Trước đây, gia đình anh Hay cũng như một số gia đình nông dân khác trong vùng, cuộc sống chủ yếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng, thu nhập thấp nên gia đình gặp nhiều khó khăn, cộng với việc phải nuôi người vợ bệnh tật và 4 đứa con nên kinh tế gia đình anh rất khó khăn. Được sự quan tâm của Nhà Nước, anh Hay đã xin nhận trồng rừng và được UBND thị xã cấp trên 35 ha đất lâm nghiệp ở thôn Thọ Lộc 2 để trồng và phát triển rừng theo các dự án. Số diện tích đất lâm nghiệp được cấp hầu hết đã được anh hay trồng keo lai. Tuy nhiên, số diện tích keo lai trồng gần khu dân cư đã không mang lại hiệu quả cao, thời gian thu hoạch sản phẩm từ trồng rừng khá dài từ 5 đến 10 năm nên có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống gia đình chỉ có duy nhất một lao động chính như anh.
Đứng trước hoàn cảnh đó, với lòng khát khao muốn thay đổi hoàn cảnh sống đã giúp anh đổi mới tư duy và nảy ra suy nghĩ, muốn phát triển kinh tế bền vững, phải nắm bắt được thị trường, sản xuất ra những sản phẩm mà thị trường trên địa bàn chưa hoặc ít có. Từ đó, anh quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, tìm ra cây giống phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hay đã vào vùng La Vung, tỉnh Đồng Tháp để tham quan học hỏi mô hình trồng Quýt đường tại vùng này. Tại đây, anh Hay được bạn hướng dẫn theo cách “Cầm tay chỉ việc” tất cả các kỹ thuật từ làm đất, chọn giống đến kỹ thuật trồng và chăm sóc Quýt đường ngay tại vườn nhà.
Đầu năm 2015, ông Hay đã gom tất cả số vốn gần 350 triệu đồng từ thu hoạch keo lai để mua cây giống Quýt đường từ vùng La Vung – Đồng Tháp về trồng trên diện tích 5 ha đất lâm nghiệp không hiệu quả gần khu dân cư. Nhờ sự chăm sóc cần mẫn, 18 tháng sau, vườn Quýt nhà anh đã cho thu hoạch trái bói. Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài, năm nào anh cũng xuống giống Quýt đường thêm nên đến nay vườn Quýt anh Hay đã mở rộng lên 15 ha. Quýt đường thu hoạch đến đâu đều được các chị bán trái cây trong xã và các thương lái ở các chợ trên địa bàn thị xã thu mua đến đấy.
Từ năm 2017 đến năm 2019, anh hay đã thu hoạch và bán được gần 38 tấn Quýt đường, thu nhập trên 300 triệu đồng. Nhờ xuống giống xen kẽ nên năm nào số diện tích Quýt cho thu hoạch ngày càng tăng lên. Hiện tại, 9/15 ha trồng Quýt đường của anh Hay đang cho thu hoạch. 4 tháng đầu năm 2020, anh Hay đã thu hoạch được trên 7 tấn Quýt, với giá thị trường hiện nay trung bình 15 ngàn một kg, anh Hay đã có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Mùa thu hoạch Quýt rộ vào khoảng tháng 8 tháng 9 và tháng 10 hàng năm.
Nhờ dám nghĩ, dám làm và cần cù, anh nông dân 4 Hay đã tạo ra sản phẩm Quýt đường ngay trên chính quê hương của mình. Mô hình quýt đường đã mang về cho anh gần nửa tỷ đồng mỗi năm. Từ một hộ kinh tế khó khăn, gia đình anh giờ đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang, 4 đứa con của anh được ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định và 2 đứa lớn đã lập gia đình. Anh đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với thu nhập từ 5 đến 6 triệu/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho gần 40 lao động địa phương khi vào vụ làm đất, xuống giống cây Quýt, mùa thu hoạch rộ Quýt đường...
Không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu cho bản thân, anh Hay còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, luôn đi đầu trong việc hưởng ứng đóng góp các quỹ: “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học”, “Vì nông dân nghèo”... đặc biệt, ông đã cùng với các hội đoàn thể vận động hội viên nông dân trong thôn mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa cây giống mới có năng suất cao vào sản xuất, chia sẻ nghiệm trồng trọt được tích lũy của bản thân cho mọi người có nhu cầu phát triển trồng trọt. Với bà con chòm xóm thân thuộc, khi có nhu cầu về phát triển trồng trọt, anh Hay đều giúp đỡ cây giống bằng hình thức bán nợ đến khi thu hoạch mới trả tiền, và anh chuyển giao kỹ thuật bằng cách cầm tay chỉ việc trong điều kiện thực tế trồng trọt nên luôn được mọi người yêu mến.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Hay cho biết sẽ tiếp tục mở rộng cây Quýt đường trên đất lâm nghiệp nhằm tăng hiệu quả thu nhập trên cùng diện tích. Hiện anh đang liên hệ tìm kiếm nguồn tiêu thụ Quýt đường ở các siêu thị và các thương lái ngoài tỉnh, vì khi diện tích trồng Quýt mở rộng thì số lượng Quýt thu hoạch nhiều, các tiểu thương các chợ trên địa bàn thị xã sẽ không tiêu thu hết.
Hy vọng với những dự định trong tương lai, Quýt đường được trồng trên đất Nhơn Thọ sẽ đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và có mặt hầu hết ở các chợ và siêu thị trên địa bàn tỉnh.