Tiêu biểu như anh Huỳnh Văn Trung, ở Thôn Phù Gia xã Cát Tường. Năm 1995, anh được xã Cát Tường giao khoán 9,7 ha đất vườn điều ở thôn Chánh Liêm, anh đã nỗ lực cải tạo vườn, chặt bỏ những cây điều kém hiệu quả để trồng lại cây điều ghép cho năng suất cao hơn. Anh đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình thâm canh, chăm sóc, thường xuyên cải tạo đất và sử dụng các loại phân bón có hiệu quả. Hiện nay 3 ha điều đã cho quả, gia đình anh thu lãi 64 triệu đồng/năm. Diện tích còn lại anh trồng các loại cây ngắn ngày như đậu phụng, dưa, mè..., thu được đến 700 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, anh còn 12 ha trồng cây lâm nghiệp, gia đình anh trồng gối đầu theo chu kỳ (mỗi chu kỳ 3 ha), hằng năm cho lợi nhuận 180 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi 900 con heo thịt/năm (300 con/lứa), thu nhập sau khi trừ chi phí được 900 triệu đồng; nuôi 8 con bò lai sinh sản, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập từ trang trại, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh còn lãi gần 2 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Trung, ở Thôn An Đức xã Cát Trinh cũng là một điển hình vượt khó vươn lên làm giàu. Hiện anh có 6 ha keo lai, trồng theo chu kỳ 2 ha, hằng năm thu nhập sau khi trừ chi phí lãi gần 140 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh nuôi 12.000 con gà/năm (1.000 con/lứa/tháng), thu nhập trừ chi phí còn 510 triệu đồng; thu nhập từ bò hằng năm 65 triệu đồng. Hằng ngày gia đình anh làm từ 900 kg đến 1.000 kg bún, sau khi trừ chi phí thu nhập từ nghề làm bún là 330 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm còn lãi trên 1 tỷ đồng, nhờ đó kinh tế của gia đình ngày càng phát triển, anh có điều kiện xây dựng nhà cữa khang trang và lo cho các con đầy đủ.
|
Anh Nguyễn Văn Trung đang chuẩn bị nước gạo để làm bún.
|
Hay mô hình trang trại chăn nuôi heo, gà kết hợp trồng trọt của anh Nguyễn Ngọc Sang ở Thôn Tùng Chánh xã Cát Hiệp. Anh chia sẻ về câu chuyện làm trang trại, phát triển chăn nuôi, anh cho biết: "Khi mới lập gia đình, diện tích canh tác nông nghiệp của hai vợ chồng chỉ có 1 sào ruộng và 1 sào đất nông nghiệp và buôn bán nhỏ, nên kinh tế gia đình rất khó khăn, nên chưa bao giờ có ý định đầu tư làm ăn lớn để giàu lên". Nhưng nhờ kiến thức từ việc thường xuyên tham gia sinh hoạt công tác hội và phong trào nông dân, tiếp thu nhiều chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ, giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình giúp anh thay đổi nếp nghĩ: Muốn làm giàu, phải tập trung chăn nuôi và mở rộng dịch vụ ngay chính trên mảnh đất quê hương mình! Thế là, trang trại lợn và gà ta ra đời.
Nuôi gà ta theo hình thức nuôi nhốt và nuôi thả, cho ăn thức ăn công nghiệp, mỗi lứa xuất chuồng khoảng 3.000 con (9.000 con/năm). Đối với 450 heo thịt /lứa (1.350 con heo thịt/năm) và 130 con heo nái để lấy giống, heo con đẻ ra đều để lại nuôi, nuôi 500 vịt lai pháp; ngoài ra anh còn trồng 3 ha Điều; bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 5 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Sang cho biết, trong những năm gần đây, dịch bệnh liên tiếp xảy ra và đang là vấn đề bức bối khiến nhiều trang trại phải điêu đứng thậm chí thua lỗ. Nhưng trang trại của anh không xảy ra dịch bệnh, do tuân thủ nghiêm ngặt khâu phòng bệnh và vệ sinh môi trường, tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như tiêm phòng cho đàn lợn theo đúng quy trình, vệ sinh thường xuyên cho khu vực chăn nuôi và phun xịt thuốc khử độc sát trùng định kỳ; quan tâm phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi, áp dụng nghiêm ngặt quy định sát trùng, bảo đảm nguồn nước sạch cũng như nguồn thức ăn hằng ngày; không hám lời mà dùng thức ăn không bảo đảm chất lượng. Với cách làm trên, trang trại của anh luôn miễn nhiễm trước nhiều dịch bệnh, các lứa lợn đều khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, nhanh lớn. Ngoài ra anh còn ký hợp đồng với công ty thức ăn gia súc để cung cấp thức ăn cho gia đình anh và thu mua lai heo của gia đình. Riêng năm 2017 và 2018 nhiều người chăn nuôi lỗ vì heo rớt gia nhưng gia đình anh không lỗ nên gia đình đã cho thu nhập ổn định. Năm 2019, anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc và là đại diện cho nông dân tỉnh Bình Định sánh vai cùng 62 nông dân xuất sắc nhất trong cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.
Đó chỉ là ba cá nhân xuất sắc đại diện cho gần 13.000 hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Hội Nông dân huyện tổ chức chặt chẽ việc đăng ký và bình xét hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Kết quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Những tấm gương nông dân vượt khó vươn lên, làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương góp phần xây dựng Phù Cát ngày càng phát triển.