Vụ đông xuân 2019-2020, nông dân huyện Phù Cát đã sản xuất gần 3.600 ha, giảm 139 ha so với vụ đông xuân năm ngoái (là do đầu vụ thường mưa, đất ướt, khó xuống giống). Trong đó, có trên 1.404 ha trồng đậu phụng xen mì, (tăng 257 ha so cùng vụ năm 2018-2019); tập trung ở các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Trinh, Cát Hanh…
Trong đó, xã Cát Hiệp có diện tích đậu phụng nhiều nhất, chiếm ¼ diện tích toàn huyện. Theo ông Đào Văn Chung, PCT UBND xã Cát Hiệp: “ Những năm gần đây, nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống điện, kênh tưới Văn Phong và chuyển giao KHKT đến người nông dân. Địa phương xác định đưa cây đậu phụng và cây mì vào sản xuất với quy mô lớn trên 800 ha. Thực tế qua sản xuất nhiều năm cho thấy, cây đậu phụng xen mì đạt hiệu quả kinh tế rất là cao, nông dân rất phấn khởi. Ngoài ra, còn góp phần cải tạo đất, chống sa mạc hóa, giảm chi phí đầu tư phân bón, ít dịch bệnh trên cây trồng và cung cấp thức ăn cho chăn nuôi gia súc. Từ khi có kênh Văn Phong đi qua địa bàn xã, thì diện tích đậu phụng xen mì được mở rộng, năng suất cũng tăng lên, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.
Theo tính toán của bà con nông dân trồng đậu phụng thì: Trồng đậu phụng xen mì trên chân đất cát ở địa phương là rất hiệu quả. Bởi vì, trên cùng thửa đất canh tác, bà con nông dân thu được lợi nhuận kép.Trung bình 1 sào đậu phụng trồng xen với mì cho năng suất đậu phụng khoảng 2 tạ; với giá bán hiện nay 23.000 đồng/kg; thì mỗi sào có nguồn thu trên 4,6 triệu đồng. Nông dân bán đậu trang trải chi phí đầu tư cho cây mì, cũng như có tiền trang trải hàng ngày chờ cây mì cho thu hoạch sau. Sau khi thu hoạch đậu phụng, một phần thân và lá dùng để che phủ gốc mì nhằm duy trì độ ẩm đất và tăng chất hữu cơ cho đất, một phần được sử dụng để ủ và chế biến thành thức ăn vỗ béo bò.
Chúng tôi có mặt tại ruộng đậu phụng của Ông Nguyễn Văn Tho ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp, đang thời điểm thu hoạch rộ; gia đình ông phải thuê mướn thêm 6 lao động mới đảm bảo tiến độ thu hoạch. Ông Tho vui mừng bày tỏ: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi trồng 1,5 ha đậu phụng, thu hơn 6 tấn với giá bán 23.000 đ/kg, tổng thu gần 140 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng.Trước đây trồng điều, mì, thu nhập rất thấp, cuộc sống gia đình khó khăn hơn 5 năm trở lại đây, nhờ trồng đậu phụng đã đem lại thu nhập cao, cuộc sống gia đình được nâng lên, bảo đảm lo cho con cái học hành và có tích lũy xây dựng nhà cửa khang trang”.
Việc trồng mì xen với đậu phụng cho thấy, cả 2 loại cây trồng này đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, ít cỏ dại hơn. Trồng xen 4 hàng đậu phụng giữa 2 hàng mì, với khoảng cách (20 x 15cm x 1 cây) cho mật độ 26,6 cây/m2. Được hưởng lợi thế khoảng không gian của cây mì thời kỳ đầu chưa khép tán, cây đậu có số hạt chắc/cây cao hơn so với trồng thuần, nên năng suất thực thu giảm không đáng kể (năng suất đạt 86% so với đậu trồng thuần). Trong khi đó sẽ thu được vụ mì có năng suất và hàm lượng tinh bột ở mức cao, do được trồng sớm, đủ thời gian tích lũy (mì được trồng từ 10-11 tháng nên năng suất cao và tinh bột đạt trên 26%). Chính vì thế thu nhập cao hơn so với luân canh đậu phụng (đông xuân)- mì (vụ hè) hoặc mì trồng thuần trên vùng đất cát nghèo dinh dưỡng.
Kết quả, cây đậu phụng năng suất đạt 40 tạ/ha, năng suất cây mì trên 28 tấn/ha. Như vậy với giá đậu (23.000đồng/kg) và mì (2.000 đồng/kg) như hiện nay, ước tính mỗi hecta trồng đậu phụng xen mì cho lãi ròng gần 80 triệu đồng; tỷ suất lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với mô hình trồng mì thuần. Như vậy, phương thức trồng đậu phụng xen mì không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế được tăng lên, mà còn góp phần cải tạo đất, giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Nét nổi bật trong sản xuất đậu phụng là: quy trình canh tác xen luân canh được triển khai ứng dụng rộng rãi như trồng đậu phụng xen mì, hoặc trồng đậu phụng luân canh dưa hấu, bắp lai, mè; chuyển đổi trên chân đất lúa, mì năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng đậu phụng và có thể sản xuất đậu phụng 3 vụ/năm. Ngành nông nghiệp đã sự tập huấn, thường xuyên cập nhật những tiến bộ kĩ thuật mới, cho người nông dân nắm bắt ứng dụng vào sản xuất, lựa chọn những loại giống mới thích nghi với đất đai, thời tiết, mức độ thâm canh của nông dân để đưa vào sản xuất trên diện rộng như: L14, L23, HL 25, LDH 01. Đặc biệt các xã Cát Tài, Cát Hải đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai thực hiện cánh đồng trồng đậu phụng, liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với bao tiêu sản phẩm. Cộng với giá tiêu thụ những năm gần đây tương đối ổn định từ 22.000 - 24.000 đồng/ kg, nên đã tạo nguồn thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao mức sống của nông dân. Đặc biệt là từ khi có hệ thống kênh tưới Văn Phong (năm 2016), thì diện tích sản xuất đậu phụng ở Phù Cát tăng lên từ 3.200 ha lên 3.600ha., không chỉ tận dụng khai thác tiềm năng đất đai, lao động đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn chủ động được nguồn giống tại chỗ đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Lê-Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho biết định hướng mở rộng diện tích cây đậu phụng như sau: “ Trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, Phù Cát đã xác định cây đậu phụng là loại cây trồng chủ lực, huyện có kế hoạch vận động nông dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả như cây lúa, cây điều và một số cây trồng tiêu thụ bấp bênh như dưa hấu, ớt, chuyển sang trồng đậu phụng xen mì. Đồng thời khai thác có hiệu quả hệ thống thủy lợi hiện có, phấn đấu đưa diện tích đậu phụng năm 2020 và những năm tiếp theo lên từ 4.000- 4.400 ha; góp phần nâng cao cuộc sống cho nông dân”.
Có thể khẳng định, cây đậu phụng xen mì ở huyện Phù Cát đã giành thắng lợi lớn cả về diện tích, năng suất, và giá cả tiêu thụ. Kết quả này góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.