Tình trạng nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng núi huyện Vĩnh Thạnh.
|
Những khoảnh ruộng bị háp (cháy nắng) do thiếu nước tưới bà con nông dân Vĩnh Hòa cắt lấy rạ cho bò ăn.
|
Hiện, một số hồ chứa nước đã xuống dưới mực nước chết như hồ Tà Niêng (xã Vĩnh Thuận); hồ Hà Nhe (xã Vĩnh Hòa). Tại xã Vĩnh Hòa, nhiều diện tích lúa đang giai đoạn vào chắc đã bị thiếu nước nghiêm trọng. Bà Đinh Thị Nga - nông dân làng M9, xã Vĩnh Hòa cho biết: "Từ khi xuống giống đến nay, thời tiết gần như không có mưa nên lúa phát triển kém. Thêm nữa toàn bộ diện tích ruộng của làng M9, M10 đều lấy từ nguồn nước tự chảy, ngoài nguồn nước suối thì một phần nước sinh hoạt của làng từ hệ thóng nước từ chảy cũng dùng để tưới ruộng nên không đủ, hơn một tháng qua lúa bị thiếu nước, nhiều diện tích bị háp và chết".
Đối với một xã có gần 100% dân cư sống phụ thuộc vào nông nghiệp như Vĩnh Hòa thì hạn hán đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của bà con. Vụ đông xuân năm nay, toàn xã đưa vào sản xuất 85 ha lúa, có gần 30 ha bị thiếu nước nghiêm trọng. Một số diện tích thiếu nước ngay từ giữa vụ, lúa loe hoe như đám cỏ cháy. Một số diện tích khác đang vào chắc nhưng không tìm đâu ra nước để tưới, nông dân đành buông tay đứng nhìn cây lúa chết đứng. Ông Đinh Quynh - nông dân làng M9, xã Vĩnh Hòa đề nghị: "Làm sao đầu tư kênh mương đưa được nước hồ Định Bình về đây thỉ mới đủ nước sản xuất, còn hồ Hà Nhe chỉ tưới đủ cho mấy lứa nên chuyện thiếu nước tưới cho cây trồng ở Vĩnh Hòa năm nào cũng diễn ra. Không có nước thì lúa hay cây trồng nào cũng chẳng sống được. Bà con chúng tôi mỗi năm chỉ có một vụ lúa, mất vụ này là bị đói".
Trước thực trạng này, huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan và địa phương triển khai các giải pháp chống hạn như huy động mọi nguồn lực tận thu nguồn nước ở khe suối, tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm nước, ưu tiên tối đa nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, tăng cường thêm máy móc, thiết bị để bơm nước từ các khe suối để cứu lúa. Bên cạnh đó, Xã Vĩnh Hòa cũng đã vận động nhân dân hạn chế sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày để chia sẻ nguồn nước cho những mảnh ruộng đang cằn khô. Thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây trồng khó đảm bảo nước tưới sang trồng các cây cạn có khả năng chịu hạn cao như cây ngô lai, đậu đỗ...
Ông Lê Văn Mùi - Khuyến nông xã Vĩnh Hòa cho biết: "Tình hình khô hạn ở xã Vĩnh Hòa có thể nói là thường niên. Gần một tháng nay, mức độ khô hạn ngày càng khốc liệt gây ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất vẫn là sản xuất nông nghiệp. Ngoài cây lúa, các loại cây trồng khác ở Vĩnh Hòa như dưa hấu, rau màu, đậu đỗ cũng bị khô hạn nghiêm trọng".