Tại cánh đồng xã Hoài Mỹ, là một trong những vựa lúa của huyện, tình trạng xâm ngập mặn và thiếu nước tưới đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa của nông dân. Vụ này, nông dân toàn xã gieo sạ 630ha, bỏ không 120ha. Tuy nhiên, đối với các thôn cuối nguồn như Khánh Trạch, Xuân Khánh, Công Lương, Mỹ Khánh,… nông dân phải đặt máy bơm nước để hút từ các tuyến mương tiêu để tưới cho cây lúa.
Tranh thủ nạo vét để dẫn những vũng nước còn lại trên tuyến mương để đặt máy bơm tưới ông Huỳnh Xuân Thành ở thôn Khánh Trạch, xã Hoài Mỹ rầu rĩ cho biết: “Hơn 4 sào ruộng của gia đình đều thiếu nước, từ ngày gieo sạ đến nay hơn 10 ngày nhưng hợp tác xã chỉ điều tiết tưới được một lứa nước, bây giờ thấy ruộng khô nứt nẻ quá bà con đi vét mương nhánh, đặt máy bơm để tưới cứu lúa”.
Bên cạnh ông Thành các hộ dân cũng đem máy bơm đặt để bơm tưới, nhưng nỗi lo của bà con nông dân chưa dừng lại ở đó, các nhánh mương ở các thôn cuối xã hiện đều đã cạn, việc duy trì việc dùng máy tưới chỉ là giải pháp tạm thời. Bà Huỳnh Thị Hương ở thôn Xuân Khánh chua chát cho biết: “Việc mua sắm máy bơm như vầy cũng mất trên 2 triệu đồng, chưa kể ruộng ở xa mương thì phải đầu tư đường dây cho dài mới kéo tới ruộng được. Bây giờ, lỡ gieo sạ rồi mà bỏ lúa chết khô cũng không nỡ, thôi thì chấp nhận lỗ, chỉ hi vọng có nước để bơm tưới cho lúa đến cuối vụ”.
Không riêng gì xã Hoài Mỹ, các địa phương khác trong huyện tình trạng thiếu nước tưới cũng diễn ra. Một số xã chấp nhận bỏ không một phần hoặc toàn bộ diện tích trong vụ Hè Thu năm 2020 như: Hoài Đức bỏ không trên 500ha, Hoài Hương 140ha, Hoài Sơn 100ha, Tam Quan Bắc 45ha,… Ông Lê Văn Lanh, nông dân ở thôn Phú An, xã Hoài Hương cho biết: “Từ đầu vụ sản xuất, nhận thấy nguy cơ thiếu nước trong vụ sản xuất nên Hợp tác xã đã vận động nhân dân không gieo sạ và được nhân dân đồng thuận. Đến nay toàn bộ diện tích sản xuất lúa trên địa bàn xã đều bỏ không, nông dân như tui cũng buồn lắm nhưng nếu gieo sạ không đủ nước tưới thì thiệt hại còn nặng hơn”.
|
Nông dân Huỳnh Xuân Thành đặt máy bơm nước cứu lúa.
|
Nắng hạn gay gắt kéo dài đã làm cho mực nước các hồ chứa trên địa bàn huyện chỉ còn dưới 35% dung tích thiết kế. Trong đó có 8/18 hồ đã xuống đến mực nước chết. Không những lo điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Hoài Nhơn đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương, đơn vị cấp nước phải ưu tiên đảm bảo nước sinh hoạt cho con người và vật nuôi.
Theo số liệu thống kê của Phòng kinh tế huyện Hoài Nhơn, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, các hồ chứa cạn sẽ kéo theo các giếng nước dân sinh sẽ cạn. Dự tính sẽ có gần 4.300 hộ dân với trên 16.500 nhân khẩu sẽ bị thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình trên, UBND huyện Hoài Nhơn đã yêu cầu, các xã, thị trấn phải bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân. Riêng đối với UBND xã Hoài Phú duy trì và giữ lại nguồn nước trong hồ Mỹ Bình tối thiểu 200.000m3 để cấp nước sạch cho nhân dân xã Tam Quan Bắc.
Các nhà máy cấp nước sinh hoạt như: Xí nghiệp cấp nước số 2, Nhà máy cấp nước Đông Nam, Công ty TNHH Cấp thoát nước Miền Trung phải bảo trì các công trình cấp nước, bổ sung nguồn nước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân dân trong mùa khô, không để hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Riêng đối với các địa phương chưa có nguồn nước sinh hoạt từ các nhà máy cung cấp nước, việc thiếu nước diễn ra sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân địa phương. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị các ngành cấp trên xem xét, đầu tư các công trình để đưa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến với người dân. Ông Trần Văn Thắm – Phó chủ tịch UBND xã Hoài Đức nói: “Hiện nay hơn trên địa bàn xã có hơn 4.000 hộ dân với gần 16.300 nhân khẩu nhưng chưa có công trình cấp nước hợp vệ sinh nào được đầu tư hay đưa về. Nhân dân địa phương rất mong muốn có nguồn nước sạch, hợp vệ sinh để sử dụng đặc biệt là trong đợt cao điểm nắng hạn hiện nay nguy cơ sẽ có 640 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu bị thiếu nước”.
Cùng với việc đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và người dân, UBND huyện Hoài Nhơn cũng chỉ đạo các địa phương đối với việc nuôi trồng thủy sản vận động nhân dân hạn chế sản xuất đối tượng có giá trị thấp; tuân thủ lịch thời vụ nuôi tôm, giảm mật độ nuôi, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong nuôi thả. Đối với chăn nuôi, chủ động trữ nước cho các đàn trâu bò ở vùng gò đồi, vùng thường xuyên thiếu nước hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra.
Trong điều kiện nắng hạn như hiện nay, nếu không có mưa bổ sung thì việc thiếu nước tưới, nước sinh hoạt sẽ diễn ra rất gay gắt. Do đó, UBND huyện lưu ý các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong điều kiện nắng hạn, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) để đáp ứng nhu cầu nước tốt nhất cho cây trồng. Ông Nguyễn Chí Công – Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết: “Nhận định năm nay thời tiết sẽ nắng hạn rất khốc liệt, nên từ đầu vụ UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện khoanh vùng các diện tích bị thiếu nước tưới để chuyển đổi sang cây trồng cạn hoặc bỏ không không sản xuất. Thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND huyện, các địa phương cơ bản đã thực hiện tốt, toàn huyện đến nay đã gieo trồng gần 3.200ha lúa, bỏ không không sản xuất 2.000ha và chuyển đổi sang cây trồng cạn gần 400ha. Tuy nhiên, việc nắng hạn như hiện nay, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tiết kiệm nước, thực hiện tưới luân phiên, phân phối nước hợp lý vào nội đồng: duy trì 12 lần cấp nước/vụ tương đương 8 ngày cấp 1 lần, mỗi lần cấp mức nước tại mặt ruộng từ 4-6cm. Về nguồn nước sinh hoạt, chỉ đạo các địa phương tiến hành nâng cấp, vận hành các công trình chống hạn đã đầu tư những năm trước về lâu dài hiện nay các ngành chức năng của tỉnh và huyện Hoài Nhơn đang tiến hành các thủ tục để sớm kêu gọi đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho xã Hoài Đức cũng như các xã phía Bắc của huyện như: Hoài Châu, Hoài Châu Bắc và Hoài Sơn”.