Thêm “đồng ra, đồng vào” nhờ sấu rừng
Đối với người dân vùng cao huyện An Lão đã nhiều năm qua, mỗi khi vào mùa hè họ lại có thêm một “nghề” mới đó là “nghề hái sấu rừng”.
Từ trước tới nay, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên cuộc sống mưu sinh của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây hết sức nhọc nhằn. Bù lại, thiên nhiên đã ban tặng họ những sản vật của rừng. Và ngày nay những sản vật này đang trở thành “lộc rừng” nuôi sống họ. Sấu rừng là một trong những sản vật đó. Mỗi khi mùa sấu rừng tới, người dân nơi đây lại nhộn nhịp với mùa sấu rừng, một mùa mưu sinh mới lại bắt đầu với tên gọi thân quen “mùa hái lộc rừng”.
Mỗi ngày người dân hái sấu bán được từ 300 - 400 ngàn đồng.
Gọi món quà thiên nhiên ưu đãi này là “lộc rừng” cũng không sai. Bởi những cây sấu cao vút, sum suê nhành lá, đứng sừng sững giữa núi rừng An Lão, nhờ đất rừng mà từng ngày lớn lên, đâm hoa, ra trái. Một ngày đầu tháng 6 âm lịch, khi sương sớm còn bủa vây cả làng thôn 1, xã An Toàn tôi tình cờ gặp những người thanh niên ở nơi đây cơm đùm, cơm nắm kéo nhau vào rừng hái sấu.
|
Sấu sau khi được chế biến. |
Anh Đinh Văn Cư ở thôn 1, An Toàn cho biết: Mùa này, việc nương rẫy đã hoàn thành, sấu rừng đang trong độ già, chín, bà con dân làng trong thôn 1 ngược vào rừng hái sấu. Cây sấu cao phải chừng mấy chục mét, thân to, nên để hái được sấu phải đi theo từng nhóm 3, 4 người, người trèo lên cây hái, người ở dưới lượm.
“Trong khoảng thời gian này, hầu như gia đình nào trong thôn 1, An Toàn cũng có người vào rừng “hái trái sấu”. Dân làng ví mùa này là mùa đi hái “lộc rừng. Nhờ có những mùa sấu như thế này mà gia đình mình có đồng ra đồng vào, con cái có sách vở đến trường học chữ. Mỗi kg sấu được thương lái thu mua với giá từ 6.000 - 8.000 đồng, một ngày tôi hái trên dưới 50 kg sấu thu về cũng được kha khá” - anh Cư tâm sự thêm.
Một người phụ nữ đi cùng nhóm anh Cư cho biết thêm, mỗi ngày người dân ở đây đi vào rừng hái sấu bán cũng được từ 300 - 400 ngàn đồng nên cũng có “đồng ra, đồng vào”, nhờ vậy cuộc sống của người dân bớt khó khăn hơn. Ở huyện An Lão mỗi khi mùa sấu đến, ở thôn, làng nào cũng có một vài người vào rừng hái sấu về ăn, hoặc bán. Riêng thôn 1, xã An Toàn là hầu như nhà nào cũng đi vào rừng hái sấu để mang đi bán, kiếm thêm thu nhập.
Nhọc nhằn “nghề hái sấu rừng”
Nói thì đơn giản vậy, nhưng “nghề hái sấu rừng” cũng lắm vất vả. Muốn hái được sấu, người dân phải dậy đi từ sáng sớm, rồi nhọc nhằn leo núi, đi xuyên rừng, có khi đi cả ngày mới được một gùi sấu mang về. Không những vậy, muốn hái được nhiều sấu ngon thì phải tìm được những cây sấu lâu năm, cao phải mấy chục mét, nhành thì nhỏ, vì vậy nguy hiểm lúc nào cũng cận kề nên người hái sấu đòi hỏi phải có kinh nghiệm dày dặn về trèo cây.
Ông Đinh Văn Trai, thôn 1, xã An Toàn - người có kinh nghiệm trong việc hái sấu chia sẻ: Đi tìm sấu vất lắm, có khi mới 5 - 6h sáng là bắt đầu đi vào rừng, gói cơm, mang nước đi theo, trong quá trình hái bị côn trùng đốt, hay trật tay rơi xuống bị thương nặng nhưng vẫn phải cố gắng hái để có thêm tiềm mua sách vở và tiền đóng học phí cho con; ngày hái được nhiều thì bán được khoảng 400.000 đồng. Sấu bây giờ không nhiều như những năm trước nên tìm hái cũng khó khăn hơn. Nhưng dù gì thì sấu cũng được coi là “lộc rừng”; tuy nhiên, “lộc rừng” này chỉ kéo dài được 2 đến 3 tháng là hết nên phải cố gắng; vì với người dân vùng cao chúng tôi thì đây là nguồn thu nhập chính trong những ngày nông nhàn...”.
Được biết, sấu được thương lái mua về để bán lại cho các gia đình dưới đồng bằng và cơ sở chế biến thành các món: như sấu ngâm đường, sấu ngâm mắm, sấu xào gừng, sấu dầm, sấu nấu canh chua... Hơn nữa, loại quả này để được lâu, nên cứ đến mùa sấu, hầu hết gia đình nào cũng tranh thủ mua vài ba kg, thậm chí 5-10kg bỏ ngăn đá để dùng cả năm hoặc được nhiều người chọn mua làm quà biếu cho người thân hay gửi lên thành phố.
Mùa này, vào các buổi xế chiều, tại các ngã ba, ngã tư dọc tuyến đường của các xã vùng cao An Lão, người ta hay bắt gặp hình ảnh thương lái đang đón mua sấu của người đồng bào từ trong rừng về. Hình ảnh những thanh niên trên lưng mang những gùi sấu nặng từ trong rừng ra các điểm thu mua đã trở thành quen thuộc với người dân nơi đây cũng như khách phương xa.
Với người dân nơi đây, dù công việc đi hái sấu trong rừng sâu khá vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng rất có ý nghĩa, bởi thu nhập từ những trái sấu đã phần nào đỡ đần gia đình trong những lúc khó khăn để đợi chờ mùa thu hoạch mới.