Để tạo sức lan tỏa trong văn hóa sản xuất của nông dân, trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức trong sản xuất kinh doanh, kết hợp với việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống sang quy trình nông nghiệp hữu cơ, cung ứng cho thị trường những nông sản sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Theo đó, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và cung ứng các loại cây, con giống đảm bảo chất lượng cho nông dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Vạn Khánh, An Hòa; Mô hình làm bánh tráng mì ở Hưng Nhượng, An Hòa; Mô hình trồng cây dược liệu Hà thủ ô ngọn đỏ, trồng cam xoàn, cam sành tại xã An Toàn; Mô hình trồng rau sạch của Tổ hợp tác nông dân ở thôn Tân Lập, xã An Tân; Mô hình nuôi bò bản địa sinh sản ở An Hưng;… Từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và phân phối ra thị trường đều tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, nên sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
Hay như Mô hình nuôi heo đen bằng thức ăn sạch ở các xã An Quang, An Nghĩa, An Toàn và các thôn đặc biệt khó khăn của thị trấn An Lão được UBND huyện hỗ trợ giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng. Mô hình này có lợi thế là các hộ nuôi tận dụng được các loại thức ăn từ nguyên liệu có sẵn tại nhà như: cám gạo, bột bắp, bột mì phối trộn với thức ăn sinh học. Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, các hộ gia đình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ qui trình. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn nên sản phẩm thịt heo thơm, ngon, có giá trị dinh dưỡng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện cũng đã tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho nông dân kết hợp với việc chuyển giao các tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để hướng đến nền nông nghiệp sạch trong tương lai. Nhờ đó mà nhiều nông dân ở các địa phương trong huyện dần dần thay đổi tư duy sản xuất để trở thành “người nông dân thông thái” trên cánh đồng. Nhiều nơi, nông dân còn năng động, sáng tạo nhiều quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo phương thức “quản lý dịch hại tổng hợp” như: “ruộng lúa, bờ hoa”, “vườn rau, bờ hoa”,… hoặc sử dụng các chất dẫn dụ côn trùng nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Điển hình như nông dân ở xã An tân đã sáng tạo quy trình sản xuất rau sạch bằng cách trồng luân phiên các loại rau và hoa màu xen canh như: Khi cây ớt vừa thu hoạch đến lứa cuối vụ, nông dân sẽ trồng khổ qua cho thân dây khổ qua leo lên cây ớt, những quả ớt khô còn sót lại gây mùi nồng cay, hạn chế được một số sâu bọ gây hại, vừa tiết kiệm chi phí làm giàn lại vừa hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu cho cây khổ qua, đem lại sản phẩm sạch, an toàn cho người dùng. Bên cạnh đó, nhiều nông dân trong xã còn tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh cho cánh đồng rau màu của mình và hạn chế sử dụng thuốc BVTV để nâng cao chất lượng nông sản, an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp ở huyện An Lão chưa nhiều vì đa số các mô hình sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; việc sử dụng phân hữu cơ, vi sinh vào trồng trọt cũng rất ít vì nhiều nông dân vẫn chưa được tiếp cận các thông tin từ các sản phẩm uy tín, chất lượng;.. Hơn nữa, nếu áp dụng đúng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đòi hỏi giá thành đầu ra ít nhất phải cao hơn 1,5 lần so với giá thị trường thì người nông dân mới có lãi. Thế nhưng thị hiếu của người tiêu dùng lúc nào cũng chọn giá thành phải rẻ cho nên các mô hình sản xuất sạch, an toàn chưa thật sự phổ biến rộng rãi, nông dân chưa mạnh dạn đầu tư áp dụng…
Vì vậy để tuyên truyền và nhân rộng các mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã để giúp nông dân liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan để tổ chức hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm nông sản sạch, an toàn đến với người tiêu dùng trong và ngoài huyện.
Có như vậy các sản phẩm nông sản sạch, an toàn sẽ dần dần chiếm lĩnh thị trường và người nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất đúng chuẩn Sạch để họ thật sự trở thành “Người nông dân thông thái” trên cánh đồng.