Tết đến, nhu cầu hàng tiêu dùng cao, trong đó thực phẩm rau, củ, quả, trái cây là những mặt hàng “nóng” nhất. Nếu như ngày thường, chợ chỉ họp trong khuôn viên chợ thì những ngày giáp tết, chợ loang ra khắp ngả đường và khó tìm được một mảnh đất rảnh rỗi.
Hối hả người mua, kẻ bán
Ở vùng quê An Lão, từ lâu Xuân Phong (An Hòa) đã trở thành trung tâm buôn bán. Đầu mối này thu hút nhiều người dân hầu như ở các xã còn lại trong huyện… đến mua bán. Cũng vì thế mà chợ Xuân Phong những ngày giáp tết hàng hóa rất phong phú, đa dạng về chủng loại, nhất là các loại nông thủy sản đến từ các làng quê.
Mới 2 giờ sáng ngày 27 tháng Chạp mà toàn bộ khu vực trước cổng chợ Xuân Phong đông nghẹt người, hàng hóa để đầy trên vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Ai cũng nhanh thoăn thoắt, bốc hàng từ trên xe xuống vị trí để hàng của mình. Cứ hết xe này lại đến xe khác tấp vào cổng chợ mang theo những loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Khi hàng hóa đã được chuyển khỏi xe, mọi người lại xoay qua cân hàng, bỏ hàng ra khỏi những bao nilon, những sọt tre. Chị Trần Thị Oanh ở thôn Long Hòa (An Hòa) cho hay: “Hai vợ chồng tôi bỏ mối rau, ớt, bầu, bí, sả, hành, mướp,.. ở chợ này đã gần 10 năm nay rồi. Mưa, bão gì cũng phải đi. Mình bỏ hàng cho các mối nên không thể nghỉ buổi chợ nào, nhất là những ngày giáp tết khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao”. Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi có khách mua hàng. Cân hàng xong cho khách, đến khi tính tiền chị Oanh và khách cười dòn dã, chị bớt cho vài ngàn đồng để “lấy hên” buổi sáng. Chị cứ luôn tay luôn chân, vừa cân hàng, vừa tính tiền, vội vàng như sợ trời sẽ sáng.
|
Một góc chơ An Lão những ngày giáp Tết. |
Cũng như chợ Xuân Phong, chợ Thị trấn An Lão những ngày cuối năm, tiểu thương tranh thủ gom hàng lên xe để tỏa đi các nơi trong huyện, kịp phục vụ nhu cầu của người dân. Những ngày giáp tết, chợ Thị trấn An Lão không chỉ họp trong khuôn viên của chợ, mà còn tràn ra ngoài. Những mặt hàng mang đậm chất quê, như lá chuối, đậu xanh để gói bánh tét; các loại hoa, quả thờ cúng tổ tiên; gà, vịt, rau củ phục vụ bữa ăn gia đình trong những ngày tết được bày bán nhiều nhất và thu hút sự chú ý của người mua. Vợ chồng chị Tiết ở Hưng Nhơn Bắc (TT An Lão), bỏ mối rau thơm tại chợ Thị trấn cho biết, bắt đầu từ 3 giờ sáng, vợ chồng chị xếp hàng lên chiếc ba gác chở đến chợ bỏ sỉ cho các bạn hàng. Mỗi ngày, vợ chồng chị chở khoảng 3 tạ rau các loại được thu gom từ những hộ trồng rau ở An Tân, Thị trấn,.. để cung cấp cho bạn hàng, từ đó họ chuyển đến các chợ khác trong huyện An Lão để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Anh Sơn chồng chị Tiết tâm sự: “Một năm, vợ chồng tôi chỉ nghỉ ngày cuối cùng của năm, mùng 2 tết lại bắt đầu việc buôn bán. Dù vất vả hơn ngày thường một chút, nhưng việc buôn bán trong những ngày giáp tết rất vui, vì ngoài chuyện mua bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình, người mua và người bán còn hỏi thăm nhau về sức khỏe, kế hoạch vui xuân đón tết của mỗi gia đình”.
Dù ở làng quê nào trong tỉnh, nghèo hay giàu, dạo chợ quê những ngày giáp tết, điều tôi dễ nhận thấy là ai cũng tỏ ra hối hả. Người bán hối hả chào mời khách để bán được nhiều hàng và hết sớm, người mua thì vội vã mua được món hàng mình ưng ý để kịp về dọn dẹp nhà cửa, lo mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày tết. Ông Nguyễn Văn Sáu phụ vợ bán thịt heo ở chợ Thuận An (xã An Tân) vui vẻ tâm sự: “Dù phải thức dậy từ sớm để phụ vợ chạy chợ, nhưng không vì thế mà mệt, ngược lại tôi thấy rất vui vì hàng được bán nhiều, được giá. Thiên hạ ai cũng hối hả lo tết, mình cũng phải theo nhịp sống chung ấy chứ!”.
Phiên chợ của trẻ con
Nhiều người thường nói, chợ tết ở quê là chợ của trẻ con, bởi những ngày đó chợ có nhiều trẻ con. Thường trước tết một tuần, các trường cho học sinh nghỉ học, nên các em được cha mẹ đưa đến chợ mua sắm quần áo và đồ chơi. Khắp chợ đâu đâu cũng thấy trẻ con.
Chừng 10 giờ, cảnh mua bán các mặt hàng nông sản ở chợ Xuân Phong thưa dần, thay vào đó là cảnh trẻ con được ba mẹ dẫn đi sắm quần áo, mũ dép mới rụt rè trước tấp nập người chen và ồn ã sắc màu. Em Đinh Hương Giang ở thôn Tân Lập, xã An Tân phấn khởi nói: Ba mẹ lo chăm sóc mấy sào ruộng và đàn heo con mới sinh, nên mãi đến 27 tết mới đưa em đi mua quần áo, giày dép. Em chờ cả tuần nay rồi, đến chợ thấy hàng nào cũng muốn xem đủ thứ, mà thứ gì cũng thích”. Còn chị Bùi Thị Mỹ Diễm, mẹ của Giang tâm sự: “Chắt chiu một năm, tết đến cũng mua cho con một bộ quần áo mới, có cái bánh mứt mời khách đầu năm chứ. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả!”.
Đi chợ những ngày giáp tết, nhiều người xa quê hương như tìm lại được kỷ niệm xưa với biết bao nhiêu thứ để nhớ: Nhớ thuở nhỏ được bà cho đi chợ, mua cho chiếc bánh, cái kẹo thơm phưng phức; nhớ những lần theo mẹ đi chợ mải chạy theo người bán kẹo kéo rồi lạc đường về... Chợ tết ở quê còn có nét rất riêng, đó là mùi thơm của hoa quả ngày tết, mùi của hương trầm, mùi của lá dong, lá chuối. Ở quê, mọi người sống với nhau thân tình, biết đến nhau nhiều hơn từ những phiên chợ quê… Với mỗi người Việt Nam, có lẽ ký ức đẹp nhất về tết là những hình ảnh về chợ quê dịp tết.