Kết quả bước đầu
Ông Vũ Quốc Bảo, trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Từ vụ thu đông 2014, và trong 3 vụ sản xuất năm 2015, Phù Cát đã phối hợp với công ty TNHH công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng, xây dựng mô hình Cánh đồng mẫu lớn với hình thức “Liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm” thâm canh cây đậu phụng tại các xã Cát Hải, Cát Hiệp, Cát Trinh, và Cát Tài. Công ty chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ số lượng đậu phụng được sản xuất giống HL 14 trên cánh đồng lớn, được sản xuất theo một quy trình, bán đậu tươi cho nhà máy để chế biến xuất khẩu.
|
Nông dân Cát Hải thu hoạch đậu phụng được công ty bao tiêu sản phẩm. |
Để tạo ra nông sản sạch, chất lượng cao, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với địa phương triển khai quy trình kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng chế phẩm vi sinh để nông dân nắm bắt ứng dụng vào sản xuất. Trên toàn bộ diện tích này được thực hiện theo công thức bón phân hỗn hợp kết hợp sử dụng sản phẩm của công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí. Trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới đầy đủ dưới hình thức tưới phun tia. Nên cây đậu phụng phát triển khá tốt, năng suất bình quân đạt hơn 90 tạ/ ha, cao hơn bình quân chung của huyện 15 tạ/ha. Một số diện tích đạt năng suất hơn 100 tạ/ha.
Kết quả, năm 2015, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm bình quân 1 ha có thu nhập hơn 107 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 57 triệu đồng, cao hơn 12,3 triệu đồng so với ruộng đối chứng.
Đây là hướng mới, sản xuất theo đúng quy trình phục vụ chế biến công nghiệp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật sâu rộng đến tận hộ nông dân, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cộng đồng, hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân trong canh tác, áp dụng kỹ thuật đồng bộ, bảo vệ môi trường, nhờ vào, người nông dân được tập huấn nắm bắt về khoa học kỹ thuật tiên tiến, phương pháp trồng cây khỏe, năng suất cây trồng được nâng cao, ứng dụng chế phẩm vi sinh tạo ra nông sản sạch, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm sạch phục vụ xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập, đặc biệt giá cả tiêu thụ được bảo đảm có lãi, không còn sự được mùa mất giá như trước. Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Điều ghi nhận qua thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm là đã tạo mối liên kết giữa 04 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.… Ông Nguyễn Bá Quang chủ tịch UBND xã Cát Tài một địa phương thực hiện khá tốt việc tổ chức thực hiện cánh đồng lớn dưới hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi đã cho biết: Năm 2015, mô hình liên kết sản xuất đậu phụng theo chuỗi, gắn với bao tiêu sản phẩm ở xã Cát Tài được thực hiện 35 ha trong suốt 3 vụ: đông xuân, vụ hè thu và vụ thu đông. Nhờ đầu tư thâm canh, ứng dụng quy trình kỹ thuật dùng chế phẩm vi sinh, tạo nông sản sạch, cây đậu phụng phát triển khá tốt, cho năng suất cao. Kết quả tùy theo mùa vụ, nhưng năng suất đậu phụng trên diện tích sản xuất theo chuỗi ở mối vụ đều tăng hơn 6 – 12 tạ/ha so với ruộng ngoài mô hình. Theo tính toán của nông dân thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lúa, nên nông dân rất tin tưởng vào sự liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm đã thực hiện. Đây là mô hình thành công nhất từ trước đến nay, bởi người nông dân không còn thấp thỏm lo âu trước trình trạng được mùa mất giá như trước đây nữa.
Vấn đề đặt ra, và kinh nghiệm từ thực tiễn
Tuy nhiên, qua thực hiện thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm, thành công đem lại không như mong đợi, mà qua đó đã bộc lộ nhiều vấn đề nhất là việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Trước hết là mối liên kết 4 nhà, trong đó liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được thể hiện bằng hợp đồng cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra. Thế nhưng, trên thực tế mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chỉ tập trung làm tốt ở khâu đầu vào, việc cung ứng vật tư, giống phân bón, hướng dẫn kỹ thuật quy trình canh tác… còn đầu ra rất hạn chế, nếu như không nói là không có mấy doanh nghiệp mặn mà tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ. Mặc khác, trong ký kết hợp đồng bao tiêu, doanh nghiệp chỉ trực tiếp với xã mà chưa trực tiếp đến với nông dân, hoặc ít ra là trực tiếp với HTXNN, chính vì thiếu cơ chế ràng buộc, nên người nông dân thấy có lợi trước mắt thì bán. Bên cạnh đó, hợp đồng bao tiêu chỉ mang tính bảo hiểm cho giá sàn cho nông dân không bị lỗ, còn thực tế thu mua không đáp ứng được yêu cầu giá thị trường tại thời điểm, doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi nhuận, trong khi giá thời điểm khá cao, mà doanh nghiệp vẫn mua theo giá hợp đồng, đến khi không mua được thì nhích giá lên đôi chút! còn người nông dân thì chưa làm quen được với cách làm ăn lớn, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, chưa giữ uy tín với nhau, như trường hợp ở xã Cát Hiệp bước vào thời điểm thu hoạch đậu, đã diễn ra trình trạng tranh mua, tư thương đã đẩy giá đậu lên cao gần 15.000 đồng/kg đậu phụng tươi. Mà DN cũng chỉ mua giá 10.500 đồng/kg, sau đó mới nhích giá lên đôi chút 11.000 – 12.000 đồng/kg, Chính vì vậy, nông dân không bán cho DN nên hợp đồng bị phá vỡ, trong số 238 hộ thực hiện mô hình này chỉ có 189 hộ bán 245,6 tấn đậu phụng tươi cho công ty Tất Thắng, bằng 50,4 % sản lượng đậu phụng thu hoạch được.
Kinh nghiệm thực hiện cánh đồng lớn, triển vọng
Để triển khai cánh đồng lớn liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với bao tiêu sản phẩm bền vững, đáp ứng yêu cầu đặt ra, ông Vũ Quốc Bảo, trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho rằng: Cánh đồng lớn liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với bao tiêu sản phẩm không thể làm 1 vụ, mà ít nhất 1 năm trở lên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN và người nông dân, yêu cầu có sự gắn kết chặc chẽ người nông dân với DN, với các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, và tổ chức kinh tế tập thể tại địa phương đó. Đối với DN phải linh hoạt điều chỉnh giá hợp đồng thu mua theo thị trường thì người nông dân mới chấp nhận, đồng thời nông dân khi đã ký kết hợp đồng phải bảo đảm thực hiện hợp đồng đã ký kết, đồng thời là tác động của cơ quan Nhà nước UBND địa phương, có như vậy mới bảo đảm hài hòa lợi ích giữa đôi bên.
Từ thực tế với những bài học kinh nghiệm được rút ra, trong vụ đông xuân 2015 – 2016 và cả năm 2016, Phù Cát triển khai 3 cánh đồng lớn thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm có tổng diện tích hơn 121 ha,có 3 đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bao gồm 1 cánh đồng sản xuất lúa giống tại HTX Cát Hanh1, dưới sự hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của Công ty TNHH nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi; 2 cánh đồng sản xuất đậu phụng, được Trung tâm khoa học công nghệ và khuyến nông Duyên hải nam trung bộ, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đậu phụng cả khô lẫn tươi tùy theo nông dân, và Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng bao tiêu sản phẩm đậu phụng tươi.
Tuy thực hiện cánh đồng lớn không đạt kế hoạch đưa ra ban đầu cả về số cánh đồng và cả diện tích, nhưng trên các cánh đồng đang làm đã cho thấy nhiều triển vọng. Một ngày cuối năm Ất mùi, chúng tôi về thăm cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống, dưới hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm giữa HTXNN1 Cát Hanh và Công ty TNHH nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi. Mặc dù mới trải qua đợt rét, nhưng cây lúa vẫn một màu xanh mơn mởn.
Ông Nguyễn Tẫn, phó chủ tịch UBND xã Cát Hanh cho biết: HTX NN Cát Hanh 1 đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi, sản xuất bao tiêu sản phẩm lúa giống trên diện tích 52 ha, tại cánh đồng thôn Vinh Kiên và Khánh Lộc, có thời hạn 3 -5 năm, mỗi năm sản xuất 2 vụ đông xuân và hè thu. Thực hiện cánh đồng, Công ty TNHH nông lâm TBT Quảng Ngãi cho nông dân mượn giống sản xuất, và cử cán bộ kỹ thuật đứng chân phối hợp cùng HTX hướng dẫn quy trình canh tác, sản xuất lúa giống, đến khi thu hoạch Công ty thu hồi lại giống cho mượn, sản phẩm còn lại được Công ty hợp đồng bao tiêu toàn bộ, dưới hình thức mua lúa tươi ngay khi thu hoạch tại ruộng, giá cả thu mua được tính theo giá lúa khô của thị trường tại thời điểm, đồng thời Công ty còn hỗ trợ 1.000 đồng/kg nếu lúa có độ ẩm dưới 15%, và hỗ trợ 500 đồng/kg, nếu độ ẩm lúa trên 15%. Trong vụ đông xuân này, Công ty đưa vào sản xuất 2 loại giống KD 28, và TBT 7. Mặc dù thời tiết không thuận, sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh, nhưng nhờ có sự hướng dẫn về kỹ thuật, nông dân áp dụng đúng quy trình canh tác lúa giống, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cây lúa phát triển khá tốt, triển vọng cho năng suất cao.
Tương tự như vậy, trên diện tích 35 ha đậu phụng trên cánh đồng lớn, sản xuất giống L14, được Công ty Tất Thắng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đậu tươi. Nông dân đang tích cực đầu tư thâm canh, bằng các chế phẩm vi sinh, để tạo ra nông sản sạch, cây đậu phát triển khá tốt.
Tuy chưa vào vụ thu hoạch, nhưng trước mắt những cánh đồng lớn với sự liên kết sản xuất và sự quản lý điều hành chặc chẽ quy trình canh tác thông qua mối liên kết 4 nhà, các loại cây trồng trên các cánh đồng lớn đang phát triển khá tốt, triển vọng đạt năng suất cao. Đây có thể nói là mô hình mẫu trong liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm, hướng đến sản xuất bền vững, tạo ra nông sản có chất lượng, tránh trình trạng được mùa mất giá, góp phần thực hiện nông thôn mới, được người nông dân rất phấn khởi và đồng thuận cao./.