Lật lại những trang sử của 2 xã, có những sự kiện đã được ghi vào lịch sử mà người dân 2 xã nói riêng và huyện nhà nói chung vẫn không thể nào quên. Đó chính là chiến thắng Đồi 10 năm 1965. Đồi 10 tục danh gọi là Gò Màng Thang, sau là cấm Hang Dơi thuộc thôn Gia Hiệu xã Hoài Châu nay là thôn Gia An xã Hoài Châu Bắc, ngọn đồi cao khoảng 36 m, rộng 7,2 km2, nằm gần kề quốc lộ 1A, cách chi khu quận lỵ Tam Quan 3km về phía Bắc, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Đồi 10 là điểm giao tranh ác liệt liên tục giữa ta và địch suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu là chiến thắng đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tết Tân Tỵ, bộ đội chủ lực Quân khu V đã phối hợp với bộ đội địa phương, từ 21h đêm đến 5h sáng ta đã tiêu diệt 2 đại đội bảo an, 3 trung đội dân vệ, toàn bộ ngụy quyền ác ôn 2 xã Hoài Sơn, Hoài Châu, tịch thu 2 súng đại bác 105 ly, 3 xe quân sự, nhiều vũ khí khác và làm chủ hoàn toàn cứ điểm này. Chiến thắng Đồi Mười như một mốc son chói lọi ghi lại chiến công anh dũng của quân và dân Hoài Nhơn.
|
Một góc xã Hoài Châu Bắc hôm nay. |
45 năm chiến tranh đã qua đi, những người con quê hương anh hùng đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Về Hoài Châu Bắc hôm nay, chúng ta sẽ nhận thấy được sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất một thời đạn bom này. Trong nhiệm kì qua, Đảng bộ Hoài Châu Bắc đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế phát triển khá, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm 75,6% (nghị quyết đề ra 70%); nông, lâm nghiệp hiện chỉ còn 24,4% (nghị quyết 30%); tổng sản phẩm địa phương đạt 522 tỷ đồng, tăng trên 80% so với năm 2015, bình quân thu nhập đầu người 47,5 triệu đồng/người/năm, tăng 21 triệu đồng so với năm 2015, đạt gần 119% so với chỉ tiêu NQ Đại hội, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,3% (giảm 11,1%). Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư; xây dựng nông thôn mới về đích sớm so với kế hoạch; các hoạt động giáo dục-đào tạo, văn hoá thể thao, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng-an ninh được củng cố, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đảng bộ xã Hoài Châu Bắc vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25, nhiệm kì 2020 – 2025, đây là Đảng bộ được tỉnh và huyện Hoài Nhơn chọn làm điểm. Đây chính là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ xã, là tiền đề và động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoài Châu Bắc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25, nhiệm kì 2020 – 2025. Ông Ngô Văn Thành – Bí thư Đảng ủy xã Hoài Châu Bắc nhấn mạnh.
Không riêng gì Hoài Châu Bắc mà Hoài Châu cũng gặt hái được những kết quả nổi bật. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 23%; giá trị sản xuất cuối năm 2019 đạt gần 123 tỷ đồng; giá trị công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ đạt 61%, vượt 6% so chỉ tiêu nghị quyết đại hội; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 39%. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 43,5 triệu đồng/người/năm, tăng 8,75% so nghị quyết đại hội. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 còn 3,05%, giảm gần 11% so với năm 2015. Ông Nguyễn Xuân Thành – Bí thư Đảng ủy xã Hoài Châu cho biết thêm: “Thực hiện chương trình xây dựng NTM, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, 5 năm qua nhân dân trong xã đã hiến trên 16. m2 đất, hàng trăm cây lâu năm, trên 4000m tường rào cổng ngõ, huy động gần 1000 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới, với tổng giá trị trên 2,5 tỷ đồng, nhờ đó bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, những con đường liên thôn, liên xã được trải thảm nhựa, bê tông phẵng phiu, rộng rãi, sạch đẹp; nhiều tuyến đường hoa, nhà cao tầng, ngói mới mọc lên san sát; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại hoạt động; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả”…
Ông Vũ Văn Sĩ, 79 tuổi ở thôn An Sơn bày tỏ cảm xúc trước sự đổi mới của quê hương: “Sinh ra và lớn lên ở vùng đất cát trắng này, sau nhiều năm tham gia cách mạng trở về, địa phương với nhiều cảnh điêu tàn đổ nát do chiến tranh, nhưng bản thân tôi không thể ngờ được hôm nay vùng đất này đã thực sự hồi sinh, nhất là từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, dân đồng tình cao, nhờ đó mà bộ mặt nông thôn thay đổi, đường lãng ngõ xóm nay không chỉ là bê tông hóa mà còn được nhựa hóa, rồi cây xanh được trồng dọc khắp các tuyến đường, rất đẹp và văn minh, tôi cảm thấy tự hào là người con của vùng đất thành đồng”.
Hoài Châu và Hoài Châu Bắc được xem là cái nôi cách mạng, là đất thành đồng, chính nơi đây đã có không biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc, do đó, trong những năm qua cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội thì chế độ chăm sóc, phụng dưỡng những người có công với cách mạng cũng được quan tâm hàng đầu. Hiện nay 2 xã có hơn 1.800 liệt sĩ, trên 1.400 thương bệnh binh, 316 mẹ VNAH và gần 3.400 người có công với cách mạng. Các chế độ, chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng luôn đầy đủ và kịp thời, nhân các ngày lễ, tết cán bộ xã đều tổ chức thăm tặng quà, động viên khuyến khích, giúp họ thêm tin yêu vào cuộc sống, thật sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Những chủ trương, nghị quyết của Đảng đã được cán bộ và nhân dân 2 xã cụ thể hóa thành các chương trình hành động và đã đi sâu vào cuộc sống một cách sinh động, phát huy sức sáng tạo và nguồn lực hành động của nhân dân đã làm nên những thành quả quan trọng trong thời kỳ đổi mới.
Mùa xuân là biểu tượng của đoàn viên, sum họp và hạnh phúc. Đón xuân mới với bao niềm vui mới, nhân dân Hoài Châu, Hoài Châu Bắc càng tự hào với những thành quả đạt được, đó là dấu ấn, là tiền đề quan trọng để 2 xã hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, xây dựng xã nhà ngày càng văn minh và giàu đẹp hơn.