dân cấp trên, sự quan tâm hỗ trợ giúp đỡ có hiệu quả của các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, hội đoàn thể, nhất là trong công tác vận động tuyên truyền có nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Sự nhiệt tình tích cực trong công tác Hội của đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong huyện và sự nhận thức của hội viên nông dân đã được nâng lên đáng kể.
|
Một buổi sinh hoạt của chi hội nông dân. Ảnh minh họa. |
Là một huyện vùng cao địa hình khá phức, nên công tác tuyên truyền gặp nhiều hạn chế, có lúc chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Tỷ lệ hội viên tham gia các buổi tuyên truyền chưa cao. Ngoài ra, một số yếu tố dẫn đến sự khó khăn trong công tác phối hợp như: địa bàn các khu dân cư trong huyện không thuận lợi, được phân bổ rải rác, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng. Việc triển khai thực hiện Đề án 24 và Nghị quyết 06 dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, trong khi sản xuất nông nghiệp ở địa phương có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro nhất là biến đổi khí hậu; chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 24 cho cán bộ Hội trong toàn huyện, trên cơ sở đó Hội Nông dân các xã thị trấn tổ chức triển khai Đề án 24 tại địa phương mình cho các chi hội trưởng, chi hội phó và hội viên nông dân, có 100% cán bộ hội và trên 85% hội viên nông dân tham dự. Ngoài ra thông qua kênh truyền thanh truyền hình và chí tạp các cấp Hội giới thiệu gương điển hình, các mô hình kinh tế có hiệu quả, các tổ hội nghề nghiệp điển hình để nông dân học tập làm theo.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 5 tổ hội nghề nghiệp, gồm có: Tổ hội nghề nghiệp “Dệt thổ cẩm” tại chi hội làng Thạnh Quang xã Vĩnh Hiệp, tổ hội nghề nghiệp “Nuôi cá nước ngọt” tại chi hội thôn Định Nhất xã Vĩnh Hảo, tổ hội nghề nghiệp “Chăn nuôi bò lai sinh sản” tại chi hội làng K6 xã Vĩnh Kim, tổ hội nghề nghiệp “Chăn nuôi bò lai sinh sản” tại chi hội thôn Tiên An xã Vĩnh Hòa và tổ hội nghề nghiệp “Chăn nuôi bò lai sinh sản” tại chi hội thôn Định Thái xã Vĩnh Quang.
Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng nhiều mô hình trình diễn có hiệu quả như: mô hình trồng rau an toàn thôn Định Trường (xã Vĩnh Quang), mô hình trồng ớt chỉ thiên thôn tiên An, Tiên Hòa (xã Vĩnh Hòa), mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học trên địa bàn thị trấn Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Quang, và nhiều mô hình khác có hiệu quả. Hội phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện hằng năm mở từ 2 đến 3 lớp dạy nghề ngắn hạn, có cấp chứng chỉ nghề, sau khi kết thúc khóa học tất cả những học viên là nông dân có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học trong việc phát triển kinh tế gia đình.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2018, đã có 568 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Trong đó: cấp Trung ương 02 hộ, cấp tỉnh 22 hộ, cấp huyện 127 hộ và cấp cơ sở 417 hộ. Một số hội viên nông dân đã sáng tạo trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao; chế tạo máy nông cụ phục vụ cho sản xuất, cụ thể như: Hộ bà Võ Thị Thu với mô hình chuyển đổi trồng cây mắc ca, chanh dây trên đất rẫy tại thôn K8, xã Vĩnh Sơn; hộ ông Nguyễn Văn Chung với mô hình trồng chăm sóc cây thanh long ruột đỏ tại thôn Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh; hộ ông Phan Quốc Đạt chế tạo máy tuốt đậu phộng tại thôn Tiên An, xã Vĩnh Hòa... Hội đã giới thiệu cho các thành viên trong tổ Hội nghề nghiệp đến tham quan học tập và vận dụng trong sản xuất.
Đạt được kết quả trên, nhờ có sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của Hội Nông dân cấp trên, sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, sự phối kết hợp của các ngành, các hội đoàn thể. Đặc biệt nhờ có nhiều chích sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như hỗ trợ giống cây con, chính sách vay vốn lãi suất thấp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong định hướng phát triển kinh tế và tập hợp được hội viên nông dân có cùng mục tiêu sản xuất, cùng một mối quan tâm để thành lập tổ hội nghề nghiệp.
Đề án 24 ra đời tạo điều kiện giúp cho nông dân liên kết lại tạo thành sức mạnh trong sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, phấn đấu mỗi làng một sản phẩm, tạo nên chuỗi liên kết trong sản xuất có quy trình có thời gian, tạo nên thương hiệu và giá trị sản phẩm hàng hóa tạo ra, đáp ứng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mà chủ thể trong sản xuất nông nghiệp chính là nông dân.