Duyên nợ với “nghề”.
Theo chân ông Giang ra tham quan cánh đồng lúa thôn Xuân Vinh xã Hoài Mỹ, mới thấy hết được công việc vất vả mà ông đang làm đó là đặt bẫy bắt chuột, bảo vệ mùa màng cho bà con nông dân địa phương. Chia sẻ với chúng tôi ngay trên đồng ruộng, ông Giang cho biết: “Trong những năm gần đây, do lũ lớn ít xuất hiện, lượng mưa ngày càng thưa dần, chuột được đà phát sinh gây hại, nhiều thửa ruộng trở nên tan hoang xơ xác chỉ sau vài đêm”. Nên vào đầu mỗi vụ gieo sạ, chính quyền địa phương huy động các tổ chức ban ngành đoàn thể phối hợp cùng bà con ra quân đào hang, vây lưới, hun khói, dùng bã sinh học để diệt chuột nhưng rồi hiệu quả cũng không mấy khả quan, chuột vẫn tiếp tục hoành hành…Nhưng giờ đây nhìn cánh đồng xanh ngút ngát mịn màng không còn dấu vết chuột cắn phá ít ai biết được trong đó có một phần công sức bảo vệ của ông.
|
Ông Giang đang bắt chuột. |
Khi nói về nghề, ông Giang tâm sự: “Duyên nợ mà tôi gắn bó với nghề này bắt đầu từ 5 ruộng sào nhà liên tục bị chuột phá hoại, nhiều vụ lúa trong năm, gia đình chỉ còn mót lại ít lúa lép cùng rơm rạ phụ nuôi gia súc, gia cầm. Bà nhà xót xa đến thẫn thờ, tiếc cho bao công sức chăm bón. Tôi tìm đủ mọi cách để ngăn lũ chuột, mua thuốc về đặt rồi dùng bạt nhựa căng xung quanh cho từng thửa ruộng nhưng bọn chuột vẫn cắn phá xác xơ. Chẳng lẽ cứ để chúng tự do hoành hành và mình phải chết đói hay sao, tôi lên phố mua liền một lúc 20 chiếc bẫy về đặt quanh diện tích ruộng nhà. Thế nhưng, sáng hôm sau ra đồng kiểm tra, mồi nhữ thì chuột “chén” sạch mà không có con nào dính bẫy. Không nản chí, tôi tự mày mò và thay mới lại toàn bộ lò xo tự chế bằng lò xo thép để tăng sức bật và độ nhạy và từ những chiếc bẫy cải tiến ấy, tôi đã lần lượt bắt sạch lũ chuột trên ruộng mình và xung quanh xua tan nỗi lo nạn chuột phá hoại giúp bà con yên tâm sản xuất. Rồi cứ thế, tiếng lành “đồn xa” bà con trong thôn, trong xã liên tục đến nhà nhờ tôi trừ chuột giúp cho ruộng của họ, vì thế quanh năm tôi không có thời gian rảnh rỗi với chuyện bẫy chuột”.
Cho những mùa vàng bội thu
Thật ra thì chẳng ai thích cái “nghề” diệt chuột, vì vừa thu nhập thấp vừa tìm ẩn nhiều rủi ro nhưng theo nài nỉ của bà con trong và ngoài thôn, ngày nào cũng vậy, chiều tối ông vác hàng trăm chiếc bẫy đi bẫy chuột giúp bà con. Công việc này vẫn đều đều dù trời mưa hay rét buốt. Nghỉ một ngày là ông đứng ngồi không yên với sự hoành hành của lũ chuột. “Lúc đầu tôi bị chuột cắn liên tục, sẹo cũ vừa lành thì sẹo mới kế tiếp. Lo lắm chứ, nhưng rồi không thấy biểu hiện gì ảnh hưởng đến sức khoẻ nên đã giúp tôi mạnh dạn hơn trong đối đầu với lũ chuột”. Ông Giang chia sẻ thêm.
Đến nay, sau gần 10 năm “tích cóp” kinh nghiệm và mua sắm dụng cụ hiện ông đang sử dụng trên dưới 300 chiếc bẫy chuột, lúc cao điểm ông huy động thêm hàng xóm đặt cả trăm chiếc, diệt hàng trăm con chuột mỗi đêm và cho đến bây giờ ông không thể nhớ chính xác mình đã tiêu diệt được bao nhiêu chuột, chỉ biết rằng những cánh đồng lúa khắp nơi trên địa bàn xã ngày càng xanh tốt, bà con nông dân không còn mất ăn, mất ngủ vì nạn chuột tàn phá ruộng lúa, hoa màu.
Ngoài việc sớm tối lặn lội trên đồng, chi phí thường xuyên cho việc mua, cải tiến lại bẫy chuột và các loại mồi nhữ cũng không phải là ít tiền, bên cạnh đó bẫy lại thường xuyên bị mất, nhưng ông không tiếc bởi bà con có lấy cũng chỉ để bẫy chuột thôi, càng nhiều người bẫy, chuột mới nhanh hết được. Với ông một khi đã nhận lời thì ông kiên trì bắt cho kỳ hết chuột ở vùng đó rồi mới đến những thửa khác. Hộ khó khăn thì ông bắt giúp, còn mỗi lần như vậy ông được bà con trả theo ngày công lao động từ 120-150 ngàn đồng/đêm
Bà Huỳnh Thị Hồng, ở thôn Xuân Khánh bày tỏ: “Nhờ tài bẫy chuột của ông Giang nên 5 sào ruộng của gia đình tôi mấy năm gần đây liên tiếp được mùa, không còn tốn kém chi phí, công sức nhiều như những năm trước đây nữa nên bà con muốn “bồi dưỡng” thêm nhưng ông nhất định chối từ”.
Những việc làm thiết thực của ông Lê Trung Giang đã góp phần tích cực trong phong trào diệt chuột, bảo vệ sản xuất của địa phương. Đã nhiều năm nay, trên những cánh đồng lúa của xã Hoài Mỹ dường như không còn xuất hiện những dải ni-lon dùng để che chắn chuột. Ông Nguyễn Thế Linh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã khẳng định: “Trước đây do bị chuột phá nhiều nên năng suất lúa chỉ đạt 40 tạ/ha. Mấy năm gần đây năng suất lúa và hoa màu tăng khá cao, trung bình đạt từ 68 đến 70 tạ lúa/ha. Thành quả đó có công lớn của ông Giang. Trung bình mỗi vụ sản xuất ông bắt từ 1.500-2.000 con, riêng vụ Đông Xuân 2015-2016, số lượng chuột ông Giang bắt được đã vượt trên 2.000 con, đó là chưa kể đến lượng lớn chuột mà bà con đã diệt được từ kinh nghiệm hướng dẫn và những chiếc bẫy “đặc biệt”của ông góp sức”.