Phó Chủ tịch UBND xã An Hưng, huyện An Lão - đồng chí Đinh Văn Thành cho biết, An Hưng là một xã vùng cao của huyện An Lão với khoảng 427 hộ dân. Thu nhập người dân ở địa phương còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và định hướng phát triển của huyện, xã An Hưng lấy ngành chăn nuôi bò làm chủ lực để phát triển kinh tế. Hiện, tổng đàn bò của xã khoản 950 con.
Dự án “Hỗ trợ giống bò bản địa sinh sản cho các hộ nghèo” đã giúp các hộ nghèo có hướng chăn nuôi hợp lý, tránh nuôi trồng tản mạn, nhỏ lẻ, nguy cơ rủi ro cao, có cơ hội tốt để vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ việc triển khai mô hình dự án này, Hội Nông dân xã An Hưng đã thành lập được tổ hội chăn nuôi bò sinh sản với 17 tổ viên. Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở Đề án số 24-ĐA/HNDTW, ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm được nhiều chi phí, tăng năng suất, chất lượng đàn bò.
|
Hộ gia đình Đinh Văn Thảo - thôn 2, xã An Hưng chăm sóc con bò của gia đình có được từ dự án. |
Là hộ dân được nhận nguồn bò giống từ dự án, anh Đinh Văn Thảo ở thôn 5, xã An Hưng cho biết, gia đình có 4 nhân khẩu nhưng không có đất đai canh tác, phải làm thuê làm mướn, công việc và thu nhập bấp bênh, nhiều năm qua nghèo vẫn hoàn nghèo. Gia đình anh luôn mong ước được chăn nuôi giống bò chất lượng cao, nay được địa phương quan tâm, hỗ trợ tạo bước đệm để gia đình anh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Để làm được điều này, các thành viên trong gia đình sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để bò sinh sản ngày càng nhiều hơn. “Bò đẻ được tôi sẽ tiếp tục nuôi để nhân rộng đàn chứ không bán đâu. Mình còn làm được phải cố gắng làm để kiếm sống hàng ngày. Bò coi như để đó làm phần dành dụm…” - anh Thảo tâm sự thêm.
Cũng giống như anh Đinh Văn Thảo, hộ gia đình chị Đinh Thị Hê, thôn 2, xã An Hưng là một trong 17 hộ nghèo được nhận bò sinh sản miễn phí để chăn nuôi thuộc Dự án. Chị Hê chia sẻ: “Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, một mình tôi là lao động chính với nghề nông nên cái nghèo cứ đeo bám. Gia đình tôi rất phấn khởi, sau khi nhận bò giống về gia đình đã tổ chức làm chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tận dụng sản phẩm nông nghiệp như rơm, lá bắp,…để chăm sóc bò thật tốt, sớm thoát nghèo”.
Được biết, dự án đã hỗ trợ 17 con bò bản địa sinh sản cho 17 hộ nghèo. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ một con bò giống trọng lượng 150 kg, với giá hơn 14 triệu đồng/con với tổng số tiền 250 triệu đồng. Dự kiến sau 3 năm, bò sẽ được tăng đàn lên 34 con. Dự án sẽ trực tiếp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện sinh kế, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Qua đó, dự án thiết thực góp phần vào chiến lược giảm nghèo bền vững và chung tay xây dựng nông thôn mới của huyện An Lão.
Theo anh Đinh Văn Tân – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hưng cho biết: Theo quy chế hoạt động dự án với mục tiêu từng bước giảm hộ hội viên nghèo, nâng hộ khá giàu. Để mô hình hoạt động hiệu quả, ngay từ khi triển khai ban thường vụ hội nông dân xã đã chỉ đạo, hướng dẫn chi hội các thôn tổ chức bình xét hội viên được hưởng lợi về điều kiện kinh tế, điều kiện chăn nuôi. Theo quy chế những hộ được hưởng lợi từ mô hình là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hộ gia đình tham gia mô hình phải làm chuồng trại nuôi nhốt, chăm sóc đúng kỹ thuật; tiêm phòng dịch đầy đủ; trồng cỏ nuôi bò; không được tự ý bán bò,...”
Ngoài việc cấp bò giống, Hội Nông dân tỉnh Bình Định còn phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản trước và sau khi giao bò để người dân nắm được kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng, trị bệnh cho bò cái sinh sản…. Những kiến thức này đã giúp người dân thay đổi nhận thức từ chăn nuôi truyền thống sang phương pháp chăn nuôi khoa học đạt hiệu quả cao, giảm ô nhiễm môi trường, kiểm soát an toàn dịch bệnh, ít tốn công lao động.
Với việc triển khai thực hiện một cách tích cực, đúng tiêu chí, đối tượng hưởng thụ, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn xã An Hưng, huyện huyện An Lão đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo tiền đề đối với những hộ nghèo của xã được thụ hưởng. Đến thời điểm này, số lượng bò của dự án vẫn giữ vững ở mức 17 con và sinh trưởng phát triển tốt. Dự án đã có những thành công bước đầu khi giữ vững được đàn bò và mang đến cơ hội cho hộ nghèo có nguồn vốn để thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi một cách hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững và đặc biệt là có một cái tết Canh Tý 2020 vui tươi và ấp áp./.