Triển khai thực hiện Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả, chi nhánh Agribank đã ký thỏa thuận với Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh về việc cho vay qua tổ vay vốn. Tính đến cuối cuối tháng 8/2020, Hội Nông dân phối hợp với chi nhánh Agribank Vĩnh Thạnh đã thành lập 19 tổ/492 thành viên vay với số tiền trên 39.781 triệu đồng, đạt 173 % kế hoạch năm. Một số xã có dư nợ cho vay qua tổ vay vốn cao như xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hảo và Vĩnh Quang.
Cho vay thông qua tổ là một định hướng đúng đắn phù hợp với tình hình hiện nay của Agribank và Hội Nông dân, tổ vay vốn phù hợp ở địa bàn nông thôn, nơi các tổ chức hội hoạt động mạnh mẽ, có uy tín cao, giúp chi nhánh Agribank tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, hỗ trợ tạo tiền đề cho chi nhánh trong quá trình phối hợp tuyên truyền triển khai các hoạt động cho vay, quảng bá thương hiệu Agribank…
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Long, tổ viên thôn Vĩnh Trường, xã Vĩnh Thịnh bộc bạch: “Tôi vay vốn ngân hàng Agribank từ rất lâu rồi, từ khi con nhà tôi còn nhỏ, tôi vay vốn để mua máy móc nông nghiệp phục vụ cho bà con nông dân trong thôn có tiền nuôi các con ăn học. Giờ đây tôi được vào tổ vay vốn của ngân hàng để vay tiền nâng cấp và mở rộng phát triển nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi và mua thêm máy móc nông nghiệp phục vụ bà con, tôi vay qua tổ thấy rất thuận tiện, không phải qua ngân hàng làm thủ tục như trước đây, tôi trả lãi vay qua tổ trưởng, giảm thời gian đi lại, tổ trưởng nhiệt tình và có trách nhiệm đôn đốc các tổ viên trả nợ đúng hạn”.
Hiệu quả vay thông qua tổ tạo điều kiện cho nông dân ở vùng sâu vùng xa không phải đi đến ngân hàng, giúp tiết kiệm chi phí và an toàn cho nông dân. Việc cho vay qua tổ vay vốn không chỉ tạo thuận tiện cho người dân trong quá trình quan hệ tín dụng với ngân hàng mà còn giúp ngân hàng thuận tiện trong việc quản lý khách hàng, giảm áp lực quản lý khách hàng của cán bộ làm công tác tín dụng và giảm số lượng đông người tập trung tại ngân hàng. Qua thời gian triển khai, tổ vay vốn đã thực sự là cánh tay nối dài của Agribank đến các hộ nông dân, vai trò cán bộ Hội Nông dân ngày càng nâng nên, tổ chức Hội Nông dân thực sự trở thành trung tâm nòng cốt trong các phong trào, là chỗ dựa vững chắc cho hội viên.
|
Phát triển mô hình rau an toàn tại xã Vĩnh Quang từ nguồn vốn vay Agribank thông qua tổ vay.
|
Việc thành lập tổ vay vốn được ngân hàng Agribank và Hội Nông dân tổ chức họp dân theo địa bàn khu dân cư, có sự tham gia của cấp ủy và chính quyền địa phương rất dân chủ công khai, bầu Tổ trưởng tổ vay vốn được lựa chọn thường là người có uy tín, nhiệt tình, gần gũi với các thành viên tổ vì vậy có thể theo sát đôn đốc, nắm bắt nhu cầu của các thành viên trong tổ, hỗ trợ các cán bộ tín dụng trong việc mở rộng tín dụng và đôn đốc trả nợ, đảm bảo tỷ lệ lãi thực thu cao, nâng cao chất lượng tín dụng. Mặt khác, việc tham gia các tổ vay vốn cũng tạo điều kiện cho các thành viên tổ có thể học hỏi về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả đồng vốn vay ngân hàng, đảm bảo khả năng trả nợ. Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt huyết, được ngân hàng tập huấn và hiểu về các món vay của ngân hàng, đã trở thành như một cán bộ ngân hàng thực thụ, giúp cho ngân hàng Agribank giải quyết những khó khăn vướn mắc từ các tổ viên vay vốn.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Tổ trưởng tổ vay vốn Aribank thôn Định Trị cho hay: “Tôi làm tổ trưởng tổ vay vốn của Hội Nông dân đã được gần ba năm. Tôi quản lý số hội viên là 26 thành viên, dư nợ thường xuyên 2,6 tỉ đồng, các thành viên vay vốn với số tiền cao nhất 200 triệu đồng, thấp nhất 50 triệu để đầu tư chăn nuôi sản xuất và thường làm ăn rất hiệu quả, trả lãi cho ngân hàng đầy đủ. Thủ tục vay vốn ngân hàng Agribank nhanh gọn đáp ứng nhu cầu của người dân, nên người dân cảm thấy yên tâm và ngày càng nhiều người tìm đến tổ vay vốn để có vốn làm ăn”.
Tổ vay vốn Agribank đã đem lại hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nhất là người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có nhiều cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng, từ đó hạn chế việc người dân phải tìm đến tín dụng đen để có vốn phục vụ nhu cầu chính đáng, giúp họ phát triển sản xuất.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân và chi nhánh Aribank huyện, thời gian tới sẽ tiếp tục thành lập các tổ vay vốn tại các xã, thị trấn còn lại, xây dựng hệ thống vay vốn thông qua tổ thực sự mạnh, tạo niềm tin vững chắc cho nông dân yên tâm vào tổ vay vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn, giúp cho nông dân có thu nhập cao, góp phần hạn chế tín dụng đen và giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh trong thời gian đến.