Nói về mô hình sản xuất sạch của mình, ông Thái chia sẻ: “Một mặt tôi coi trọng sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân xanh trong quy trình sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho đất. Mặt khác, tôi hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác trong khâu chăm sóc cây, con. Mặc dù phải mất công quản lý, giám sát, mất chi phí cho việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, nhưng tôi xác định làm là vì lợi ích sức khỏe gia đình tôi, cho bạn hàng làm ăn và cho sức khỏe người tiêu dùng…”.
|
Ông Trần Thái ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú - hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh – chăm sóc vườn mít tố nữ.
|
Theo ông Thái, làm trang trại tổng hợp phù hợp với đặc điểm thị trường và giá cả nông sản đầu ra và nhờ có kinh nghiệm nên năm nào ông cũng thắng lợi. Đơn cử năm 2015, trang trại của ông Thái thu được 18 tấn măng tre điền trúc, trong đó có 3 tấn măng trái vụ giá bán tới 30.000 đồng/kg; 12 tấn trái mít tố nữ hạt lép giống Malaysia; 150kg hồ tiêu sạch; xuất bán 5 con bê lai, 20 con dúi; 500 con gà ta thả vườn. Ngoài ra, ông còn thu hoạch được 500 tấn cây keo lai, 6 cây sưa đỏ với giá bán 15 triệu đồng/cây. Gia đình ông còn có thu nhập khác nhờ tham gia bảo vệ 50 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Tổng thu năm 2015 của trang trại ông Thái đạt gần 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng.
“Làm trang trại tổng hợp phải kết hợp lợi thế của các cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích dựa vào đặc điểm sinh học hoặc tập tính loài và căn cứ vào tín hiệu thị trường. Ví dụ, muốn nuôi con dúi thì phải có vườn tre, vì trong tự nhiên tre và mía là các thực phẩm chính mà con dúi ưa thích. Bình Định là nguồn “ cầu” rất lớn về nguyên liệu giấy nên cây keo hấp dẫn nông dân, nhất là nông dân miền núi...” – ông Thái chia sẻ.
Cùng với làm giàu cho gia đình, ông Thái đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ và 5 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng /người /tháng. Ông Thái quả quyết: “Theo tôi, cho đến nay làm kinh tế trang trại theo hướng VietGAP là cách làm có tính khoa học, bền vững. Trang trại không chỉ có phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo hình ảnh đẹp cho nông thôn. Nhờ kinh tế trang trại, tôi đã nuôi 2 con và 4 cháu mồ côi được ăn học đại học, có công ăn việc làm…”. Trong nhiều năm 2007, 2011, 2012, 2014 , 2015 ông Trần Thái được UBND huyện Tây Sơn, Hội Nông dân tỉnh, UBND tỉnh Bình Định và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen, giấy khen và công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2019, ông Thái được Thủ tướng Chính Phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 – 2020.
Ông chủ nấm sáng tạo
Trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, không thể không kể đến ông Đỗ Đình Hòa, chủ cơ sở sản xuất meo nấm ở thôn Thượng Sơn, xã miền núi Tây Thuận. Hiện cơ sở của ông Hòa chuyên sản xuất meo giống nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, cung cấp thành phẩm nấm các loại. Từ sản xuất, kinh doanh mặt hàng nấm, ông Hòa có lãi ròng 200 trăm triệu đồng/năm.
|
Ông Hòa bên sản phẩm nấm chuẩn bị thu hoạch. |
Xuất thân ở xã miền núi, gia đình khó khăn, ông Hòa đã kinh qua nhiều nghề, nhưng cái nghề đem lại cho gia đình ông cuộc sống khấm khá là nghề trồng nấm. Tìm hiểu sâu hơn, ông Hòa thấy nghề trồng nấm đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu làm chủ được công nghệ thì nghề này cũng “có ăn” nên quyết chí theo nghiệp trồng nấm. Khi nắm chắc bí quyết nhà nghề, làm chủ được công nghệ trồng nấm, ông Hòa liền mua sắm dụng cụ chuyên dùng, lập “ phòng hóa nghiệm” để sản xuất meo giống nấm.
Năm 2007, khi mẻ meo giống nấm đầu tiên thành công, ông quyết định đầu tư xây dựng lò bể vô trùng, xây trại sản xuất nấm hàng hóa và tuyển lao động làm việc. Ban đầu, tận dụng đất vườn nhà, ông dựng lên 4 trại sản xuất nấm sò thương phẩm. Làm ăn được, ông thuê mặt bằng mở rộng sản xuất, đến nay đã có 22 trại trồng nấm. Riêng khoản nấm sò, mấy năm gần đây ông lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm, chưa kể tiền lời từ bán bịch phôi nấm sò, tiền lời từ nấm rơm chừng vài chục triệu đồng. Cơ sở của ông Hòa đã tạo việc làm thời vụ cho khoảng 60 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 110 ngàn đồng/ người /ngày. Nhiều năm liền ông Hòa đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được UBND xã Tây Thuận, UBND huyện, UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng giấy khen, bằng khen; được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen về sáng chế “ thiết bị nâng nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm sò ” góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân Chương lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất từ năm 2012 – 2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 – 2020.
Nông dân đa năng
Với cơ ngơi sản xuất mộc dân dụng và nghề trồng, mua bán gỗ rừng trồng, thu nhập hàng tỷ đồng/ năm. ông Hồ Đức Lâm ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Thật ra, nghề chính của ông Lâm là trồng rừng, với 55 ha đất giao quyền và đất thuê, kết hợp với khai thác rừng trồng. Trong các vụ sản xuất Đông Xuân là thời vụ chính của cây dưa hấu, trên đất mới được cải tạo để trồng rừng vụ mới, ông Lâm tranh thủ trồng xen trồng khoảng 2 ha dưa hấu và luôn giành thắng lợi với thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Ông chia sẻ bí quyết của mình : “Tôi thuê 4 thợ giỏi trồng dưa với tiền công đặt cọc là 50 triệu đồng/ 2 ha / người/ vụ. Cứ canh tác cây dưa hết đám này thì tới đám khác trong tổng số 55 ha rừng trồng của gia đình. Có thời vụ tốt, kỹ thuật trồng dưa tốt, sản lượng, phẩm chất dưa tốt và đầu ra sản phẩm dưa thời điểm tốt thì tôi chắc chắn thắng lợi”. Ông Lâm mở xưởng sản xuất đồ gỗ dân dụng trong Cụm Công nghiệp của xã Bình Tân, thuê thợ mộc giỏi về làm, sản xuất bàn, ghế, tủ, cửa, đồ thờ theo các hợp đồng của khách hàng và sản xuất các loại rui, lách, đòn tay… phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn. Một phần nguyên liệu cho xưởng mộc chính là những cây gỗ lớn ông để lại khi đi mua cây rừng trồng, còn gỗ nhỏ ông bán cho các cơ sở thu mua gỗ nguyên liệu. Đến nay, xưởng mộc của ông Lâm tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động trong thôn và các xã lân cận với mức thu nhập trung bình 7,5 triệu đồng/người/tháng.
|
Ông Lâm (phải) bên xưởng sản xuất gỗ của gia đình. |
Để tăng thu nhập, ông Lâm còn tổ chức dịch vụ vận chuyển và mở một trạm cân điện tử ngay tại xưởng để phục vụ cân trọng lượng hàng hóa cho khách hàng. Với thành tích sản xuất giỏi, ông Lâm đã được chính quyền các cấp, Hội Nông dân tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Năm 2019 ông Lâm được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Làm vườn, chăn nuôi đều giỏi
Qua các lớp tập huấn, hội thảo, gặp gỡ giao lưu với các gương sản xuất giỏi, ông Nguyễn Ngàn ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú nhận ra điều căn cơ là muốn thoát nghèo là phải sinh đẻ có kế hoạch, phải có đất sản xuất, phải biết tiết kiệm trong chi tiêu, biết chọn lọc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và muốn làm giàu thì còn cần thêm nhiều thứ khác nữa. Qua sản xuất, đến năm 2016 gia đình ông Ngàn có tiền thu nhập từ cây keo và bạch đàn, tích lũy dần và mua thêm đất để trồng trọt. Đến nay tổng diện tích đất của ông là 21 sào đất trồng lúa, 5 ha đất rừng. Ngoài trồng cây lâu năm, ông còn trồng trái vụ xen cây bầu, bí, dưa, mướp, ớt..cho thu nhập khá. Khi có vốn, ông Ngàn xây dựng thêm chuồng trại nuôi 7 con bò sinh sản, 2 heo nái và 20 heo thịt. Với diện tích hơn 2500 m2 mặt nước ông Ngàn đã thả cá rô phi, trắm cỏ, cá lóc…hàng năm cũng cho nguồn thu nhập ổn định, hàng năm thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Từ đó, thu nhập của gia đình ông Ngàn tăng theo từng năm. Năm 2012 gia đình ông Ngàn có lãi ròng 100 triệu đồng/ năm, đến nay tang lên 300 triệu đồng/ năm. Ông Ngàn được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được chính quyền các cấp, Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện, UBND tỉnh tặng giấy khen, bằng khen. Năm 2020, ông Ngàn UBND huyện Tây Sơn tặng giấy khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Tây Sơn giai đoạn 2015 – 2020.
|
Ông Ngàn đang làm đất chuẩn bị vụ đông xuân. |
Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn cho biết: “Đến nay, toàn huyện có 5.157 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương 3 hộ, cấp tỉnh 127 hộ, cấp huyện 816 hộ, cấp cơ sở 4.211 hộ. Trong thời gian tới, để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện phát triển cả về số lượng và chất lượng, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng cường hỗ trợ các nguồn vốn, tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích hội viên nông dân xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả hơn nữa, giúp hội viên nông dân toàn huyện học tập, làm theo. Đồng thời, Hội chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng nhân rộng các điển hình tiên tiến và nhân tố mới sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào”.