Ông Đỗ Đình Biểu- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão cho biết: “ mục tiêu cụ thể của Đề án là tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2021 đạt 7,5 - 8%/năm, tỉ trọng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm 64,7%. Phấn đấu đến năm 2021 giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 795 tỉ đồng, giá trị sản xuất đạt 85 triệu đồng/ha canh tác/năm. Đến cuối năm 2020 có 2 xã An Hòa và An Tân đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 5% trở lên. Tỉ lệ dân cư nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%. Có 50% lao động nông thôn được đào tạo, tập huấn nghề và 550 lao động được giải quyết việc làm (trong đó có 50 lao động xuất khẩu)…”.
Theo báo cáo của UBND huyện An Lão, một trong những dấu ấn trong giai đoạn 2015 - 2020 ở huyện An Lão là tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh. Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Năng suất cây lúa tăng từ 57,3 tạ/ha (năm 2015) lên 62,5 tạ/ha.
Các loại cây trồng mới theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu phát triển khá, toàn huyện đã trồng mới hơn 173 cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Điển hình như cam xoàn có 34,5 ha, bưởi da xanh 105,5 ha, sầu riêng 11,5 ha, hồ tiêu 9,5 ha, bơ 12,13 ha. Diện tích dâu tằm lên đến 217,6 ha, sản lượng kén trong 5 năm qua đạt 87 tấn, giá trị sản xuất 14,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã trồng các loại cây dược liệu như chè dây, đương quy, cà gai leo và cây thìa canh, sâm đá…
Trong chăn nuôi, huyện An Lão đã chú trọng đẩy mạnh phát triển đàn bò lai theo hướng bò thịt chất lượng cao với các giống lai ngoại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, huyện An Lão có tổng đàn gia súc hơn 40,2 ngàn con, trong đó đàn bò hơn 10 ngàn con, bò lai chiếm 75,1% tổng đàn. Vài năm gần đây huyện đã đầu tư hàng hàng tỷ đồng mua 850 con heo đen giống (gồm 200 con heo đực giống và 650 con heo cái nền) hỗ trợ người dân chăn nuôi, nhân giống tạo sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương; Phong trào nuôi cá nước ngọt ở địa phương cũng được phát triển mạnh mẽ với hàng trăm hộ dân sử dụng 63ha mặt nước ao, hồ đầu tư chăn nuôi, hàng năm đánh bắt hơn 65 tấn cá các loại. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và người dân tự bỏ vốn đầu tư mua sắm công cụ, máy móc từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông-lâm nghiệp. Đến nay đã có 75% trong các khâu từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến được cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, huyện An Lão cũng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Mật ong rừng An Lão, Chè Tiến vua An Toàn và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Đồng thời, triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 3 sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh (mật ong rừng An Lão, cam xoàn An Toàn, cau hột An Hòa) và 7 sản phẩm cấp huyện đạt từ 2 sao trở lên (hàng thủ công mỹ nghệ An Hòa, thịt heo đen, thịt bò, rau sạch An Tân, dứa An Toàn, tiêu hạt An Lão, rượu cần An Hưng).
Ngoài ra, huyện An Lão còn thực hiện mạnh mẽ Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, với hơn 60 ngàn ha rừng và đất rừng được giao cho các đơn vị, cá nhân quản lý, bảo vệ. Toàn huyện cũng đã trồng mới 13 ngàn héc ta rừng, nâng độ che phủ rừng đạt 81,5% cuối năm 2019, nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng nhờ từ rừng trồng và thu hoạch sản phẩm phụ dưới tán rừng.
|
Trồng bưởi da xanh, hướng đi mới ở An Lão. |
Trong nhiều năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh danh giỏi trên địa bàn huyện An Lão đã lan tỏa rộng khắp từ miền núi đến vùng cao. Điển hình như hộ bà Đinh Thị Như (đồng bào Hrê) ở Thôn 4, xã An Nghĩa đã thực hiện mô hình nuôi 20 con heo thịt, 30 con gà, 10 con bò lai sinh sản, trồng 15 ha keo lai, 02 máy gặt đập liên hợp, bình quan thu nhập hàng năm 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 130 triệu đồng.
Hộ gia đình các ông Trần Chanh, Nguyễn Xuân Sang (thôn Thanh Sơn, xã An Tân), ông Trần Văn Trò, Hồ Văn Đông, Sử Thành Công (xã An Hòa) đã thực hiện tốt mô hình “vườn, ao, chuồng” kết hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm cây giống, ép dầu, nấu rượu, cày đất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm có thu nhập từ 150-250 triệu đồng/hộ.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Cụ thể, huyện đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghề cho trên 4.450 người, trong đó đào tạo nghề trên 1.060 người. Xuất khẩu lao động có nhiều khởi sắc, trong 5 năm qua đã có 153 người xuất khẩu lao động; đa số có thu nhập ổn định, tích lũy vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 của toàn huyện còn 36,34%, ước đến cuối năm 2020 giảm còn 26,92%, bình quân hằng năm giảm khoảng 7,6%.
Đến cuối năm 2019, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện, xã An Hòa đã đạt 15/19 tiêu chí, An Tân 14 tiêu chí, An Trung 13 tiêu chí, An Hưng 12 tiêu chí, An Vinh 10 tiêu chí, An Quang 11 tiêu chí, xã An Nghĩa và An Toàn mỗi xã đạt 9 tiêu chí.
Để đạt được lộ trình về đích xây dựng NTM trong năm 2020, nhiều năm qua xã An Hòa đã thực hiện mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM mang lại hiệu quả đáng mừng. Ông Trần Nam Trung-Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa chia sẽ: “Qua gần 08 năm (2012-2020) thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã An Hòa đã đầu tư hàng tỷ đồng mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con cho năng suất cao, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ; gần 1.000 lao động được đào tạo nghề nấu ăn, may mặc, trồng dâu nuôi tằm…; hàng ngàn lượt hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH hơn 103 tỷ đồng để giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019 xã An Hòa đã đạt bình quân thu nhập đầu người hơn 42,7 triệu đồng/năm, tăng gấp 06 lần so với năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân từ 5 đến 10%.”.