Quy Nhơn: Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tạo động lực để nông dân làm giàu
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2015 -2018 thì : Hàng năm có từ 5.400 - 6.000 hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chí mới, đạt tỷ lệ từ 54,6% - 67,3% so tổng số hộ nông dân. Kết quả bình xét suy tôn hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đến cuối năm 2018 có 3.281 hộ, đạt tỷ lệ 54,33% số hộ đăng ký và chiếm 38,85% tổng số hộ nông dân trong thành phố.
Với vai trò cầu nối giúp cho nông dân phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân thành phố đã phối hợp các ngành liên quan làm tốt công tác tổ chức các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế : Đã tín chấp cho hơn 6.500 lượt hộ nông dân vay khoảng 240,5 tỷ đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để hỗ trợ cho nông dân đầu tư phát triển kinh tế, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ, giới thiệu các mô hình mới, mô hình hiệu quả để hơn 100.000 lượt hội viên nông dân học tập; gắn với tuyên truyền vận động nông dân tham gia xây dựng hơn 40 mô hình khuyến nông, khuyến ngư đem lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời cử 711 hội viên, nông dân tham dự các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp để nâng cao kiến thức và tổ chức dịch vụ mua phân bón trả chậm, tư vấn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng các tổ góp vốn, chi (Tổ) Hội nghề nghiệp... Qua đó, đã giúp cho nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư theo các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế của gia đình, địa phương, với quy mô sản xuất lớn, thu hút được nhiều lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng trở lên, có hộ thu nhập trên 01 tỷ đồng.
Hội đã phát động phong trào gắn với khuyến khích, động viên hội viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ xóa hộ nghèo, thi đua làm giàu, xây dựng nếp sống văn minh ở nông thôn. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.600 lao động địa phương, hỗ trợ cây, con giống, vốn và kinh nghiệm sản xuất cho 289 hộ khó khăn để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, đã có 129 hộ nông dân thoát nghèo và có một số hộ đang vươn lên làm ăn khá giả. Nhiều nông dân sản xuất giỏi đã trở thành hạt nhân tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi và là nhân tố đoàn kết có uy tín trong cộng đồng cư dân.
|
Mô hình nuôi cá lồng (bè) ở phường Hải Cảng cho thu nhập khá. |
Phong trào còn thúc đẩy nông dân liên doanh, liên kết với nhau để sản xuất ngày càng hiệu quả, hình thành các mô hình kinh tế tập thể, Tổ liên kết điển hình như : Mô hình làm chổi đót của Tổ hội nghề nghiệp chổi đót ở phường Trần Quang Diệu, thu hút hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương; Mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng liên kết, Tổ hợp tác sản xuất lâm nghiệp ở xã Phước Mỹ; mô hình Nhóm cộng đồng nuôi thủy sản bằng lồng (bè) ở phường Hải Cảng; mô hình nuôi ương tôm hùm giống và nuôi tôm hùm thương phẩm của Chi hội Nuôi trồng thủy sản ở xã Nhơn Hải; mô hình Tổ liên kết sản xuất nước mắm ở Nhơn Lý; mô hình Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển,… Thông qua việc thực hiện các mô hình, nhiều nông dân đã đúc kết kinh nghiệm, có sáng kiến, giải pháp để cho mô hình của gia đình đạt hiệu quả, năng suất cao hơn và hướng dẫn các hộ khác cùng học hỏi để áp dụng.
Từ Phong trào đã có nhiều tấm gương nông dân nêu cao ý chí, khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để đầu tư phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả và trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Phương ở xã Phước Mỹ với mô hình dịch vụ ươm cây keo (04 ha), trồng rừng keo lai và điều, chăn nuôi bò lai, thu lãi hàng năm gần 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7-10 lao động, với mức thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng; hộ ông Phan Thanh Tỉnh ở phường Đống Đa từ hộ khó khăn đã quyết tâm gắn bó với mô hình đánh bắt thủy sản xa bờ thu nhập hàng năm trên 01 tỷ đồng và được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”;…
Còn có những nông dân đã nhạy bén, nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi nghề và đã thành công như hộ ông Đinh Văn Xin ở thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý từ một hộ khó khăn, anh đã kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển du lịch ở địa phương nên đã mạnh dạn đầu tư mô hình khép kín dịch vụ du lịch - quán ăn và đã thành công với mức thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập trên 3,5 triệu đồng/tháng, hay hộ ông Hộ ông Trương Vĩnh Phúc ở phường Trần Quang Diệu không muốn cái nghèo đeo bám từ nghề nông đã chuyển đổi sang nghề sản xuất chổi đót và thành công, thu lãi 240 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương 3,2 triêu đồng/ tháng, hiện gia đình ông là đầu mối liên kết về tiêu thụ sản phẩm sau sản xuất của các thành viên trong Tổ Hội nghề nghiệp sản xuất chổi đót ở phường Trần Quang Diệu,... và còn rất nhiều những nông dân giỏi xuất hiện từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong thành phố. Họ là những tấm gương nông dân vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương; góp sức vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Quy Nhơn ngày càng phát triển.
Phong trào đã tạo sức cuốn hút và sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội và hội viên, nông dân. Thông qua các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, Hội có điều kiện tập hợp hội viên, sinh hoạt Tổ Hội được thuận lợi hơn, cán bộ gần gũi với nông dân, nông dân tin tưởng vào tổ chức, đã thể hiện được vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội. Góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh của về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, để phong trào tiếp tục có bước phát triển mới về chất, đòi hỏi các cấp Hội và hội viên, nông dân thành phố cần phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao quyết tâm đổi mới, ý chí làm giàu, sáng tạo, phát huy nội lực đẩy mạnh phát triển kinh tế; đồng thời, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh bằng những chính sách, những hành động cụ thể để động viên đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thi đua làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.