Trên cơ sở Chương trình, Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Phù Cát đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành và các đoàn thể địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép với các cuộc họp thôn xóm, sinh hoạt câu lạc bộ; xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh của xã- thị trấn; tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam…
Bên cạnh đó, huyện Phù cát đã thường xuyên chỉ đạo các ban ngành liên quan UBND các xã, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể xã hội phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ. Do đó, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã được những kết quả đáng kể, nhận thức bảo vệ môi trường của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nói chung và tại các xã nông thôn mới nói riêng đã được nâng lên, ý thức chấp hành các văn bản pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều tiến bộ, vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp đã có những chuyển biển đáng kể. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình tại khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 90%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch là trên 70%. Các cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được xây dựng… đều đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững. Công tác quản lý, thu gom và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn được quan tâm, chú trọng; đến nay đã có 18/18 xã- thị trấn được bố trí mạng lưới thu gom chất thải rắn đến từng thôn. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 100%. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 80%.
Tuy nhiên hiện nay tình trạng vứt rác thải hai bên đường cứ diễn ra, không những làm ảnh hưởng môi trường mà còn khiến nhiều người có nhà ở mặt đường cũng mệt mỏi trong việc quét dọn.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, thời gian tới, huyện Phù Cát sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp, các ngành. Đồng thời, sẽ chỉ đạo UBND các xã tiếp tục giữ vững và nâng cao chỉ tiêu thực hiện các nội dung về tiêu chí môi trường đã đạt được so với hiện nay. Tăng cường năng lực quản lý môi trường thông qua việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về môi trường cho nhân dân các xã nông thôn mới; đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về bảo vệ môi trường cho cấp xã. Nâng cao năng lực thu gom chất thải rắn trên địa bàn các xã; Hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, các cụm tiểu thủ công nghiệp, quản lý chất thải rắn các khu dân cư… Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
“Huyện Phù cát đã đề ra mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2020 được xác định: 100% dự án đầu tư được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư hệ thống được thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn về công tác môi trường; 80% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn môi trường. Đến năm 2030, 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn môi trường, 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải phù hợp; 100% các khu vực công cộng có thùng gom rác thải; 100% số xã có điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt;; 100% làng nghề được khuyến khích phát triển đảm bảo môi trường”.(Ông Nguyễn Văn Lê- Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho biết).
Để đạt được mục đích trên, huyện Phù Cát đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ môi trường; chú trọng công tác quy hoạch bảo vệ môi trường; chú trọng công tác phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tăng cường nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả hợp tác về môi trường.
Môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức và là một trong những mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững kinh tế xã hội. Do vậy cấp uỷ và chính quyền các cấp cần vào cuộc, chỉ đạo sát sao để các tầng lớp nhân dân thấy rõ được trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường nói riêng và công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung./.