Ông Hòang Ngọc Thành, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện An Lão đã trao đổi về vấn đề này: Hiện nay, những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện An Lão. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ nhu cầu và đặc trưng riêng. Đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhận thức được được vấn đề này, trong những năm qua, Phòng VHTT đã tham mưu lãnh đạo huyện triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, thống kê các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa. Trong đó đi sâu về việc nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Hrê. Có thể nói, trong 3 huyện miền núi của tỉnh Bình Định thì An Lão được xem là đại diện về di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của người H’Rê.
Nét đặc trưng về văn hóa phi vật thể của người H’Rê An Lão, trước hết phải nói đến các làng điệu dân ca Ta lêu, Ca choi và Hmon, người H’Rê không có trường ca như người Ba Na. Các làng điệu dân ca của người H’Rê xuất hiện khá lâu đời và nó được truyền miệng cho các thế hệ trong các dịp lao động sản xuất, sinh họat, lễ hội cộng đồng. Trong suốt qua trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho đến ngày nay, các nghệ nhân địa phương đã sáng tác thêm nhiều bài hát có nội dung mới như: Ca ngợi chiến công của Anh hùng Đinh Ruối, nội dung về dân công, nghĩa vụ, lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa trong thời kỳ đổi mới.
Về nhạc cụ của người H’Rê cũng khá đa dạng và phong phú, trong đó phải kể đến Cồng, Chiêng, đàn Preng, Prí…, nhưng độc đáo và tiêu biểu nhất trong nhạc cụ của người H’Rê vẫn là Tốc chinh ( Chiêng 03 chiếc, sau này có địa phương được cách tân lên 05 chiếc), đây là lọai nhạc cụ chủ đạo trong cả dàn nhạc, khi tấu lên nó giữ nhịp và tạo nền cho các lọai nhạc cụ khác trong mỗi điệu nhạc. Bài Chiêng của người H’Rê cũng có nhiều nét mới lạ theo từng nhịp điệu và âm thanh chậm rãi, thướt tha, sâu lắng làm réo rắc lòng người.
|
Nhạc cụ Cồng chiêng của người Hre An Lão. |
Ngòai ra, người H’Rê An Lão còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, tập tục, dân ca, thơ ca dân gian, , nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực... mang đậm sắc thái cội nguồn. Trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người H’Rê An Lão. Tiêu biểu là trong nghi lễ Cưới với “Nắm cơm và sợi chỉ đỏ”, lễ rước Cồng chiêng, cúng được mùa, cúng con nước...
Chị Đinh Thị Tuyết (dân tộc H’Rê) ở thị trấn An Lão, người đã có nhiều đóng góp để “giữ lửa) cho văn hóa truyền thống của người H’Rê ở An Lão chia sẽ: Từ lúc mới sinh ra, nằm trong vòng tay mẹ chị Tuyết đã được nghe các làn điệu dân ca H’Rê qua lời ru của mẹ. Lớn lên được hát, được đánh nhạc cụ, mặc trang phục của dân tộc mình, những thứ đó đã ngấm vào máu và tiềm thức của chị. Bản thân chị Tuyết đã từng là phiên dịch, phát phát thanh viên tiếng H’Rê của Đài truyền thanh huyện An Lão và Đài PTTH Bình Định. Chị Tuyết cũng đã có hơn 30 năm tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao do địa phương các cấp tổ chức, mang lại cho địa phương nhiều thành tích đáng ghi nhận. Chị Tuyết bộc bạch: “ Để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người H’Rê, bản thân tôi đã tự sáng tác nhiều bài hát mang làn điệu của người H’Rê để truyền dạy cho con cháu trong làng. Đặc biệt, gần đây được Ban Dân tộc tỉnh tặng một bộ cồng chiêng cho làng, đích thân tôi đã đứng ra dạy cho các cháu cách đánh chiêng, đánh cồng, múa theo từng làn điệu của người H’Rê, đồng thời truyền đạt những kinh nghiệm hay cho dân làng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình…”.
Theo thống kê của của ngành chuyên môn huyện An Lão, từ năm 2011 đến nay huyện đã kiểm kê, tổng hợp các di sản văn hóa phi vật thể tại 07 xã có đồng bào dân tộc Hrê và Ba Na sinh sống lâu đời, gồm: An Tòan, An Vinh, An Trung, An Dũng, An Nghĩa, An Quang, An Hưng đã ghi nhận được 16 bài về thể lọai hát Hmon, 39 bài hát Ta lêu, Ca choi, 01 bài hát ru, 04 bài Gon, 42 bài cúng-xói, 19 phong tục tập quán, 34 nhạc cụ, trong đó có 28 Chinh tốc, 41 bài Chiêng và 25 bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, việc sưu tầm, ghi chép trên cũng chỉ mới là một phần nhỏ so với kho tàng bao la, tinh tế về di sản văn hóa phi vật thể của người Hrê.
Làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn huyện An Lão nói chung và của người Hrê An Lão nói riêng, Ông Hòang Ngọc Thành cho biết thêm: “ Hiện nay Phòng VHTT huyện đang thực hiệm kiểm kê, tổng hợp tất cả các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng đến việc ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay video để lưu giữ từng thể lọai. Huyện cũng đã vận động, khuyến khích trong cộng đồng dân cư thường xuyên tổ chức các họat động văn hóa, văn nghệ, sử dụng các lọai hình văn hóa phi vật thể trong các buổi sinh họat tập thể, xem đây là một trong những tiêu chí về xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa”.
Để duy trì được các họat động trên, trước mắt các địa phương cần tăng cường việc tổ chức các họat động văn hóa tại chỗ như Lễ hội, hội thi, hội làng, qua đó sẽ chọn lọc được những nét văn hóa truyển thống tinh túy để nhân rộng và giao thoa phù hợp với đời sống thực tế, chống hình thức đơn điệu nhàm chán dễ bị mai một.
Hàng năm nên sử dụng một nguồn kinh phí thỏa đáng của địa phương để đầu tư cho việc tổ chức truyền dạy các lọai hình văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ. Trước mắt nên ưu tiên mua sắm cho mỗi thôn, làng một bộ cồng chiêng để sinh họat, lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng... Điều quan trọng trên hết là phải có sự quan tâm, đặt vấn đề đúng mức của cấp ủy và chính quyền địa phương để bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện.