Năm 2019, xã Cát Thành là địa phương thứ 12 của huyện Phù Cát đăng ký về đích NTM và đến nay đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo quy định. Điều đáng ghi nhận trong công tác tuyên truyền xây dựng NTM ở Cát Thành là Đảng ủy xã đã tranh thủ sự uy tín, gương mẫu của trưởng các dòng họ, người có uy tín, người cao tuổi bằng việc tổ chức hội nghị gặp mặt, trao đổi rồi chính những người uy tín, gương mẫu này sẽ kêu gọi vận động thành viên trong dòng họ của mình, Nhân dân ở địa phương mình tích cực hưởng ứng đóng góp công sức, của tiền, hiến công, hiến kế, hiến tài sản để xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Đức Chiêu- Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Cát Thành cho biết: “Nhờ sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay, Cát Thành đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình trên 100 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 3 tỷ đồng, chưa kể hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác. Đến nay, ở xã Cát Thành, hệ thống các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn đều đã được bê tông hóa, một số trục giao thông nội đồng cũng được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại sinh hoạt, sản xuất. 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, xóm đã được bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm được cứng hóa, không lầy lội về mùa mưa và 90% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, không lầy lội, xe cơ giới đi lại thuận lợi”.
Như vậy, đến nay, toàn huyện đã có 12/16 xã đạt chuẩn NTM là: Cát Trinh, Cát Tài, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tân, Cát Lâm, Cát Hưng, Cát Tường, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Minh và Cát Nhơn. Đồng chí Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: “Một trong những yếu tố dẫn đến thành công trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở huyện Phù Cát phải nói đến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của Nhân dân và sự chỉ đạo quyết liệt, đổi mới, linh hoạt trong điều hành của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị trên địa bàn huyện”.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, huyện Phù Cát đã tạo được những phong trào xây dựng nông thôn mới sôi nổi do chính người dân tham gia. Người dân đã hiến hàng trăm ngàn m2 đất, hàng chục nghìn cây xanh và các tài sản có giá trị khác, để thực hiện hiện Chương trình. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, phong trào đã lan tỏa khắp địa bàn huyện.
Có dịp về thăm các xã đã đạt chuẩn NTM sẽ thấy được những đổi thay đáng kể về diện mạo nông thôn cũng như đời sống kinh tế của người dân. Sau khi đạt chuẩn NTM, các xã đều xây dựng kết hoạch để nâng chuẩn các tiêu chí, phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Siềng, người dân ở thôn Chánh Hùng, xã Cát Thành tâm sự: “Qua quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn xã, là một người dân, tôi rất đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Tôi thấy rằng đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, rất hợp lòng dân, vì người dân đã trực tiếp hưởng lợi từ Chương trình. Cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư xây dựng, đường giao thông được bê tông hóa, đồng ruộng được quy hoạch, dồn điền đổi thửa và cứng hóa đường giao thông nội đồng... đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân chúng tôi trong các hoạt động sinh hoạt, sản xuất góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch nên huyện Phù Cát đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Tổng nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng NTM trên địa bàn huyện từ năm 2011 đến nay trên 1.377 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp gần 88 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… Đến nay, toàn huyện có 98% trục đường giao thông xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 91% đường thôn, xóm đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ kênh, mương nội đồng được kiên cố hóa đạt gần 80%. Trong 08 năm qua, các xã đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 11 trung tâm văn hóa xã, khu thể thao xã; 107 công trình nhà văn hóa thôn. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có bước phát triển đáng ghi nhận, cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đến nay, bình quân thu nhập trên đầu người đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 3,81%, 95,5% số hộ khu vực nông thôn dùng nước sạch hợp vệ sinh, 42/76 trường học đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt gần 91,1%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình NTM, huyện Phù Cát còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như công tác chỉ đạo ở một số xã, ngành chưa quyết liệt, thường xuyên; sự phối hợp ở một số địa phương còn lúng túng; các xã còn thiếu giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM...
Xác định Chương trình MTQG xây dựng NTM là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển, nông thôn văn minh, nông dân giàu có, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Phù Cát đoàn kết, đồng sức, đồng lòng quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn huyện có 100% xã về đích NTM.