Đồng thời Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch củng cố các chi hội yếu, nâng cao chất lượng sinh hoạt của hôi viên thu hút hội viên tham gia sinh hoạt đầy đủ. Định kỳ hằng quý, phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện phụ trách từng địa bàn xuống cơ sở tham dự sinh hoạt tại các chi hội để nắm tình hình, hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời những nhiệm vụ trọng tâm của Hội cấp trên; Thường xuyên kiện toàn, củng cố chi hội trưởng, chi hội phó kịp thời, lựa chọn những người có tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm và đáp ứng được yêu cầu của công tác Hội. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Hội luôn được quan tâm đúng mức.
Đến nay, có 9/9 Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó có 7/9 đồng chí có trình độ đại học, 9/9 đồng chí có trình độ Trung cấp lý luận chính trị; 100% Phó Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn có trình độ chuyên môn trung cấp và trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên. Trong 5 năm qua, đã cử 03 đồng chí tham dự lớp tập huấn cán bộ cơ sở Hội do Trung ương Hội tổ chức; cử 10 lượt cán bộ huyện Hội và 36 lượt cán bộ là Thường trực Hội Nông dân các xã, thị trấn tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội và tập huấn tuyên truyền viên do tỉnh Hội tổ chức. Phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện tổ chức 05 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác Hội cấp huyện cho 400 lượt cán bộ từ Hội cơ sở đến các Chi hội.
|
Mô hình nuôi cá trong lồng bè hồ Định Bình giúp nông dân xã Vĩnh Hảo tăng thu nhập, cải thiện đời sống. |
Song song với công tác xây dựng củng cố tổ chức Hội, đào tạo cán bộ Hội và nâng cao chất lượng sinh hoạt hội viên, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội cơ sở thành lập 10 mô hình tự quản về An ninh trật tự tại các chi hội, tùy điều kiện từng chi hội mà chủ đề mô hình tự quan khác nhau, cụ thể: Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp với mô hình “Hội viên nông dân nói không với bạo lực, bạo hành gia đình” tại Chi hội Thạnh Quang; Hội Nông dân xã Vĩnh Sơn với mô hình “Chi hội nông dân nói không với tín dụng đen và bạo hành gia đình” tại Chi hội K8; Hội Nông dân xã Vĩnh Quang phối hợp Công an xã xây dựng mô hình “Khu dân cư không có tội phạm” tại thôn Định Xuân...Từ đó đã thiết thực vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực bảo vệ và xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh và phát triển mạnh mẽ mô hình tổ hội nghề nghiệp, trọng tâm là mô hình tổ hội nghề nghiệp theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác dân vận, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đến nay toàn huyện đã xây dựng 06 tổ hội nghề nghiệp: Dệt thổ cẩm, Nuôi cá nước ngọt, Chăn nuôi bò lai sinh sản và Trồng rau an toàn tại các xã, thị trấn. Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thực hiện mô hình 6 mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu Các cấp Hội Nông dân trong huyện tiếp tục duy trì và xây dựng mới 20 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, cụ thể như: xã Vĩnh Hòa 03 mô hình “Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng” tại thôn M8, M7 và M6; xã Vĩnh Thuận 02 mô hình “Tường rào, cổng ngỏ, hố rác gia đình” tại làng 1 và đoạn đường xanh - sạch - đẹp tại làng 4; xã Vĩnh Hiệp 07 mô hình “Hố rác gia đình, hố rác công cộng” tại thôn Thạnh Quang, Hà Ri, Vĩnh Khương, Vĩnh Thọ, Tà Lét và mô hình “Nông dân bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn Vĩnh Phúc, mô hình “xử lý chất thải trong chăn nuôi” tại thôn Vĩnh Cửu; xã Vĩnh Hảo 01 mô hình “Thu gom rác thải” tại thôn Định Tam và thôn Định Nhất; thị trấn Vĩnh Thạnh 02 mô hình “Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng” tại thôn Định Bình và phối hợp Mặt trận xã xây dựng mô hình “Hố rác gia đình” tại khu phố Kon Kring; xã Vĩnh Thịnh 02 mô hình “Xe thu gom rác thải” và mô hình “Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng” tại thôn An Ngoại; xã Vĩnh Quang 02 mô hình “Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng” tại thôn Định Trung và mô hình “Hố rác gia đình” tại thôn Định Quang; xã Vĩnh Sơn mô hình “Đoạn đường xanh, sạch, đẹp” tại thôn K2.
Trong công tác tạo vốn, huyện Hội đã tích cực hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức như: Cho vay vốn, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hội đứng ra tín chấp vốn vay ngân hàng chính sach xã hội, đến nay tổng dư nợ hơn 129 tỷ/62 tổ/2.470 hộ vay, chiếm 44,8% tổng số ủy thác qua tổ chức hội; huyện Hội phối hợp với ngân hàng nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh thành lập 15 tổ vay vốn Ngân hàng nông nghiệp trên địa bàn huyện, dư nợ gần 30 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân hơn 3,3 tỷ đồng, giải ngân cho 20 dự án. Hiện nay các nguồn vốn phát huy hiệu quả, không có nợ quá hạn, nợ xấu. Gắn với đó, huyện Hội đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong 5 năm qua đã có 5.779 lượt hộ nông dân đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, qua bình xét có 3.108 lượt hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào này có hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, khuyến khích, động viên hội viên, nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức: giúp về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn; tiêu biểu hộ bà Huỳnh Thị Sương - thị trấn Vĩnh Thạnh duy trì mô hình chăn nuôi heo đen và trồng các loại cây trồng khác bền vững hàng năm đem lại lợi nhuận khá cao, hộ ông Đinh Khuân xã Vĩnh Thuận mô hình bí đỏ và dưa hấu hàng năm thu được từ 150 - 200 triệu tạo công ăn, tạo việc làm theo thời vụ cho trên 10 lao động nông thôn, thu nhập 200.000đ/ngày, hộ bà Võ Thị Thu xã Vĩnh Sơn duy trình mô hình trồng rau an toàn, cây mắc ca đem lại lợi nhuận khá cao, hộ ông Võ Văn Nhơn xã Vĩnh Hảo với mô hình nuôi cá nước ngọt trong lồng bè hồ Định Bình cho thu nhập hàng năm hơn 300 triệu đồng,… phong trào này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Kết quả tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ ngày càng tăng lên, đạt từ 85% trở lên, phân loại hằng năm có 100% (9/9 xã, thị trấn) đạt vững mạnh, 100% (59/59) chi hội đạt loại khá trở lên, không có chi hội trung bình, yếu kém. Hội Nông dân huyện nhiều năm liền đơn vị dẫn đầu công tác hội và phong trào nông dân của 5 huyện trung du miền núi. Với những kết quả trên, phải khẳng định rằng Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa XV thực sự là đòn bẩy cho nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội và chất lượng hội viên hiện nay và trong những năm tới.