|
Đua thuyền rồng tập thể nam. |
Ngoài đội nam chủ nhà Phước Hòa còn có 3 đội nam của 3 xã nằm ven đầm Thị Nại (Phước Sơn, Phước Thuận và Phước Thắng). Đặc biệt, năm nay là năm thứ 2 có sự góp mặt của 2 đội đua thuyền tập thể nữ của 2 thôn Kim Đông và Tân Giản của xã Phước Hòa với trên 90 vận động viên (VĐV) là những người con từng dày dạn kinh nghiệm sông nước tham gia thi đấu các môn: đua sõng câu chống sào, đua sõng câu bơi dầm, đua thuyền rồng tập thể nam – nữ.
Mới đầu giờ chiều người xem đã đứng chật hai bên bờ sông xem biểu diễn văn nghệ Mừng Đảng, Mừng Xuân. Các diễn viên không chuyện của Trung tâm VHTT – TT huyện và của xã Phước Hòa đã cất lời ca, tiếng hát, ca ngợi quê hương, ca ngợi công ơn của Đảng và Bác Hồ đã đem lại cho người xem phấn chấn trước một mùa xuân mới.
Kết thúc chương trình văn nghệ là Lễ khai mạc Hội đua thuyền truyền thống, các xã đều có quyết tâm cao giành thắng lợi về cho địa phương mình. Do từng trải hàng năm đều tham gia giải đua thuyền truyền thống nên các VĐV tỏ rõ điêu luyện, sự vững chãi tay chèo. Ngay sau khi Ban tổ chức công bố thể lệ giải, cuộc thi bắt đầu với màn đua sõng câu chống sào và đua sõng câu bằng dầm, mỗi xã cử 1-2 VĐV tham gia (xã Phước Thắng không có VĐV tham gia môn đua này). Sõng câu chỉ giành cho người hành nghề bủa lưới đánh bắt cá trên đầm đã chông chênh, nay còn chông chênh hơn đối với VĐV đứng chống sào. Sau tiến còi của trọng tài, các VĐV cầm chắc tay sào tư thế hướng người về phía trước, cứ liên tục lao sào nhanh xuống nước, khom người đẩy sõng chạy băng băng về phía trước; còn môn bơi dầm các VĐV đưa dầm xuống nước cuối rạp người về phía trước lấy lực bơi đẩy dầm về phía sau, cứ vậy lập đi, lập lại. Những chiếc sõng câu rượt đuổi sau suốt chặng đường dài 1.000 mét ai xem đều mát mắt. Kết quả, VĐV Huỳnh Văn Điều bỏ xa đối thủ giành giải nhất môn sõng câu chống sào, VĐV Châu Vĩnh Bình toát mồ hôi do có VĐV xã Phước Thuận bám đuổi phải nỗ lực mới giành giải nhất môn sõng câu bơi dầm (cả 2 VĐV đều ở xã Phước Hòa).
Sôi nổi và người xem chú ý, cổ động hết mình có lẽ môn đua thuyền rồng tập thể với đường đua dài hơn 2.000 mét đối với nam và 1.000 mét đối với nữ. 4 đội nam tham gia thi đấu theo thể thức bốc thăm loại trực tiếp (đội Phước Hòa gặp đội Phước Thuận; đội Phước Thắng gặp đội Phước Sơn), chọn hai đội thắng vào thi đấu chung kết tranh giải nhất, 2 đội thua tranh giải 3; riêng 2 đội nữ tranh giải nhất.
Cuộc đua thuyền rồng tập thể giai đoạn chót tranh nhất, nhì, ba diễn ra trời đã gần xế chiều, 2 đội thua ở vòng loại (đội xã Phước Sơn và đội xã Phước Thuận) bước vào thi đấu và đội xã Phước sơn giành được giải 3 khá dễ dàng khi bỏ xa đối thủ trên đường đua sau sự tiếc nuối ở vòng loại không thắng được đội đua thuyền xã Phước Thắng. Sôi động hơn sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài 2 đội thắng vòng loại tranh giải nhất Phước Thắng và Phước Hòa giành nhau bức phá, tranh nhau từng cen ti mét trên đường đua trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem, và tiếng trống thúc dục liên hồi làm vang động cả khúc sông. Tuy nhiên đến lượt đua cuối đội Phước Thắng đã đuối sức để đội đua thuyền Phước Hòa vượt lên cán đích trước và giành giải nhất.
Ông Trương Ngọc Ánh (75 tuổi) huấn luyện viên và là đội trưởng đội đua thuyền xã Phước Hòa, hồ hời cho biết: Đây là năm thứ 2 đội chúng tôi giành giải nhất, do đưa lực lượng trẻ tuổi vào thay các VĐV có tuổi cao, chỉ giữ một người tuổi cao làm nòng cốt cầm chịch, hướng dẫn đôn đốc người ngồi điều khiển bẻ lái phía sau và một người ngồi trước để hướng dẫn nhịp chèo tạo sự đồng bộ theo tiếng hô. Hơn nữa việc luyện tập cũng bài bản hơn.
Đối với 2 đội nữ tham gia chỉ là cây nhà lá vườn, tuy nhiên các VĐV nữ hầu hết tuổi dưới U40 và đều có chồng con và tham gia nghề sông nước đánh bắt cá trên đầm nên những ngày qua rất hăng say mong đến ngày trỗ tài. Với tiếng reo hò, cổ vũ của người xem đứng chật hai bên bờ sông trên đường đua 2 đội đuổi bám nhau ráo riết, nhưng do lần đầu tham gia thi đấu còn thiếu kinh nghiệm nên đội nữ Tân Giản đã để đội nữ Kim Đông vượt lên cán đích và giành giải nhất. Chị Lý Thu Thảo, người cầm chịch đội Kim Đông, bộc bạch: Chủ yếu chị em tham gia là để góp vui, thời gian tập luyện chỉ có một buổi thôi, nhưng năm ngoái cả đội cũng đoạt giải nên vào đường đua ai cũng tự tin.
Ông Nguyễn Văn Mười, ở thị xã An Nhơn có nhận xét: Hội Đua thuyền năm nay huyện Tuy Phước tổ chức tốt hơn, công tác giữ gìn an ninh trật tự chặc chẽ, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy, nhất là trong đường đua không có ghe thuyền nào nên cuộc đua thuyền diễn ra an toàn, việc phân luồng giao thông tránh ùn tắc giao thông trên tỉnh lộ 640 qua cầu Gò Bồi làm khá tốt. Hơn nữa, năm 2015 hệ thống đê phía bờ Nam sông Gò Bồi thi công hoàn thành mặt đê bê tông xi măng, mái đê lát tấm bê tông tạo cảnh quang thông thoáng, người đến dự hội thoải mái đứng xem không như phải chen nhau giành chỗ bên như bên bờ Bắc trước đây. Nhìn chung Hội Đua thuyền truyền thống mùng 2 Tết Bính Thân này bà con chúng tôi xem rất hài lòng.