Với mục tiêu đó, trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ theo lĩnh vực ngành nghề. Thực hiện chủ trương của Hội cấp trên, từ năm 2016, Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai các giải pháp cụ thể để xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp.
|
Mô hình trồng rau ôn đới của bà con nông dân Vĩnh Sơn bước đầu phát huy hiệu quả. |
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 7 tổ hội nghề nghiệp, trong đó có 1 tổ hội dệt thổ cẩm, 1 tổ hội Nuôi cá nước ngọt, 4 tổ hội Chăn nuôi bò lai sinh sản và 1 tổ hội trồng rau an toàn được thành lập xây dựng tại các xã, thị trấn trong huyện. Được biết, các tổ hội nghề nghiệp này được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi.
Bên cạnh đó, việc xây dựng tổ hội nghề nghiệp cũng được dựa trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên vì có chung trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và được coi là giải pháp cụ thể, chủ động, tự thân bảo vệ hội viên nông dân trong môi trường cạnh tranh hiện nay.
|
Hộ ông Trịnh Xuân Lời ở xã Vĩnh Hòa có thu nhập cao nhờ trồng ớt và các loại rau củ quả. |
Trên thực tế, các tổ hội này đã xây dựng được nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, trong đó bao gồm việc đi sâu vào trao đổi thông tin liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả… Các buổi sinh hoạt của các tổ hội được tổ chức đều đặn hàng tháng, hàng quý với sự tham gia đông đủ, tích cực của mỗi thành viên với những ý kiến phát biểu sôi nổi.
Qua trao đổi, ông Đặng Thanh Yên, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp trồng rau an toàn chi hội Định Trường (xã Vĩnh Quang) cho biết: “Nhờ có thành lập tổ trồng rau an toàn, nên được Hội cấp trên quan tâm rất lớn về tập huấn kỹ thuật, cho vay vốn lãi suất ưu đãi và liên kết bán sản phẩm làm ra giá cao, không bị tư thương ép giá, từ đó đời sống bà con trong tổ hội được nâng lên, xây nhà mới khang trang,…”
Gắn với việc xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, các cấp Hội không ngừng đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong tổ hội nghề nghiệp. Qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến có cách làm hay, sáng tạo làm giàu trên mảnh đất quê hương như: hộ ông Đinh Văn Khuân (xã Vĩnh Thuận) với mô hình trồng bí đỏ, ngô lai và các loại đậu đổ cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm; hộ bà Võ Thị Thu (xã Vĩnh Sơn) với mô hình trồng chanh dây, trồng rau sạch và một số cây có giá trị kinh tế cao như cây Mác ca, bời lời đỏ; hộ ông Trịnh Xuân Lời (xã Vĩnh Hòa) với mô hình trồng ớt, dưa hấu... thu nhập hàng trăm triệu đồng; hộ ông Đỗ Cộ với mô hình trồng thanh long ruột đỏ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; hộ ông Võ Văn Nhơn (xã Vĩnh Hảo) với mô hình nuôi cá lồng bè tại hồ Định Bình cho thu nhập hàng năm từ 250-300 triệu đồng và nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện có mức thu nhập từ 100 -150 triệu đồng/năm, phong trào này đã góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, Hội tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp được vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, các chương trình dự án khác số tiền hơn 150 tỷ đồng và 70 tổ vay vốn do các cấp Hội Nông dân trong huyện quản lý đã có nhiều thành viên tổ hội nghề nghiệp được vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, họ cũng thường xuyên được tham gia vào các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật do huyện và cấp trên tổ chức.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện, kết quả hoạt động của các tổ hội nghề nghiệp cho thấy việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp, sản xuất tập trung đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao được nhận thức cho hội viên nông dân, phát huy được nội lực của hội viên, giúp họ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thống nhất phương án sản xuất, giảm chi phí dịch vụ đầu vào con giống, thức ăn chăn nuôi, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, ổn định đầu ra trên thị trường. Nhờ đó, hội viên yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, đây cũng là một trong những tiền đề cho việc thành lập các tổ Hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, ngành khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian đến, Hội Nông dân các cấp trong huyện tiếp tục thành lập các tổ hội nghề nghiệp và các tổ hợp tác xã, dồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân tự nguyện tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp và các tổ hợp tác xã, đẩy mạnh giá trị sản xuất sản phẩm làm ra, góp phần đạt chỉ tiêu thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.