Một thời hào hùng
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân xã Phước Hưng vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp với các lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh và quân khu tổ chức 1.382 trận đánh lớn, nhỏ gây cho địch nhiều tổn thất, loại khỏi vòng chiến đấu 2.424 tên địch, phá hủy và thu được 2.246 súng các loại, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 2 xe tăng và 12 xe quân sự… Bị thua đau ngày 23.3.1966, tại Am Sát Luyến thôn Nho Lâm, lính Nam Triều Tiên đã thảm sát 144 đồng bào vô tội. Biến căm thù thành sức mạnh quân và dân Phước Hưng đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy hàng trăm trận càn quét của địch giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày toàn thắng. Ngày 5.8.2003 Phước Hưng xã đầu tiên của huyện Tuy Phước được Chủ tịch Nước Phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tổng kết 2 cuộc kháng chiến, toàn xã có 785 thanh niên tòng quân nhập ngũ, hơn 1.000 lượt người tham gia dân công tiếp lương tải đạn, đóng góp 6.300 tấn lương thực, thực phẩm, 800 chỉ vàng, trên 3 tấn hàng nhu yếu phẩm và thuốc men, đào hơn 100 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, nhận nuôi 76 thương binh nặng, cắm gần 1 triệu cây chông và xây dựng 5.000 m rào bố phòng phục vụ chiến trường; xã có 78 thương binh, 7 bệnh binh, 225 liệt sỹ, 23 Mẹ Việt Nam anh hùng; xã được Nhà nước tặng thưởng 8 Huân chương độc lập chống Mỹ, 43 Huân chương chiến công hạng nhất, 38 Huân chương chiến công hạng nhì, 146 Huân chương chiến công hạng 3, 90 Huy chương kháng chiến các loại và nhiều phần thưởng cao quí khác.
Diện mạo đổi thay
Chiến tranh kết thúc, để lại nhiều hậu quả nặng nề. kinh tế nghèo nàn, sản xuất lạc hậu, đời sống của hộ dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là từ khi Phát động phong trào Chung sức xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đã từng bước làm thay đổi bộ mặt của địa phương. Ông Lê Văn Hào (83 tuổi) cán bộ cách mạng lão thành, giữ chức Chủ tịch xã Phước Hưng thời gian đầu (1975-1976) sau ngày quê hương giải phóng, cảm nhận: Trong chiến tranh chống Mỹ nhà cữa bị bom đạn tàn phá hết, ruộng đồng hoang hóa, lỗ chỗ hố bom, hố pháo, cỏ mọc lút đầu người, đường xá không có gì cứ băng ruộng mà đi. Sau ngày giải phóng mới làm lại đường đất từ đầu xã đến cuối xã, nhưng mỗi lần trời mưa xuống bà con đi khổ lắm. So sánh lúc đó với hôm nay đổi thay cũng hơn 100 lần, giờ toàn đường nhựa, đường bê tông xi măng, nhà cửa huy hoàng, khang trang.
|
Nông dân Phước Hưng sử dụng cơ giói vào thu hoạch lúa.
|
Còn ông Hồ Ngọc Thái (thương binh hạng ¼) vui mừng, bộc bạch: “Sau khi thống nhất đất nước bà con chúng tui tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng thời ra sức chung tay đồng lòng xây dựng quê hương. Nhìn lại quá khứ thì hôm nay Phước Hưng đã đổi thay rõ nét, như điện, đường, trường , trạm, chợ được đầy đủ và rất khang trang. Trục đường chính được trải nhựa rộng rãi, bê tông hóa giao thông nông thôn kể cả kênh mương nội đồng được phủ kín, việc áp dụng KHKT chuyển tải đến tay người dân. Đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở nhiều Công ty, Xí nghiệp tạo công ăn việc làm. Hiện nay đời sống phát triển rõ nét không còn ảnh ăn no, mặc ấm mà chuyển ăn sang, mặc đẹp”.
Có thể nói, là xã thuần nông nhưng biết tận dụng lợi thế thuận lợi về giao thông nằm dọc theo tỉnh lộ 636 đến giáp phường Bình Định (TX An Nhơn) xã đã tập trung dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ (TTCN-TM – DV). Chỉ tính riêng năm 2009 nông nghiệp giảm xuống còn 48% và TTCN-TM-DV đã tăng lên 52% và sau 10 năm đến năm 2019 nông nghiệp tiếp tục giảm xuống còn 28,3%, TTCN-TM-DV tăng lên 71,7%. Kinh tế tăng trưởng 14%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người 9,3 triệu đồng năm 2009, đến năm 2019 tăng lên 48,3 triệu đồng (tăng 5,19 lần), hộ nghèo giảm xuống còn 2,04%. Địa phương cũng huy động nguồn lực XDNTM trên 101 triệu đồng, trong đó riêng nhân dân đóng góp gần 10 tỉ đồng, 13.902 m2 đất ở, đất ruộng để xây dựng giao thông và kênh mương. Nhờ vậy đến nay có gần 51,5 km đường nhựa và bê tông xi măng, 15,2 km đường nội đồng được cứng hóa, đạt 100% và có 93,5% tổng chiều dài kênh mương nội đồng được đúc bê tông, 100% thôn có nhà văn hóa và sân thể thao, có 97% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 100% thôn văn hóa và xã đạt xã văn hóa 4 năm liền (2016-2019)…
Ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, thông tin: Chủ tịch UBND xã Phước Hưng): Phước Hưng bức phá mạnh mẽ là từ khi bắt tay XDNTM vào năm 2011 đến năm 2015 về đích. Có thể khẳng định qua mỗi chặng đường đều đạt được những thành quả đáng phấn khởi. Trong kháng chiến, người dân Phước Hưng anh dũng trong chiến đấu, còn trong công cuộc XDNTM thì Đảng bộ và nhân dân trong xã cũng đã phát huy được truyền thống của một xã anh hùng để ra sức thực hiện các tiêu chí. Chính từ sự quyết tâm này mà chỉ trong một thời gian ngắn bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân nơi đây đã có sự thay đổi rõ nét. Đường sá khang trang sạch đẹp, đời sống người dân được cải thiện từng ngày; trật tự an toàn xã hội được kiềm chế và giữ vững. với thành tích trên xã đang đề nghị Chủ tịch nước Phong tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” giai đoạn 2009-2019 và Phước Hưng cũng đang đẩy mạnh XDNTM nâng cao phấn đấu về đích cuối năm nay và XDNTM kiểu mẫu về đích năm 2025”.