Chi hội nghề nghiệp Nuôi trồng thủy sản xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn luôn đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế
Trong những năm qua, Chi hội nghề nghiệp Nuôi trồng thủy sản xã Nhơn Hải luôn đồng hành cùng với nông dân và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cụ thể:
Để các buổi sinh hoạt chi (tổ) Hội thiết thực, xác với nhu cầu mong muốn của hội viên nông dân, Chi hội đã tham mưu cho Hội Nông dân xã đề nghị Chính quyền xã thành lập 02 Tổ hợp tác nuôi thủy sản trên biển có 30 hộ tham gia; ban hành Quy chế hoạt động của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản trên biển. Hiện nay, hầu hết các thành viên trong Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản trên biển, sản xuất đạt hiệu quả, thu nhập của các thành viên hằng năm đều tăng.
|
Thu hoạch tôm hùm thương phẩm xuất bán cho thương lái.
|
Hàng năm, ngay từ đầu năm thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân xã, Chi hội tổ chức phát động, hướng dẫn cho hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, có 170 hộ nông dân đăng ký đạt 100% tổng số hộ nông dân trong chi hội. Chi hội đã tập trung công tác vận động các thành viên trong chi hội đầu tư nuôi ươm tôm hùm giống (hiện có 25 bè với 54 hộ thả nuôi 162.300 con tôm hùm giống, thu nhập bình quân từ 30-100 triệu đồng/hộ) và nuôi tôm hùm thương phẩm ( hiện có 32 bè với 61 hộ thả nuôi 70.000 con tôm hùm thương phẩm, hằng năm đã xuất bán trên 25 tấn tôm thương phẩm, thu về với giá trị 37 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ 100 - 700 triệu đồng/hộ/năm). Đây là nghề đem lại thu nhập cao cho hội viên nông dân.
Để giúp nông dân nắm vững các kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng nhằm đảm bảo vụ mùa đạt năng suất cao, đưa ra thị trường những con tôm đạt chất lượng, Chi hội đã tham mưu đề xuất Hội Nông dân xã, UBND xã Nhơn Hải phối hợp với các ngành chức năng (Ban quản lý dự án CRSD, Chi cục thủy sản, Hiệp hội thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang,…) tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỷ thuật (07 lớp tập huấn cho 290 lượt hộ dân nuôi tôm hùm thương phẩm) về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh (nhất là bệnh sữa và đỏ thân trên con tôm hùm), hướng dẫn cách vệ sinh lồng nuôi,… để hạn chế ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Tiếp tục đồng hành cùng nông dân để tháo gỡ khó khăn của nông dân trong vấn đề thiếu vốn đầu tư phát triển mô hình, Chi hội đã đứng ra chịu trách nhiệm làm Tổ trưởng Tổ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để phối hơp tạo điều kiện các hộ có nhu cầu được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước (từ năm 2016 đến nay, đã giải ngân cho vay 5.131 triệu đồng/326 lượt vay); và tranh thủ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp (800 triệu đồng/ 30 hộ vay) và nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (146 triệu đồng) để thực hiện các mô hình nuôi ương tôm hùm giống, tôm hùm thương phẩm, nuôi mực... Góp phần đem lại thu nhập cho các thành viên trong chi hội. Từ đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp của chi hội hằng năm đều tăng, (đến cuối năm 2018 có 112 hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp, chiếm tỷ lê 65,88% tổng số hộ trong chi hội), đồng thời giúp đỡ 36 hộ dân khó khăn vươn lên thoát nghèo. Góp phần cùng với xã Nhơn Hải giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện xuống còn 1,18% năm 2018 ( năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 3,5%). Điển hình các hộ đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Trần Văn Mọi - thôn Hải Đông với 40 lồng nuôi tôm ương và 18 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm đã cho thu nhập hàng năm trừ chi phí trên 600 triệu đồng; hộ ông Phạm Thành Thệ - thôn Hải Nam đầu tư nuôi tôm hùm thương phẩm, tôm hùm ươm... thu nhập hằng năm từ 400 - 900 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 - 5 lao động địa phương.
Không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu mà Chi hội cũng đồng hành cùng địa phương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chi hội đã tích cực tham gia vận động hội viên trong chi hội thực hiện tiêu chí môi trường như: Tham gia vào Tổ thực hiện mô hình tuyến đường “Nông dân tự quản” dài gần 1.000m trên địa bàn 02 thôn Hải Đông và Hải Nam, vận động có 170 hộ nông dân hưởng ứng đăng ký bản cam kết cùng chung tay thực hiện, không vức rác thải khu vực bờ kè, bỏ rác đúng nơi quy định, giữ vệ sinh lồng (bè), không vức rác thải xuống biển, bảo vệ rạn san hô, thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh thủy hải sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng đến tay người tiêu dùng.…góp phần bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động hội viên đóng góp 50 ngày công, 31 triệu đồng để nâng cấp, bê tông, cứng hóa các tuyến đường trong thôn, xóm, nhằm phục vụ cho đi lại, sản xuất, vận chuyển mua bán của người dân được thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Xuân Bá, chi hội trưởng tâm sự: Việc xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp giúp cho Chi hội dễ tập hợp hội viên để triển khai thực hiên các phong trào nông dân, dễ xây dựng được nội dung sinh hoạt theo chủ đề phong phú, thiết thực, trong đó bao gồm việc đi sâu vào trao đổi thông tin liên quan đến ngành nghề; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, đoàn kết trong lựa chọn thương lái cho đầu ra của sản phẩm, cùng nhau hỗ trợ trong phòng trừ dịch bệnh, cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, từ đó có khả năng gắn kết xây dựng mô hình phát triển theo hướng bền vững và phát huy lợi thế tiềm năng của địa phương. Trong thời gian đến, Chi hội nuôi trồng thuỷ sản sẽ tích cực hơn nữa trong công tác vận động nông dân tham gia vào chi hội, tham mưu hỗ trợ giúp cho nông dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, làm giàu cho gia đình, góp phần làm giàu cho quê hương.