Hiệu quả thiết thực từ các lớp đào tạo nghề
Tiếp xúc với những học viên được đào tạo nghề, dễ dàng nhận thấy sự phấn khởi trên gương mặt mỗi người. Bởi chính từ các lớp dạy nghề này đã mang lại cho họ những công việc ổn định, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Đào Thị Bích Tân (Thị trấn An Lão) chia sẻ: Gia định chị vốn thuộc diện chính sách, trước đây khi chưa có nghề, chị chỉ ở nhà chăm con, làm nông nghiệp. Thu nhập của chị gần như không có, chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Được chính quyền tạo điều kiện cho tham gia học lớp May công nghiệp tại Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại An Sơn đóng tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Lão trong vòng 3 tháng (từ tháng 5-8/2018), chị Tân có công việc ổn định. “Trước khi học nghề, tôi hầu như không có khoản thu nào. Sau khi học nghề tôi được nhận làm việc luôn tại xưởng và có lương hằng tháng trang trải cuộc sống. Ban đầu tay nghề chưa cao còn nhiều khó khăn, sau đó tôi cũng áp dụng kiến thức được học để nâng cao tay nghề, đến nay thu nhập của tôi cũng được vài triệu đồng/tháng”, chị Tân hồ hởi.
Cũng tham gia học lớp May công nghiệp như chị Tân, chị Châu Thị Sinh (xã An Tân) cho hay, sau khi được đào tạo nghề, chị đã tự tin may hoàn thiện sản phẩm thay vì chỉ may một công đoạn hay từng bộ phận của sản phẩm như trước. Quan trọng nhất, tay nghề nâng cao góp phần tăng năng suất lao động, do đó thu nhập của chị sinh cũng được tăng lên, khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo kết quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm năm 2019 của huyện An Lão, huyện tổ chức được 07 lớp đào tạo nghề cho 245 lao động nông thôn, đạt 123% KH. Trong đó: đào tạo nghề phi nông nghiệp (may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn) là 03 lớp cho 105 lao động; đào tạo nghề nông nghiệp cho 140 lao động (kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, kỹ thuật trồng cây có múi) với tổng kinh phí là 729 triệu đồng. Tỷ lệ lao động nông thôn được giải quyết việc làm sau các lớp học nghề là 196/245 học viên, đạt tỷ lệ 80%, đạt 100% KH.
Trong năm, huyện cũng đã phê duyệt cho vay 20 dự án giải quyết việc làm với tổng số tiền 883 triệu đồng, giải quyết việc làm mới cho 25 lao động, nâng tổng dư nợ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện là 5.182 triệu đồng. Phối hợp với Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại An Sơn giải quyết việc làm mới cho 35 lao động.
Đánh giá cao chất lượng lao động nông thôn sau đào tạo, chị Nguyễn Thị Xanh, đại diện một Cơ sở sản xuất may tại xã An Tân, chia sẻ: “Trước đây tôi cũng đã từng tham gia các lớp đào tạo nghề, sau đó mở xưởng sản xuất và nhận lao động của các lớp đào tạo về làm việc. Với đặc thù là sản xuất và may gia công nên nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất của xưởng là rất lớn.
|
Huyện An Lão phối hợp với Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại An Sơn tạo việc làm cho nhiều lao động. |
Cơ sở chúng tôi đã tuyển dụng hàng chục lao động của các lớp đào tạo nghề. Nhìn chung, lao động có sự bắt nhịp rất nhanh và đáp ứng được yêu cầu công việc. Đối với những lao động có tay nghề tốt được trả lương trong khoảng 3 - 5 triệu đồng. Thời gian tới, chúng tôi vẫn có nhu cầu thuê thêm thợ và tuyển bổ sung lao động đã qua các lớp đào tạo”.
Gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn
Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão - Ông Lê Văn Thanh cho biết, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nông thôn nên thời gian qua, huyện An Lão đặc biệt quan tâm chú trọng, chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác này.
Để việc đào tạo nghề thiết thực, trước khi mở lớp dạy nghề, huyện đã tiến hành khảo sát nhu cầu nghề nghiệp của lao động địa phương, tránh tình trạng mở lớp ồ ạt, dàn trải không đạt hiệu quả. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật, nghị quyết, kế hoạch của các cấp về công tác đào tạo nghề, huyện An Lão đã ban hành các văn bản, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Để nâng cao nhận thức của người dân về việc học nghề, huyện An Lão đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề với nhiều hình thức đa dạng, phong phú điển hình như tuyên truyền công tác đào tạo nghề qua các hội nghị, các buổi khai giảng, bế giảng lớp đào tạo nghề cùng nhiều loại hình tuyên truyền khác.
Đáng chú ý, để đảm bảo gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, huyện An Lão đã giao Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng, ban chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ dạy nghề, hồ sơ mở lớp; trực tiếp giám sát, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng hoàn thành các lớp đào tạo. Đảm bảo tuyển sinh đúng đối tượng, đủ số lượng, đúng nghề mà người lao động có nhu cầu.
“Không chạy theo số lượng, huyện An Lão xác định tập trung đào tạo nghề đạt hiệu quả cao nhất dựa theo nhu cầu nghề nghiệp của lao động nông thôn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát lại các nghề được người dân hưởng ứng. Các lớp đào tạo nghề được mở trong những năm tới sẽ theo hướng trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực tiễn, điều kiện địa phương.
Năm 2020, huyện An Lão tiếp tục phấn đầu hoàn thành các tiêu như: Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề cho 1.000 lao động; trong đó đào tạo nghề 200 lao động; 80% lao động qua đào tạo nghề giải quyết được việc làm. Giải quyết việc làm mới 300 lao động, trong đó xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 50 lao động;....” - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão chia sẻ thêm.