Rừng sim dại trở thành điểm du lịch và mang lại thu nhập cao cho người dân An Lão
Nơi giao thoa của đất và trời
Từ trung tâm thị trấn An Lão lên đến Đồi núi Mâm Lang, sân bay Gió Vụt của xã An Toàn phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi bằng xe máy, tuy có vất vả khi phải băng qua những đoạn đường chông chênh, dốc ngược. Thế nhưng, vừa đặt chân đến nơi, mở ra trước mắt chúng tôi là khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp hòa cùng khí hậu mát mẻ, trong lành, không ít người ví đây là nơi đất và trời gặp gỡ.
Điều khiến chúng tôi hết sức bất ngờ, ấn tượng thêm nữa đó là một đồi sim thơ mộng trải dài rộng khắp. Người dân địa phương cho biết, vào tháng 4, hoa sim nở nhiều nhất. Lên đúng mùa, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những thảm hoa bung nở khắp cả khung trời. Cánh mỏng mơ màng, tím rịm cả triền đồi. Hoa sim trang nhã pha lẫn chút kiêu sa, kiều diễm, hương sim tỏa mùi thơm ngào ngạt sóng mũi, quyến rũ cả núi rừng.
|
Người dân An Lão đang thu hoạch sim. |
Còn thời điểm này, phần lớn hoa đều đã kết trái, chín lác đác cho đến giữa tháng 7 là có thể thu hoạch. Vậy nhưng, vẻ đẹp thơ mộng ấy không bị mất đi. Không ít người trẻ dưới đồng bằng kéo nhau lên đây để thưởng ngoạn cảnh đẹp, cắm trại. Mọi người tha hồ chụp ảnh, điệu đà với sim rừng.
Chị Bùi Ngọc Anh Ngọc, 32 tuổi, là giáo viên trường THCS An Hòa, cho biết: “Vừa nghe nói ở thôn 1 An Toàn có rừng sim tuyệt đẹp, tụi tôi đã lập “team” và lên đây cho bằng được. Bọn tôi quyết định ở lại qua đêm để săn những bức ảnh thật ảo diệu lúc hoàng hôn, bình minh cùng đồi sim”.
Chuyện về những đồi hoa sim tưởng chừng đã đi vào quên lãng, không ngờ gần đây lại được nhiều người biết đến. Không ít người, nhất là đối với những thế hệ 8X trở về trước, khi đặt chân đến đều dâng lên những cảm xúc hoài niệm khó tả. Họ nhớ về một thời khó khăn, gian khổ với những kỉ niệm cùng một loài cây mọc tự nhiên, mộc mạc nhưng hương sắc khó phai trong những tác phẩm thơ ca.
Cây tự nhiên thành... cây giảm nghèo
Trước đây, ở xã vùng cao An Toàn, cây sim mọc tự nhiên rất nhiều. Từng có thời điểm, người dân chặt phá, san ủi mặt bằng để trồng các loại cây như keo, mì, chuối,.. nên diện tích có giảm đi. Số còn lại là phần diện tích nằm rải rác bên các vành đai rừng, nằm trên lớp trầm tích của núi lửa. Người dân trong vùng thường thu hoạch về để ăn, ngâm rựơu, dầm thuốc. Một số ít đem bán dưới xuôi. Còn lá sử dụng làm phân bón tự nhiên. Tuy nhiên, cây sim thời điểm đó không có giá trị kinh tế là mấy.
Trong vài năm trở lại đây, cây sim trở nên “sốt giá” cho giá trị kinh tế cao, trung bình 14.000 đồng/kg. Có thời điểm, giá sim lên đến hơn 20.000 đồng/1kg. Già Đinh Văn Ôi, 74 tuổi, ngụ ở thôn 1 chia sẻ: “Mỗi mùa sim chín kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. Vào mùa, một cụ già như tôi nếu siêng năng đi hái cũng kiếm được ít nhất 6-7 triệu đồng. Vào mùa, thương lái đến thu mua không dưới 3 tấn”.
Chị Đinh Thị Xuân, thôn 2 chia sẻ: “Cứ vào dịp tháng 6 âm lịch, bà con trong xã lại kéo nhau lên rừng để hái sim rừng về bán. Sim năm nay trĩu cành, quả đẹp, giá cả cũng cao hơn so với năm trước, với mức giá dao động từ 13.000 – 15.000 đồng/kg. Tính ra bà con có thu nhập trung bình 500.000 – 700.000 đồng/ngày. Sim chín kéo dài trong khoảng 1,5 – 2 tháng, mỗi mùa sim nhiều gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng”.
Em Đinh Thị Hà, thôn 2 tâm sự: “Mỗi ngày em và mẹ hái được khoảng 25 - 35kg. Tính đến thời điểm hiện tại, hai mẹ con góp tiền từ bán sim cũng được gần 10 triệu đồng. Số tiền đó em sẽ dành dụm đóng học phí, mua đồ dùng học tập để chuẩn bị cho năm học mới”.
Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây sim mang lại, đồng thời xác định việc phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn và phát triển cây sim rừng, kết hợp với du lịch là một hướng đi mới, lâu dài, UBND huyện An Lão đã xây dựng 2 Đề án về phát triển lâm nghiệp bền vững và phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch để phát huy lợi thế của huyện về đất rừng và tài nguyên rừng theo đúng định hướng của tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện An Lão có hơn 500 ha rừng sim tự nhiên nằm trong đất lâm nghiệp; trong đó, tại tiểu khu 37 (sân bay Gió Vụt, xã An Toàn) có gần 200 ha cây sim và tại tiểu khu 33 (giữa xã An Tân và An Quang) có trên 320 ha. Để bảo tồn và phát triển cây sim tại tiểu khu 33, UBND huyện đã có chủ trương giao diện tích các đồi sim tự nhiên cho người dân địa phương bảo quản, thu hoạch trái sim dưới tán rừng, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất rượu sim, từng bước xây dựng thương hiệu “Rượu sim An Lão” nhằm phục vụ cho phát triển du lịch và tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn tới tại địa phương.