An Lão được mùa ong rừng
Theo giải thích của những người lớn tuổi thì ong rừng ở An Lão có nhiều loại. Trong đó, loại ong ruồi làm tổ trên cành cây nhỏ trong rừng cho mật tốt nhất với giá dao động từ 700.000 -1.000.000 đồng/lít; kế đến là loại ong bọng làm tổ trong bọng cây, ụ mối, khe đá, chất lượng mật chỉ xếp sau ong ruồi; sau cùng là loại ong thế làm tổ trên cây cao trong rừng sâu, hình thể tổ lớn, có khi to bằng nửa chiếc chiếu, mật nhiều, có vị hơi chua, không bằng mật các loại ong nêu trên.
|
Săn mật ong rừng ở An Lão. |
Khác với nhiều năm trước, 3 năm gần đây, trên địa bàn các xã An Toàn, An Vinh, An Dũng của huyện An Lão, ong rừng xuất hiện nhiều, mỗi mùa kéo dài từ tháng 3 cho đến hết tháng 6 âm lịch. Những người có kinh nghiệm cho rằng, sở dĩ năm nay ong rừng nhiều về số lượng, cho mật hơn mọi năm là vì năm rồi vùng này không có bão lớn; người dân đã trồng lại diện tích rừng keo, bạch đàn rộng nên ong có chỗ làm tổ. Và cuối cùng là thời tiết thuận lợi, cây rừng ra hoa nhiều và thường xuyên nên ong cho nhiều mật.
Anh Đinh Văn Lâm, ở thôn 5, xã An Trung, một thợ lấy mật ong chuyên nghiệp, cho biết: “Mấy năm trước đến mùa, mỗi người cũng chỉ lấy được vài tổ, đủ mật để dùng, nếu có dư thì cũng chỉ bán một, hai lít. Không ngờ vài năm trở lại đây, ong xuất hiện nhiều như vậy”. Chỉ riêng ở xã An Trung có mấy chục người lập thành từng nhóm riêng, mang nước dỡ cơm đi vào những khu rừng xa tìm ong. Anh Lâm giải thích thêm: “Lịch đi lấy ong tính theo ngày. Nếu như sáng sớm đi thì thường cuối giờ chiều, thợ ong trở về nhà mang theo nhiều mật, tổ ong”. Nhóm anh Lâm có bốn người chung xóm lập nhóm đi cùng. Mờ sáng, những nhóm thợ săn mật ong rời nhà mang cơm nước vào rừng tìm ong. “Chúng tôi đi bằng xe máy, khi vào đến rừng, mỗi thành viên trong nhóm bắt lối cắt rừng mà đi”. Nếu gặp ong bọng, ong lỗ, ong thế thì các anh vắt tàng ong, lấy mật đựng vào can, chai đã chuẩn bị; gặp loại ong ruồi thì phải tự giữ làm sao khi đem về nhà tổ ong còn nguyên hình nguyên vẹn mới dễ bán. Mỗi tổ ong tùy theo kích cỡ mà giá cũng dao động khác nhau. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các thợ săn ong mật, nhìn tổ ong ruồi có thể đoán được tổ đó có bao nhiêu mật mà quy ra thành tiền tương đương giá với một lít mật hiện hành.
Từ khoảng 15 giờ chiều, nếu đi dọc các tuyến đường nối xã An Vinh đến An Trung, An Toàn đến An Quang, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều nhóm thợ lấy mật ong tập kết bán mật ong lít, nguyên tổ tại các ngã ba ngã tư đông dân cư và dọc đường.
Nỗi lo những đàn ong vỡ tổ
Theo những người lớn tuổi ở các xã miền núi, cách đây hơn 10 năm, khi đó những cánh rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn thì vào mùa xuân, những đàn ong cho mật rất nhiều. Ngày đó, những người sống ở vùng cao không khó khăn tìm lấy vài lít mật ong về dùng. Tuy nhiên sau đó, “cơn bão” phá rừng xảy ra với tốc độ nhanh nên những đàn ong cũng bỏ xứ đi biệt. Đã có nhiều năm liền, người dân miền núi muốn lên rừng tìm một lít mật ong về dùng cũng thấy quá khó khăn. Rồi cách đây chừng vài năm, đất rừng phá năm xưa giờ cũng bạc màu, người dân đổ xô trồng lại rừng keo lai. Từ đó, đồi núi có màu xanh, độ ẩm cao, hoa nở nhiều nên những đàn ong dần dần trở lại làm tổ.
Hệ sinh thái rừng trồng phát triển, ong trở lại, cho mật nhiều là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, đằng sau những mùa mật ngọt như vậy cũng có nhiều điều đáng lo ngại. Anh Đinh Văn Huy, một thợ lấy mật ong ở xã An Vinh chia sẻ, có ba điều khiến anh lo những đàn ong sẽ không còn nữa. Thứ nhất là tình trạng phá rừng ở các vùng cao vẫn còn tái diễn nên những cánh rừng nguyên sinh còn lại cũng không thể là nơi cứu cánh an toàn cho những đàn ong làm tổ, sinh sản. Thứ hai, những người săn mật ong ngày nay, vì chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không có cái nhìn sâu nên họ dễ dàng ra tay “sát hại” những đàn ong không thương tiếc với mục đích cuối cùng là có được những chai mật trong tay. Lý do này bắt nguồn từ sự tự bảo vệ của loài ong khi con người đến phá tổ ong lấy mật. Lúc này, những đàn ong biết bảo vệ tổ và đốt các thợ ong. Họ dùng khói trấn áp, sẵn sàng un lửa tận diệt, đốt chết cả đàn ong. Nếu tình trạng này tái diễn liên tục thì những đàn ong sẽ không còn. Thứ ba, trên thị trường hiện nay, ngoài nhu cầu mua mật nguyên chất, còn có kiểu chơi lạ đời là mua nguyên tổ ong cả tàng mật sáp và nguyên ong còn sống về ngâm rượu. Mua kiểu này, giá tiền cao nên những thợ ong dù khó khăn cỡ nào cũng tìm mọi cách chiều lòng khách. Không biết những hũ rượu ngâm nguyên cả tổ ong kia bổ dưỡng như thế nào chứ trước mắt là sự phản cảm và mai một của những đàn ong rừng là điều không tránh khỏi.
Và ngoài những điều lo ngại trên, còn có vô số nguy cơ làm cho những đàn ong rừng vỡ tổ. Điều này cũng đặt ra một bài toán khó với cơ quan chức năng là cấm không được, mà “thả” thì lo. Vì vậy, biện pháp trước mắt là có cách vận động tuyên truyền làm sao để người dân tự ý thức bảo vệ nguồn sống lâu dài của chính mình và những đàn ong tự nhiên ngày một tốt hơn.