Vào thời điểm bước ngoặc nhất trong cuộc đời anh Vinh là năm 2015, khi đó Nguyễn Hữu Vinh đang là thạc sỹ kinh tế, có công việc và thu nhập ổn định tại thành phố Quy Nhơn. Nhưng khát vọng được tự do đi theo những hướng nghiên cứu, phát triển riêng và phổ biến rộng rãi sản phẩm của chính mình đã đưa anh đến một quyết định quan trọng: bàn với gia đình về quê lập công ty phát triển nghề truyền thống của địa phương. Lúc đầu anh gặp rất nhiều lời phản đối: “Khi mà mình quyết định về quê, thì bản thân cũng suy nghĩ là sẽ gặp phải khó khăn, đặc biệt là giai đoạn đầu tiên; gia đình, rồi bạn bè cũng có cản trở, vì lúc đó 2 vợ chồng đều có điều kiện ổn định ở thành phố rồi, và nói chung thì ai cũng có suy nghĩ là chỉ ở thành phố mới có điều kiện để phát triển”- anh Vinh tâm sự.
|
Anh Vinh đang kiểm tra sản phẩm cốm của gia đình. |
Vậy mà chỉ sau một thời gian, bằng niềm đam mê, tư duy sáng kiến trong kinh doanh đến những nghiên cứu mà Nguyễn Hữu Vinh làm ra đã dần dần nhận được sự động viên, ủng hộ của của gia đình. Thành công đầu tiên của anh là việc anh nghiên cứu ra máy sấy bánh tiết kiệm năng lượng, sản phẩm được vinh dự nhận giải ba tại hội thi “sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Định năm 2015”. Sáng tạo của Nguyễn Hữu Vinh là nghiên cứu thay thế phương pháp sấy bánh bằng củi truyền thống, vừa tiện lợi, giảm chi phí sản xuất và không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Duy Nhâm, bố của Nguyễn Hữu Vinh nhớ lại: “Trước đây, khi chuẩn bị làm bánh cho ngày mai, thì ngày hôm nay phải tập trung chất củi, nặng nhọc, bụi bặm rồi chi phí mua củi cũng khá cao. Nhưng giờ khi có máy sấy bằng điện, thì ngày mai làm bánh, ngày hôm nay công nhân được nghỉ ngơi, nên rất khỏe cho người lao động, khi ép đủ bánh đưa vào hệ thống sấy thì chỉ cần bật máy lên là xong. Bởi vậy khi có hệ thống sấy điện hiệu quả sản xuất rất là cao…”
Cũng theo anh Vinh, từ nhỏ, đã được tiếp xúc với công việc làm bánh truyền thống từ người thân trong gia đình. Để có thể làm ra sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, phải trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn, vất vả cũng như không đảm bảo độ thẩm mỹ trong đóng gói sản phẩm; vì vậy, khi về quê lập công ty, anh đã quyết tâm đầu tư máy móc và sử dụng công nghệ hiện đại trong làm bánh. Cơ sở đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy ép, máy sàng trấu, máy đóng gói… Do được đầu tư đồng bộ, quy trình sản xuất được rút ngắn thời gian nên tiết kiệm sức lao động và giảm chi phí đầu vào, năng suất tăng gấp 3 lần so với trước đây.
Để có chỗ đứng trên thị trường, Nguyền Hữu Vinh đã mạnh dạn xây dựng thương hiệu “Bánh cốm Sáu Chiến” với việc nâng cao chất lượng và thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp mắt, đồng thời, anh đặc biệt chú trọng tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Vì vậy, sản phẩm mà xưởng của anh làm ra được người tiêu dùng và các bạn hàng ưa chuộng. Sản phẩm được tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành như: Gia lai, Đắc Lắc, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, thành phố Hồ Chí Minh…Không chỉ chinh phục thị trường trong nước, sản phẩm “Bánh Cốm Sáu Chiến” đã được một số khách hàng tại Campuchia, Lào, Hàn Quốc,… đặt mua. Anh Vinh cho biết: “Mỗi ngày, xưởng sản xuất gần 1.000 bịch bánh. Vào những tháng giáp Tết, nhu cầu thị trường tăng cao, số lượng bánh sản xuất mỗi ngày có khi lên đến 1.500 bịch. Bình quân mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, còn lãi ròng khoảng vài chục triệu đồng. ..”
Đạt được thành công bước đầu từ một sản phẩm truyền thống quen thuộc với người tiêu dùng đã khiến anh Vinh có quyết tâm đầu tư thêm các trang thiết bị để sản xuất một số sản phẩm mà nguồn nguyên liệu có tại địa phương như: Cốm nếp ngự, đậu phộng tỏi ớt, cháo gói…
Để tạo thương hiệu và sản phẩm độc quyền cho riêng mình, tiếp tục năm 2018 anh Vinh đã đăng ký Hội thi “Sáng tạo nhà nông” năm 2018 do Hội Nông dân tỉnh Đình Định tổ chức với sáng chế “Máy rang các loại hạt nông sản bằng điện”, kết quả đã đạt giải nhì; đây là niềm vinh dự và tự hào, cũng là niềm mơ ước của anh Vinh đã phấn đấu nỗ lực hết mình vì nền nông nghiệp của quê hương.
Tiếp tục năm 2019, nhờ có sự chịu khó nghiên cứu học hỏi và hỗ trợ nhiều từ chính quyền địa phương nên anh Vinh đã mạnh dạng đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất bánh tráng nước dừa với dây chuyền sản xuất tự động hoàn toàn từ khâu tráng bánh, sấy bánh, nướng bánh và đóng bao bì khép kín với sản lượng 50.000 cái bánh mỗi ngày, tạo ra thêm việc làm cho 20 người lao động ở địa phương, lấy thương hiệu là “Bánh tráng nước dừa Sachi”, đặc sản Bình Định.
Nhìn người đàn ông giản dị, hay cười ít ai biết được rằng anh là người luôn luôn bận rộn, luôn luôn suy nghĩ, anh đang ấp ủ những hướng nghiên cứu, phát triển mới…Anh Vinh chia sẻ: “Mong muốn là chính quyền địa phương quy hoạch được vùng nguyên liệu nếp ngự, sản xuất theo quy trình; còn cơ sở của tôi nhận bao tiêu sản phẩm. Như vậy chất lượng nguyên liệu được đảm bảo, còn người nông dân cũng yên tâm về giá cả và đầu ra. Hiện tôi đang nghiên cứu, tìm hiểu về chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, khát vọng lớn nhất của tôi là đầu tư mở cụm công nghiệp sản xuất các mặt hàng nông sản của quê hương”.
Anh Nguyễn Hữu Vinh đã từng tâm sự rằng, chỉ vì bố mẹ già, sức khỏe yếu nên anh muốn về phụ giúp gia đình, phát triển kinh tế. Thế nhưng qua câu chuyện anh kể, những gì đã chứng kiến, chúng tôi hiểu rằng, khát vọng làm giàu của anh gắn liền với niềm đam mê, tận tụy với công việc và tinh thần không ngừng sáng tạo. Tin rằng những hành trang đó sẽ giúp anh ngày càng thành công hơn nữa.