Hội Nông dân Phù Cát chủ động giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện
Với 117 chi Hội, 42.493 hội viên nông dân, trong những năm qua Hội Nông dân huyện Phù Cát là một trong những tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội điển hình của huyện trong hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến hết 30/6/2019, Hội Nông dân huyện đang quản lý 86 tổ tiết kiệm và vay vốn với 14 chương trình tín dụng cho 3.967 hộ vay, tổng dư nợ trên135 tỷ đồng. Trong đó: Cho vay hộ nghèo 22.393 tỷ đồng; Hộ cận nghèo 34,75 tỷ đồng; Hộ thoát nghèo 8,3 tỷ đồng; Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở 1,634 tỷ đồng; Chương trình học sinh, sinh viên 21,4 tỷ đồng; Giải quyết việc làm 3,21 tỷ đồng; Cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường 11,2 tỷ đồng; Cho vay SXKD vùng khó khăn 22,2 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động 662 triệu đồng; cho vay thương nhân vùng khó khăn 150 triệu đồng; cho vay dự án phát triển lâm nghiệp 9,1 tỷ đồng; ..... Hàng tháng có 100% hộ vay nộp lãi đúng kỳ hạn, 100% thành viên đang dư nợ tham gia gửi tiết kiệm qua tổ TK&VV với mức ít nhất 50.000đ/hộ/tháng, cao nhất 100.000đ/hộ/tháng.
|
Anh Hùng đang kiểm tra gà trước khi xuất bán.
|
Để có được kết quả trên, Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; phổ biến và thông tin kịp thời các chính sách mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Cho vay hộ mới thoát nghèo, giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách; nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; các hướng dẫn nghiệp vụ tín dụng mới… đến cán bộ Hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn; thực hiện tốt công tác bình xét cho vay; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn; chỉ đạo các Tổ Tiết kiệm và vay vốn sinh hoạt định kỳ đều đặn; phối hợp tổ chức các Hội thi, các lớp tập huấn; kết hợp giải ngân vốn vay ưu đãi với hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỷ thuật, dạy nghề, tư vấn, dịch vụ, hướng dẫn cách làm ăn cho nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức về khoa học kỷ thuật, giúp hộ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ nguồn vốn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, trong những năm qua, số hộ nông dân khá, giàu của huyện tăng lên. Năm 2018, tổng số hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp 15.026 hộ . Một số hộ vay vốn sản xuất kinh doanh có hiệu quả như hộ Trần Ánh ở thôn Tân Lệ, xã Cát Tân, bản thân là người khuyết tật, năm 2016, khi Ngân hàng chính sách xã hội huyện triển khai cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người khuyết tật, anh đã vay 20 triệu đồng từ nguồn quỹ Giải quyết việc làm người khuyết tật, đầu tư mua 2 con bò sinh sản, sau gần 2 năm chăm sóc 2 con bò giống đã cho ra 2 bê con, hiện nay đàn bò gồm 04 con bò. Anh cho biết, ngoài việc nuôi bò anh còn nuôi gà ta thả vườn và bán vé số, đến nay cuộc sống đã dần ổn định. Hộ Nguyễn Văn Hùng ở thôn Hưng Mỹ I, xã Cát Hưng, được biết đến là tấm gương vươn lên thoát nghèo tiêu biểu, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, năm 2008 được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng, anh đã đầu tư mua 300 gà và mua 2 bò lai sinh sản về nuôi đến nay đàn bò của gia đình anh lên 5 bò lai sinh sản và hằng năm gia đình nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa 6.000 con thu nhập sau khi trừ chi phí còn lãi trên 600 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân huyện và Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực sự là cầu nối giữa Ngân hàng chính sách xã hội với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông qua tổ chức Hội, việc vay vốn ưu đãi của hội viên nông dân được thuận lợi, thủ tục đơn giản nhanh gọn giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Qua việc nhận ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội, hội viên ngày càng gắn bó với Hội, tích cực tham gia các chương trình do Hội phát động, tỷ lệ tập hợp hội viên vào tổ chức Hội ngày càng cao. Những kết quả của Hội Nông dân huyện trong hoạt động nhận ủy thác cho vay Ngân hàng chính sách xã hội trong những năm qua được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, đã từng bước góp phần làm giảm hộ nghèo của huyện giảm xuống đáng kể, tỉ lệ hộ nghèo năm 2018 của huyện xuống còn 5,47%, giảm 1,22% so với năm 2017. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Ngân hang Chính sách xã hội huyện ủy thác cho hội viên vay vốn, đồng thời, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.