Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã An Vinh, huyện An Lão đến nay mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí. Năm 2020, xã phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí là môi trường và giao thông. Mục tiêu là vậy, nhưng với điều kiện khó khăn của xã hiện nay thì việc huy động nguồn lực trong dân xây dựng NTM là điều không thể. Bởi hiện nay tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 69,6%. Trong khi đó cả xã có trên 8.494 ha diện tích tự nhiên nhưng chỉ có 194 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, ngoài trồng lúa, mì, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng nguyên liệu thì người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng không đáng kể. Đời sống người dân khó khăn là vậy, nếu trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước thì không biết đến khi nào An Vinh mới chạm được đích NTM. Khi hiện nay 9 tiêu chí chưa đạt của xã đều là những tiêu chí cần sự đầu tư rất lớn về kinh phí như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế, giao thông…
Ông Đinh Văn Mẩy, Chủ tịch UBND xã An Vinh, huyên An Lão cho biết: “Thực hiện chương trình cả nước chung tay xây dựng NTM ở An Vinh gặp rất nhiều khó khăn. Là xã vùng sâu, vùng xa, diện tích đất sản xuất ít. Dân thì đa số nghèo, sản xuất chủ yếu là nông lâm nghiệp, làm nương rẫy là chính. Hiện nay, xã đã được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng do điểm xuất phát thấp nên đầu tư Nhà nước vào cũng không thúc đẩy thay đổi được nhiều. Đến năm 2020 xã cố gắng mới đạt được 10/19 tiêu chí NTM”.
Còn đối với xã vùng cao An Toàn thời gian qua, trên cơ sở rà soát các tiêu chí, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên là xã có xuất phát điểm thấp, hơn nữa, thu nhập của phần lớn người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, nên khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nan giải nhất vẫn là tiêu chí về thu nhập trung bình của người dân, tỷ lệ hộ nghèo còn và cứng hóa đường giao thông nông thôn… Đây cũng là những tiêu chí khó khăn, nan giải chung ở các địa phương của huyện An Lão. Nhiều năm qua, xã đã triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống, vốn cho bà con làm kinh tế. Tuy nhiên, với 100% người dân là người đồng bào thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế; phần lớn là lao động phổ thông nên hiệu quả lao động rất thấp. Mặc khác do điều kiện khí hậu phức tạp, thường bị rét lạnh và sương mù kéo dài nên ở đây người dân chỉ sản xuất 1 vụ Xuân Hè/ năm với diện tích khoảng 100 ha với 100% nguồn giống, vật tư nông nghiệp được Nhà nước hỗ trợ kết hợp với trồng rừng để tạo sinh kế. Mặc khác việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn khá lúng túng nên đời sống người dân rất khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa xây dựng NTM chưa cao… Chỉ bấy nhiêu khó khăn thôi đã thấy gian nan con đường thưc hiện các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo chứ chưa nói đến về đích NTM. Thực trạng ở các xã An Vinh, An Toàn cũng là bức tranh chung của các xã vùng cao, huyện An Lão trong quá trình xây dựng NTM.
An Lão là huyện nghèo của tỉnh Bình Định với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội rất khó khăn. Tính đến nay, An Lão chưa có xã đạt 19 tiêu chí về xây dựng NTM và huyện đang phấn đấu cuối năm 2020, 2 xã An Hòa, An Tân về đích NTM theo kế hoạch. Mặc dù trong nhiều năm qua, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM huyện đã nỗ lực tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị chung tay thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Nhìn từ thực tế ở các địa phương hiện nay thì tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là "rào cản” chính trong công cuộc xây dựng NTM của huyện. Bằng nhiều giai pháp, huyện An Lão đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện một số mô hình phát triển sản xuất bằng nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án như: mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, nuôi heo đen ở các xã vùng cao ; trồng rau an toàn tại xã An Tân; trồng dâu nuôi tằm tại xã An Hòa, An Tân; nuôi gà thả vườn.... Bước đầu các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế, nhân ra diện rộng, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, số xã đạt tiêu chí thu nhập hay giảm tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức thấp, nhận thức của người dân và ý chí tự vươn lên thoát nghèo còn khá trì trệ, nặng nề tư tưởng dựa dẫm vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đây là một bài toán khó đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong huyện xây dựng NTM.
Theo ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng nông nghiêp và phát triển nông thôn huyện An Lão cho biết: “Đối với các xã vùng cao của huyện An Lão, có nhiều xã rất xa xôi, khó khăn trong công tác xây dựng NTM. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải phát huy được nội lực của nhân dân. Phải nghĩ mình có thế mạnh chính về cây, con gì? Điều kiện thỗ nhưỡng có lợi thế để tổ chức loại hình sản xuất nào ?. Ngoài ra cơ sở vật chất đối với các xã này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ cấp trên, bằng nguồn lực lớn cho An Lão phát triển”.
Có thể nói, xây dựng NTM ở huyện An Lão, các tiêu chí NTM chưa đạt đều là tiêu chí khó và đòi hỏi cần nhiều nguồn lực, trong khi chất lượng đời sống nhân dân còn rất thấp. Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, còn hạn chế. Bên cạnh đó, tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế, xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường…. Do đó, dù chương trình xây dựng NTM đã tuyên truyền mạnh mẽ đến từng hộ gia đình, được người dân nhiệt tình hưởng ứng, nhưng trước những khó khăn đến từ nhiều phía, đến nay, huyện chưa có xã nào về đích xây dựng NTM.
Huyện An Lão đang tích cực xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Trong đó, quyết tâm tập trung nguồn lực vào các tiêu chí có liên quan đến phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đầu tư hệ thống giao thông và cơ sở vật chất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn vốn trong dân để nhân dân chủ động tham gia, ủng hộ. Đồng thời, khai thác những thế mạnh về vị trí địa lý của từng địa phương. Cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai chương trình liên kết 4 nhà để giúp người dân phát triển sản xuất; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao, tạo đầu ra cho sản phẩm... từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiềm lực vững chắc để xây dựng NTM. An Lão cũng rất cần sự giúp sức, chung tay của các cấp, các ngành trong quá trình vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng nông thôn giàu đẹp.