An Lão là một trong 3 huyện niền núi của tỉnh Bình Định, thuộc diện 62 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước. Toàn huyện có 8.752 hộ với hơn 31.000 nhân khẩu, trong đó có 1/3 số hộ là đồng bào dân tộc Hrê và Ba Na, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 45,19% tổng số hộ hiện có ( theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2018).
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, tính từ năm 2016 đến nay, toàn huyện An Lão đã có 126 lao động đi làm việc có thời hạn tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... Riêng 10 tháng đầu năm 2019, huyện An Lão đã có 51 lao động tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, tăng 27 lao động so với năm 2018, vượt 0,2% chỉ tiêu cả năm do HĐND huyện giao.
|
Ngôi nhà và quán của anh Trần Việt Anh (thị trấn An Lão) xây dựng từ vốn tham gia XKLĐ.
|
Ông Trần Đước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện An Lão cho biết: “ Hiện nay tại Chi nhánh ngân hàng đã có tổng dư nợ 4,5 tỷ đồng tạo điều kiện cho hơn 50 hộ vay tham gia xuất khẩu lao động. Ngân hàng sẵn sàng cho vay đủ 100% nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng lao động tại các nước. Trong đó chủ yếu là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động tích cực tham gia vay vốn xuất khẩu lao động nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương”.
Số lao động ở huyện An Lão đi làm việc tại nước ngoài phần lớn đều có việc làm, thu nhập ổn định, bình quân mỗi lao động gửi về gần 200 triệu đồng/năm.
Riêng 10 tháng năm 2019, số lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài đã gửi về cho gia đình qua kênh Ngân hàng NN&PTNT huyện khoảng 8,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở thêm nhiều cơ sở sản xuất mới tạo việc làm thêm cho nhiều lao động, góp phần giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình và địa phương. Điển hình như hộ anh Trần Việt Anh ở Thôn 2, thị trấn An Lão được vay vốn tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Hàn Quốc, sau 3 năm chăm chỉ làm việc tại nước bạn, Việt Anh đã tích góp được nguồn vốn kha khá đủ để về quê cưới vợ, xây nhà mới khang trang, mở quán cafe- nhậu bình dân và kinh doanh lan rừng, bước đầu có thu nhập khá tạo được cuộc sống ổn định, là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ cùng trang lứa đang sinh sống tại một huyện còn nghèo như An Lão.
Cuối năm 2017 và đầu năm 2019 gia đình chị Nguyễn Thị Lan (ở thị trấn An Lão) có 02 con gái sau khi học xong THPT đã quyết định đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Hàng tháng, trừ chi phí sinh hoạt, các con đã gửi về cho gia đình từ 20 đến 30 tiệu đồng, sau chưa đầy một năm đã trả hết chi phí để đi XKLĐ, giúp gia đình chị Lan thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Về xã An Vinh – điểm sáng trong phong trào XKLĐ, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn, 100% là hộ đồng bào dân tộc Hrê và Ba Na sinh sống bằng nghề nông và canh tác nương rẫy, không có nghề phụ, tìm hiểu về phong trào đi XKLĐ của người dân nơi đây, được biết: Trăn trở với hướng thoát nghèo, nhiều người đã mạnh dạn tìm đường đi XKLĐ. Qua một thời gian, thấy được hiệu quả “nhãn tiền”, nhiều người đã mạnh dạn lập thủ tục vay vốn, đăng ký học tiếng nước ngoài rồi tham gia XKLĐ. Hiện nay cả xã đang có 51 người đi lao động tại thị trường các nước Malayxia, Đài Loan và một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Từ khi có phong trào XKLĐ, diện mạo của xã đã thay đổi hẳn, nhiều nhà đã trả hết nợ ngân hàng, mua sắm xe gắn máy và những đồ dùng đắt tiền, nhiều nhà có “của ăn, của để”, dùng tiền có được tạo nghề mới hiệu quả, góp phần tích cực giải quyết việc làm, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới ở quê hương”. Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh- Đinh Văn Ơn cho biết: “ Trong những năm gần đây toàn xã đã có 49 lao động tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài, nhiều người về quê đã có vốn tạo việc làm ổn định. Điển hình như hộ anh Đinh Văn Giáp ở Thôn 5, tham gia lao động tại thị trường Malaysia sau khi hết hạn hợp đồng lao động, có vốn về quê xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được những phương tiện đắc tiền, thoát cảnh nghèo khổ bấy lâu nay. Hiện nay, trong xã đang có 02 lao động nữa chuẩn bị xuất cảnh lao động sang thị trường Nhật Bản”.
Ông Từ Xuân Mười, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện An Lão, cho hay: “ Để đạt được kết quả trên, huyện đã có nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của huyện về công tác XKLĐ, nêu điển hình những địa phương làm tốt công tác XKLĐ, những gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín, năng lực đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tổ chức các Phiên Giao dịch việc làm tại huyện. Tư vấn, tuyên truyền về XKLĐ cho trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể và người lao động (NLĐ), giúp NLĐ và người nhà lao động tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh để tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, UBND huyện còn sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn ưu đãi tại các ngân hàng, hỗ trợ lãi suất, kinh phí học ngoại ngữ và giáo dục, định hướng cho người lao động...”.
Ông Mười cho biết thêm, Mục tiêu của huyện An Lão về giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động trong những năm tiếp theo là: Hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm tăng cường xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Tương lai đã và đang rộng mở cho lao động huyện vùng cao An Lão.