Sinh ra và lớn lên tại 1 làng khó khăn nhất của huyện Vĩnh Thạnh, đó là làng O2. Năm 1993, theo chương trình định canh định cư của tỉnh đối với nhân dân O2, gia đình chị Boi tái định cư tại vùng đất mới làng K3 xã Vĩnh Sơn. Từ đó, anh chị em trong gia đình được cha mẹ nuôi lớn và trưởng thành theo từng mùa con ong đi lấy mật, từng hạt lúa rẫy bấp bênh do nắng hạn, gió bão. Cũng từng năm tháng đó với người con gái không được học hành nhiều, cái con chữ trong người rất ít nên chị chỉ lấy lao động chân tay làm nghề chính cho bản thân. Với khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu, Đinh Thị Boi đã từng trải qua khá nhiều nghề, từ cô thợ may, chị nhân viên Viettel đến công nhân của Xí nghiệp cá Tầm nhưng không công việc nào có thu nhập ổn định.
Năm 2016, Dự án trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh được triển khai thực hiện ở xã Vĩnh Sơn. Sau khi nghe lãnh đạo địa phương vận động nhân dân tham gia Dự án, chị là người đầu tiên đăng ký vào nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn. Những cơ duyên mới với nghề trồng rau liên tiếp may mắn đến với chị, đó là người nông dân được chọn đi học tập kinh nghiệm trồng rau an toàn ở Đà lạt cùng với lãnh đạo cấp trên và Ban điều phối dự án.
Vượt qua hàng trăm cây số đến Đà Lạt chị thấy cái gì cũng hay, cũng đẹp, cái gì người thành phố cũng có, cũng làm được. Nhìn những vườn rau xanh mướt, vườn hoa đủ màu sắc đã thôi thúc chị quyết tâm cao hơn trong việc tạo cho mình nghề trồng rau an toàn trên đất Vĩnh Sơn. Chị mộc mạc tâm sự: “Khi vào vườn ớt chuông tham quan thấy vườn ớt nặng trĩu quả mà từ nhỏ đến lớn mới thấy, không biết để trồng được cây ớt này bằng cách nào. Một việc làm mà đến bây giờ chị vẫn sợ đó là trong chỗ khuất chị đã hái 1 quả ớt chuông chín, chỉ mong muốn khi về nhà là có hạt giống ớt để trồng”. Việc "trộm đồ" của người khác khi chưa có sự đồng ý là việc không bao giờ làm của người đồng bào dân tộc thiểu số. Rồi chị được tham gia đào tạo lớp FFS trên đồng ruộng, được đi tham quan các vườn rau ở Hoài Nhơn, Tây Sơn, siêu thị BigC nhất là được tận tâm hướng dẫn kỹ thuật của tổ công tác.
|
Chị Boi và nhóm cùng sở thích nghỉ ngơi sau giờ lao động. |
Với những gì học hỏi được, chị Boi bắt tay ngay vào việc trồng rau. Năm 2017 cả nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn xã Vĩnh Sơn đã tập trung khai khoang đất để hình thành nên vườn rau tại làng K3, diện tích 2.400 m2, trồng đủ các loại rau ôn đới như cải thảo, súp lơ, bắp cải, ớt chuông, củ dền, cà rốt, xà lách, hành tây mỗi loại một ít nhưng đều cho xanh tốt đem lại niềm phấn khởi cho cả nhóm.
Bước vào năm 2018, để mở rộng diện tích, một số thành viên trong nhóm đã chuyển sang địa điểm mới để sản xuất, chỉ còn 5 hộ là đồng bào Bana do chị làm tổ trưởng để cùng sản xuất trên diện tích cũ, tập trung đầu tư thâm canh cho các lứa rau tuân thủ theo quy trình trồng rau an toàn tiêu chuẩn ViệtGAP, sử dụng phân chuồng hoai mục cho việc bón lót, trồng cây con giống đủ tiêu chuẩn nhận tại từ vườn ươm cây giống của “nhóm trưởng” Đặng Văn Khánh, không sử dụng các thuốc BVTV, phân bón hoá học, thuốc trừ cỏ, phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất rau an toàn; Bón cân đối các loại đạm, lân, kali. Chỉ sử dụng hoá chất BVTV ở giai đoạn cây rau còn nhỏ và khi mật độ, tỷ lệ sâu bệnh gây hại cao và đảm bảo cách ly thuốc BVTV và phân bón trước thu hoạch rau theo khuyến cáo, nhờ đó mà các loại rau đều sinh trưởng và phát triển tốt. Trong cái thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, cây vươn lên xanh tốt thì gần đến ngày thu hoạch con sâu xuất hiện cắn phá làm giảm đi chất lượng, năng suất, nguồn thu nhập từ cây rau bị giảm xuống làm cho các thành viên trong tổ chán nản vì trồng rau “cho thấy mà không cho tiền”.
Không nản chí ở những vụ rau cho thu nhập thấp do sâu bệnh gây ra, với suy nghĩ họ làm được thì mình cũng làm được “không biết thì học, không hiểu thì hỏi” từ đó chị đã mạnh dạn tiếp tục theo nghề trồng rau, dù có thất bại thì cũng có ngày thành công. Từ đầu năm 2019 trên diện tích 2.400m2, chỉ còn một mình chị Đinh Thị Boi vẫn tiếp tục đầu tư cho việc trồng rau. Rút kinh nghiệm những thiếu sót trong trồng rau ở vụ trước và sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của tổ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh và huyện. Bước đầu sâu gây hại trên cây bắp cải được phòng trừ kịp thời, bệnh vàng lá trên cây cải thảo từng bước được khống chế, hứa hẹn một vụ mùa thu hoạch khá trong năm 2019.
Không chỉ để có riêng mình, chị đã vận động bà con nông dân trong làng, người thân trong gia đình cùng tham gia trồng rau để nâng cao đời sống, chỉ tính riêng làng K3 của xã, trong năm 2019 đã phát triển thêm 1 nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn với 28 hộ tham gia, sản xuất trên diện tích 2 ha. Lứa rau đầu tiên trồng trên diện tích mới vào ngày 26/9/2019 đến nay đã gần thu hoạch và toàn bộ diện tích đã trồng xong với 2 loại rau chủ lực đó là bắp cải và cải thảo đang sinh trưởng tốt. Đây là 2 loại rau được Hệ thống Siêu thị BigC bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhóm “cùng sở thích” trồng rau an toàn xã Vĩnh Sơn.
Tuy nguồn thu nhập từ trồng rau hiện chưa cao, nhưng với quyết tâm của chị Boi và những người trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap trên đất Vĩnh Sơn, cùng với sự hỗ trợ về mọi mặt của dự án RAT tỉnh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để họ coi đây là nguồn thu nhập chính, góp phần nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng từ cây rau họ làm ra.