|
Chủ tịch HND tỉnh Lê Thị Kim Mai
|
* Thưa Chủ tịch HND tỉnh, đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng môi trường nông thôn hiện nay?
- Có thể nhận thấy, môi trường nông thôn hiện nay đang chịu những tác động tiêu cực rất lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Một bộ phận nông dân vẫn còn có thói quen vứt rác thải, súc vật chết ra nơi công cộng, lạm dụng các hóa chất trong canh tác nông nghiệp. Mặt khác, ở nông thôn ngoài trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn nhiều ngành nghề công nghiệp như khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chế biến thủy sản chưa được xử lý chất thải, rác thải đúng quy định, tác động xấu đến môi trường, là nguyên nhân làm suy thoái đất, gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học cũng như môi trường sống của người dân. Một thực trạng nữa có thể dễ nhận thấy, tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp, nên việc sử dụng một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật là điều tất yếu. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh theo đúng quy định, chủ yếu là đổ chung vào một khu vực. Tại đó, chất thải rắn nguy hại của nông nghiệp như vỏ, bao thuốc bảo vệ thực vật được đổ lẫn chất thải thông thường nên việc ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề xả nước thải không qua xử lý trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính vì lẽ đó, Ban Thường vụ HND tỉnh xây dựng Đề án HND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020, "Xây dựng Chi hội Xanh - Sạch - Đẹp". Đề án được UBND tỉnh thống nhất về chủ trương và các sở ngành phối hợp triển khai thực hiện.
đã đồng ý việc thực hiện Đề án và đề nghị HND tỉnh phê duyệt Đề án và làm việc với Sở Tài chính và các sở, ngành để thống nhất kinh phí tổ chức triển khai thực hiện.
* Chủ tịch cho biết thêm về những kết quả đạt được của các cấp Hội trong việc bảo vệ môi trường nông thôn trong thời gian qua và sự cần thiết xây dựng Đề án này, thưa Chủ tịch?
- Những năm qua, phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân, HND đã phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong việc tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động kết hợp xây dựng các mô hình thiết thực, hiệu quả, phát động thi đua, khen thưởng kịp thời. Qua đó, nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, đa số nông dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong công tác tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
Kết quả, HND tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh, Trung tâm Môi trường nông thôn - HND Việt Nam, tổ chức hàng chục lớp tập huấn, truyền thông cho hàng ngàn cán bộ, hội viên trong tỉnh về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, nước sạch và vệ sinh môi trường…đồng thời vận động hàng chục ngàn lượt người tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở nông thôn. Đi đôi với công tác tuyên truyền vận động, HND tỉnh phát động mạnh mẽ phong trào nông dân bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các hoạt động môi trường, tập trung vận động các trang trại chăn nuôi, các khu chế biến cam kết quản lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, nhằm phát triển bền vững. Một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến, hiệu quả đó là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường với chủ đề “Nông dân với công tác bảo vệ môi trường” theo hình thức sân khấu hoá đã được HND tỉnh thường xuyên tổ chức…
Hằng năm, hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…, HND các cấp trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút hàng chục ngàn cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tham gia, với nhiều hình thức hoạt động phong phú đa dạng như: mittinh, trồng cây xanh, thu gom rác thải, tổ chức cho nông dân ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, nơi công cộng khơi thông dòng chảy cống rãnh, xử lý triệt để rác thải tồn đọng đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp... tạo ý thức cho cán bộ, hội viên nông dân về công tác bảo vệ tài nguyên - môi trường ở nông thôn.
Được sự hỗ trợ của Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh đã triển khai 2 dự án về xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn đó là dự án xây dựng hầm biogas ở Nhơn Hậu, An Nhơn; dự án xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại xã Ân Thạnh, Hoài Ân, cho gần 200 hộ nghèo, cận nghèo, với kinh phí đầu tư hỗ trợ gần 300 triệu đồng; phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh xây dựng 70 bể chứa rác thải nguy hại đồng ruộng tại 7 xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh về đích năm 2014 với kinh phí gần 100 triệu đồng, năm 2015 tiếp tục xây dựng 265 bể chứa rác thải bao bì thuốc BVTV tại 8/11 huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí 265 triệu đồng. Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở vận động xây dựng được 7.000 hố rác ngoài đồng ruộng, 3.500 hố rác tại gia đình.
Tuy nhiên, công tác tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới của các cấp HND trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những mặt tồn tại hạn chế. Trong khi đó, bảo vệ môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, là một trong những tiêu chí khó đạt, hiện tỉnh đang tập trung nguồn lực, vận động nhân dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng, phấn đấu thực hiện thành công tiêu chí môi trường nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Vì vậy, Ban Thường vụ HND tỉnh nhận thấy việc xây dựng Đề án này là hết sức cần thiết.
*Thưa Chủ tịch HND tỉnh, đồng chí cho biết thêm mục tiêu cụ thể của Đề án?
Có thể khẳng định, bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới. Với ý nghĩa đó, Ban Thường vụ HND tỉnh đã xây dựng mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2020, có 95% hộ dân trên địa bàn được tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu; 100% hộ dân trên địa bàn thu gom và xử lý rác thải đúng quy định; 90% gia trại chăn nuôi có công trình xử lý chất thải như hầm ủ phân, hầm biogas, đệm lót sinh học; 100% bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng được thu gom và xử lý đúng quy định; 100% cơ sở Hội, 50% chi Hội xây dựng mô hình “Xây dựng Chi hội Xanh-Sạch-Đẹp”, "Đẹp nhà, sạch đường, xanh đồng ruộng" và có 20% chi Hội được công nhận. Mỗi cơ sở Hội xây dựng một mô hình chi Hội sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Phạm vi thực hiện Đề án tại 15 thôn của 5 xã thuộc các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thị xã An Nhơn, với tổng kinh phí dự toán là 2,4 tỷ đồng. Để Đề án sớm đi vào thực tiễn, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tới Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố, các xã, các chi hội trong Đề án. Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2016.
Trước thềm Xuân mới Bính Thân- 2016, tôi xin gửi tới cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh lời chúc mừng năm mới, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
* Xin cảm ơn Chủ tịch HND tỉnh, chúc đồng chí năm mới hạnh phúc và thắng lợi!