Ông Quách Hồng Dục, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh, cho biết: Trong xây dựng đời sống văn hóa nói chung, đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn nói riêng, từ xưa đến nay, nông dân bao giờ cũng đóng vai trò chủ lực, quan trọng. Nếu mỗi hội viên nông dân nhận thức đúng và hành động đúng sẽ góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả phong trào.
Xác định tầm quan trọng này, HND tỉnh đã bám sát các nghị quyết của cấp trên, các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa để tổ chứ nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xem đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
|
Hội HND tỉnh phối hợp với Sở VH&TT tổ chức Hội thi nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa năm 2020. Trong ảnh: Các đội dự thi tham gia tranh tài qua phần thi
Kiến thức nông dân. Ảnh: VIỆT HÙNG.
|
Nhờ vậy đến nay, trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình văn hóa. Tiêu biểu cho phong trào này là các mô hình kinh tế trang trại sản xuất nông nghiệp tổng hợp của ông Nguyễn Văn Trung, ở thôn An Đức, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát); bà Trần Thị Như Hoa, ở khu phố Thiện Chánh, phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) với nghề chế biến nước mắm; ông Nguyễn Thanh Phương, xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) với mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp; ông Nguyễn Đức Mười, ở thôn Tường An, xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ), với mô hình làm bún, bánh kết hợp chăn nuôi bò…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới cũng được các cấp HND tỉnh triển khai đồng bộ hiệu quả. Hằng năm, có 100% chi hội tổ chức cho hội viên đăng ký gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 367.000 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá (chiếm tỷ lệ 92,94% trên tổng số toàn tỉnh). Trong đó, có gần 222.000 hội viên nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 893 làng, khu phố, khối phố được các cấp công nhận danh hiệu văn hoá; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng lồng ghép một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Các cấp HND trong tỉnh đã phát động và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thu hút hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng tích cực như: ra quân bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, các tuyến đường tự quản do đơn vị đảm nhận; trồng và chăm sóc các loại hoa, cây xanh trên các tuyến đường nông dân tự quản, trong khuôn viên, diện tích nhà ở, nhà văn hóa thôn; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhờ đó, trong năm 2020, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động hội viên nông dân đóng góp hơn 56 tỷ đồng, 37.429 ngày công, hiến trên 112.000 m2 đất, làm mới và sửa chữa, bê tông hóa gần 372 km đường giao thông nông thôn; hướng dẫn xây dựng mới 154 mô hình HND tham gia bảo vệ môi trường… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo nên diện mạo văn hóa tươi thắm hơn ở khắp các vùng quê trong tỉnh.
Để công tác vận động hội viên tham gia xây dựng đời sống văn hóa diễn ra tích cực, hiệu quả hơn, ông Quách Hồng Dục, Phó Chủ tịch HND tỉnh - nhấn mạnh: Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, mang tính giáo dục truyền thống và định hướng tư tưởng cho hội viên, nông dân. Vận động hội viên, nông dân nâng cao vai trò trách nhiệm để thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu…
Hằng năm, HND tỉnh và Sở VH&TT thường xuyên phối hợp tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền nông dân; hội thi chuyên đề “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới” (bằng hình thức sân khấu hóa), “Nông dân với biển đảo quê hương”; hội thi “Tiếng hát đồng quê” các cấp; duy trì và xây dựng được 40 tủ sách nông dân. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã góp phần nâng cao nhận thức về nhiều mặt cho cán bộ, hội viên nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.