Hiệu quả từ các nguồn vốn đầu tư
Với đặc thù huyện miền núi, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống (có 11.818 hộ, chiếm 37% số hộ toàn huyện), xác định rõ việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào DTTS, huyện An Lão đã từng bước cụ thể hóa và vận dụng tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả khá rõ rệt.
Về các xã vùng đồng bào DTTS của huyện An Lão, như: xã An Toàn, An Nghĩa, An Vinh,... hôm nay, chúng tôi chứng kiến các công trình “điện, đường, trường, trạm” đã được xây dựng đồng bộ, khang trang, tạo nên một diện mạo mới cho vùng DTTS.
Ông Nguyễn Lợi, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện An Lão tâm sự: “Cách đây hơn 10 năm, mỗi lần về công tác ở các xã vùng đồng bào DTTS là một hành trình vô cùng khó khăn. Đường núi bằng đất cấp phối, trời mưa thì trơn trượt, trời nắng thì bụi mù. Về trung tâm xã đã vậy, nếu về các bản thì phải luôn chuẩn bị các thứ để ở lại qua đêm.Thế nhưng hiện nay, nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, huyện An Lão đã từng bước đầu tư nhiều tuyến đường bê tông kiên cố, không chỉ đến trung tâm xã mà đến các bản làng xa xôi nhất, như: thôn 3 xã An Nghĩa, thôn 1 xã An Toàn, thôn 7 xã An Vinh.
Những con đường rộng mở đã tạo điều kiện cho bà con đồng bào DTTS đi lại thuận tiện, mang lại nhiều cơ hội cho bà con giao lưu, học hỏi, trao đổi hàng hóa với miền xuôi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Được biết, từ năm 2009 - 2019, nguồn vốn thuộc Chương trình 30a đầu tư cơ sở hạ tầng trên 404 tỷ đồng với 196 công trình thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục, văn hóa, truyền thanh, môi trường, .... Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất là 90,237 tỷ đồng để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: trồng lúa lai, ngô lai, keo lai dâm hom, nuôi heo đen, bò thịt hữu cơ, gà thả đồi, nuôi tằm, ong lấy mật...
Ngoài ra, huyện An Lão đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, đặc biệt là từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, ngày càng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân và tạo điều kiện quan trọng cho vùng đồng bào DTTS phát triển.
Đến nay, 100% số xã vùng đồng bào DTTS ở An Lão có đường ô tô về trung tâm xã; các tuyến quốc lộ trở thành mạng lưới giao thông thuận tiện, mở ra cơ hội giao thương giữa các vùng, miền; 100% số xã có trường học và các điểm trường mẫu giáo.
Hệ thống trạm y tế xã trên địa bàn huyện An Lão được xây dựng kiên cố, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS; 100% xã phủ sóng phát thanh, truyền hình; mạng điện thoại di động và mạng Internet đã về đến trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt 100%.
Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
An Nghĩa là một xã miền núi biên giới, địa bàn rộng, phức tạp và có 99% đồng bào DTTS sinh sống. Ông Đinh Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và nhiều chương trình lồng ghép khác của huyện An Lão trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay, hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các bản làng đều đã được cứng hóa; 100% số hộ trong xã đã có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất; các trường học trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của con em đồng bào DTTS trong xã.
Từ chỗ luôn có tư tưởng “trông chờ ỷ lại” vào sự trợ cấp của Nhà nước, những năm gần đây, đồng bào DTTS ở xã An Nghĩa đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, đã biết tự thân vận động, hăng hái lao động, sản xuất. Với sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật của Nhà nước, hầu hết đồng bào DTTS ở xã An Nghĩa đã biết trồng rừng kinh tế, chăn nuôi bò, dê để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Đinh Thị Nghiệp - Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thôn 1 tự hào: “Chưa bao giờ tôi thấy bản làng cũng như đời sống của bà con có sự đổi thay đổi lớn như hôm nay. Từ cuộc sống phụ thuộc vào việc trồng lúa rẫy bấp bênh, hiện nay, bà con đã biết chăn nuôi thêm con bò, con dê; đặc biệt bà con đã biết trồng rừng kinh tế…, nên cuộc sống dần ổn định; con cháu trong bản đều được đến trường học cái chữ…Vì vậy, bà con trong bản rất phấn khởi và luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, Nhà nước”.
Có thể khẳng định, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt, sản xuất nông, lâm nghiệp của các xã vùng đồng bào DTTS ở huyện An Lão đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế gia trại tổng hợp rất hiệu quả. Chăn nuôi có bước phát triển khá với đàn gia súc hơn 4.466 con, tăng 11% so với năm 2009; đàn lợn hơn 3.000 con, tăng 5% so với năm 2009; đàn gia cầm trên 18.000 con, tăng 8,5% so với năm 2009.
Số hộ đồng bào DTTS làm ăn khá giỏi ngày càng tăng. Hiện có hơn 400 hộ đồng bào DTTS làm ăn khá, giỏi, trong đó có trên 100 hộ có thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm, 70 hộ có thu nhập từ 70-150 triệu đồng/năm.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng huyện An Lão đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, vùng đồng bào DTTS của huyện đang từng ngày khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao.
Đồng bào DTTS huyện An Lão ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đoàn kết gìn giữ an ninh trật tự và chung tay xây dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.