Đổi mới về hình thức và nội dung
Công tác tuyên truyền, giáo dục đã được các cấp Hội nông dân thường xuyên đổi mới về hình thức và nội dung, hướng về cơ sở như thông qua các hội thi, hội thảo, sinh hoạt hội, câu lạc bộ nông dân, phát hành bản tin, lồng ghép trong các lớp tập huấn...Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nghị quyết Đại hội hội nông dân các cấp...
Trong 5 năm qua, Hội tiếp nhận và phát chuyển 3.897 bản tin “Tài nguyên môi trường”, “Kinh tế nông thôn Bình Định”, “Sổ tay Hỏi đáp pháp luật về bảo vệ môi trường”, “Giáo dục sức khỏe”… đến các cơ sở Hội, chi Hội để phục vụ công tác tuyên truyền, các hoạt động sinh hoạt Hội. Xây dựng 01 tủ sách nông dân tại thị trấn với số lượng 100 đầu sách; củng cố 01 Câu lạc bộ “Nông dân ứng dụng Internet”, 05 câu lạc bộ “Nông dân và Phát triển”, 01 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại xã An Dũng; thành lập 01 mô hình “Người cha trách nhiệm” tại xã An Hòa . Tổ chức hội thi “Nông dân với Dân số - Kế hoạch hóa gia đình”, “Truyền thông giảm nghèo”,... tham gia các hội thi, cuộc thi, giải bóng chuyền do tỉnh Hội phối hợp tổ chức.
Phong trào nông dân thi đua làm theo Bác ngày càng sôi nổi và đạt những kết quả tích cực. Điển hình, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau thoát nghèo, tính đến năm 2019, toàn huyện có 2.159 lượt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ được 4.573 hộ nghèo, cận nghèo về vốn, vật tư sản xuất, ngày công lao động và kỹ thuật sản xuất.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp được hơn 350 triệu đồng và hơn 750 ngày công lao động để nạo vét, sửa chữa trên 61 km kênh mương; sửa chữa và làm mới 103 km đường giao thông nông thôn. Các hội viên, nông dân cũng tích cực phát huy vai trò trong thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như: Cánh đồng mẫu lớn, hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác và tiêu thụ sản phẩm…
Giúp đổi mới cách nghĩ, cách làm
Công tác tuyên truyền, vận động còn được gắn kết chặt chẽ với các hoạt động tư vấn dạy nghề và hỗ trợ nông dân, trong đó tập trung về dịch vụ vốn và cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp. Các cấp hội chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp triển khai cho hội viên, nông dân đăng ký mua phân bón theo phương thức trả chậm với số lượng trên 792 tấn. Huyện hội và 10 xã, thị trấn đã thành lập ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân, với tổng nguồn vốn toàn huyện đạt 2.075 triệu đồng, đã giải ngân 19 dự án, với 73 lượt hộ vay. Các mô hình, dự án được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã thực sự thúc đẩy việc chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lao động, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Phối hợp với NHCSXH huyện đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững với số tiền 64.981 triệu đồng/46 tổ/1.846 hộ vay. Ngoài ra, thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, Hội đã phối hợp Ngân hàng Agribank huyện giải ngân 350 triệu đồng cho 03 hộ vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp hội phối hợp tổ chức 18 lớp dạy nghề cho 630 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Hàng năm phối hợp tạo thêm việc làm mới cho hơn 1.000 hội viên nông dân.
Qua đó, hội viên, nông dân đã tạo được việc làm, chuyển biến nhận thức, đổi mới cách nghĩ, cách làm, thay đổi tập quán canh tác, chú trọng áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nông dân đã biết áp dụng công nghệ thông tin để tìm tòi học hỏi các mô hình có hiệu quả và cập nhật ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến về cây trồng, vật nuôi, các thông tin giá cả thị trường cũng như tình hình kinh tế, xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong 5 năm qua, các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền cho 507.675 lượt hội viên tham gia học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nghị quyết của Hội. Trong tuyên truyền về Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các cấp hội đã lựa chọn những nội dung trọng tâm gắn với hoạt động, việc làm cụ thể để tuyên truyền, phổ biến đến từng hội viên, nông dân theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Một số Hội cơ sở lựa chọn những câu chuyện hay về Bác, những cuộc gặp gỡ nói chuyện của Bác với nông dân để kể cho hội viên nghe. Việc tìm hiểu những gương điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi, có những việc làm tốt, vượt khó thoát nghèo... cho hội viên trong các buổi sinh hoạt để cùng học tập, thảo luận, trao đổi cũng được chú trọng.