Tây Sơn: Nông dân ứng dụng nhanh công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất nông nghiệp
Công nghệ tưới nhỏ giọt được nông dân huyện biết đến từ những mô hình trồng dưa hấu tự phát và một số mô hình trồng cây ăn quả do trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai trên địa bàn huyện. Với nhiều ưu điểm vượt trội như tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất,... nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Mô hình tưới tiết kiệm trên đã được nông dân linh hoạt ứng dụng cho từng loại cây trồng và nhân rộng trong thời gian ngắn.
Anh Võ Ngọc Thìn ở thôn Thủ Thiện Hạ xã Bình Nghi, người ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để trồng 40 sào dưa trong nhiều năm qua chia sẻ: “Nếu như trước kia để thực hiện khâu tưới nước, bón phân cho 10 đến 15 sào dưa. Tôi phải thuê hẳn một công lao động nam chính để thực hiện công đoạn này. Nhưng từ khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Chỉ cần 1 người ngồi trong láng trại cũng có thể điều chỉnh để tưới cả mấy ha dưa. Qua hơn 3 năm áp dụng, mô hình tưới nhỏ giọt thật sự rất hiệu quả như: Tiết kiệm được 70% khối lượng nước so với cách tưới truyền thống; giảm được 90% sức lao động; tiết kiệm 50% nhiên liệu, giảm 1/3 lượng phân bón; chi phí rẻ hơn rất nhiều nếu tính về mặt lâu dài. Không những giảm công lao động, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ mà còn giảm thiểu được lượng nước thất thoát, ít cỏ, giúp đất tơi xốp và giảm đáng kể chi phí sản xuất”.
Hệ thống tưới nhỏ giọt có 3 bộ phận: Máy bơm, hệ thống ống chính và hệ thống ống nhánh rẽ nhỏ giọt cắm trực tiếp vào giá thể. Để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho một ha dưa chi phí từ 15- 20 triệu đồng, tùy hệ thống và công lắp đặt. Tưới nhỏ giọt có nhiều cách thức áp dụng như: Tưới quấn quanh gốc đối với cây ăn quả, tưới trên giá thể cho hoa và dưa, tưới nhỏ giọt trên mặt luống cho rau, củ…
|
Ông Đặng Văn Mười đang kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây ớt. |
Anh Đặng Văn Mười ỏ xã Bình Hòa một người chuyên trồng ớt cho biết: “Học hỏi công nghệ tưới nhỏ giọt từ những người trồng dưa. Tôi mạnh dạn đầu tư 12 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 10 sào ớt của gia đình. Nếu như khi chưa có hệ thống này, mỗi khi tưới nước cho ớt gia đình tôi phải mất 3 người vì diện tích ớt không liên vùng. Giờ chỉ cần mình tôi có thể điều chỉnh tưới cho toàn bộ diện tích ớt cùng một lúc. Không chỉ tiết kiệm nhân công, tiết kiệm nước, hệ thống tưới nhỏ giọt không tạo thành dòng chảy nên tránh trường hợp xói mòn đất, giảm đáng kể bệnh thối rễ ở cây, hạn chế lây lan dịch bệnh, giúp cây không bị cháy lá, phát triển đều trong thời tiết khắc nghiệt và thiếu nước. Ngoài ra, công nghệ này còn cho phép người nông dân có thể kết hợp với bón phân qua hệ thống, giúp kiểm soát lượng phân bón thích hợp theo đúng tỉ lệ, giúp cây sinh trưởng nhanh, tăng năng suất cây trồng. Do đó năng suất ớt đạt rất khá. Tôi nghĩ thời gian tới công nghệ này sẽ được người dân áp dụng rộng trên cây ớt”.
Trước đây, người nông dân thường sử dụng cách tưới tràn, tức dùng máy bơm có ống dẫn tưới hoặc tưới thủ công, tưới trực tiếp trên bề mặt. Với cách làm này không chỉ gây lãng phí nước, còn tốn nhiều công lao động nhưng hiệu quả kinh tế đạt thấp. Thì hiện nay công nghệ tưới nhỏ giọt là tưới vừa đúng với nhu cầu nước của cây trồng, không có lượng nước thừa cũng như tổn thất trong quá trình tưới. Phương pháp tưới này cũng cho phép thực hiện ở rất nhiều địa hình, phù hợp với mọi loại cây.
Có thể khẳng định ứng dụng công nghệ cao là chủ trương, hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt được coi là giải pháp hữu hiệu trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt việc mở rộng diện tích tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, một số nông dân chưa mạnh dạn đầu từ vì e ngại về nguồn vốn ban đầu. Do đó để nông dân thấy rõ hơn hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ. Nhân rộng hơn nữa mô hình này trong sản xuất. Thời gian tới, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tranh thủ kinh phí để xây dựng nhiều hơn các mô hình ứng dụng công nghệ cao cho nông dân tiếp cận để nhân nhanh trên địa bàn huyện. Trọng tâm là tập trung tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp, trong đó có công nghệ tưới nhỏ giọt, để bà con thấy được lợi ích hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất. Nhất là tại những vùng khó khăn về nước để đánh giá và nhân ra diện rộng. Ông Trịnh Văn Thừa- Phó giám đốc phụ trách Trung dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn nhấn mạnh.